dd/mm/yyyy

An Giang: Nước đầu nguồn rút, dân ở đây nhộn nhịp làm mắm cá linh, cá chốt thu bộn tiền

Khi nước đầu nguồn rút, cũng là thời điểm nguồn nguyên liệu làm mắm cá linh, cá chốt dồi dào. Các cơ sở chế biến mắm ở xã đầu nguồn Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang bắt đầu nhộn nhịp chế biến mắm để phục vụ thị trường, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục hộ dân ở địa phương.

Trời mờ sáng, không khí nhộn nhịp của công đoạn chế biến cá linh, chuẩn bị nguồn nguyên liệu tại các hộ sản xuất. Theo chị Trần Thị Ngọc Hà (Cơ sở sản xuất mắm ấp 5, xã Vĩnh Xương), do ảnh hưởng nước năm nay lên trễ rút nhanh nên lượng cá đồng vùng đầu nguồn năm nay rất ít so với mọi năm.

Có thu nhập khá từ nghề làm mắm cá linh  - Ảnh 1.

Các hộ làm mắm truyền thống ở xã Vĩnh Xương luôn tìm cách duy trì đặc sản vùng đầu nguồn. Ảnh: Lê Kiều

Đến thời điểm này, chị chỉ thu mua được khoảng 5 tấn cá. Nguồn cá nguyên liệu khan hiếm, đồng nghĩa với việc giá cả cũng tăng với giá mua vào từ 15.000-17.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Tuy nhiên, để đảm bảo cung ứng tốt cho thị trường, chị đã chủ động để tìm nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ số lượng mắm hàng năm.

Hiện nay, các hộ chế biến mắm cũng đã cải tiến các thiết bị máy móc giảm nhẹ công lao động như cá cắt đầu xong được đưa vào máy đánh vảy, rửa sạch, ướp muối đưa vào thùng ủ một thời gian, sau đó mang ra rửa sạch cho thính vào tiếp tục ủ. Công đoạn cuối cùng là cho đường vào sau 3 tháng ủ. Với những công đoạn trên sẽ cho ra thành phẩm mắm cá linh.

Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Hà làm từ 200-300kg cá. Có hôm có nguồn nguyên liệu nhiều có thể chế biến lên 2 tấn cá/ngày. 

Đây cũng là điều kiện để hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương có nguồn thu nhập với giá 1.500 đồng/kg công cắt đầu cá, trung bình mỗi ngày 1 lao động có thu nhập từ 70.000 - 150.000 đồng.

Chị Trần Thị Ngọc Hà cho biết: "Hằng năm, cơ sở sẽ nhập hơn 10 tấn cá các loại để làm mắm, năm nay nước nhỏ cá ít, mua cũng ít chứ không nhiều, được vài tấn thì mướn bà con làm để có thêm thu nhập".

Hiện Vĩnh Xương có 3 hộ làm nghề sản xuất mắm, uớc tính mỗi năm cung ứng ra thị trường trên hàng chục tấn mắm các loại. Dù nghề làm mắm hiện nay cũng rất khó khăn về nguồn nguyên liệu nhưng hầu hết các hộ làm mắm truyền thống ở đây luôn tìm cách duy trì đặc sản vùng đầu nguồn để phục vụ nhu cầu thưởng thức loại đặc sản của vùng sông nước của người dân trong và ngoài xã.


Lê Kiều