Ân hận muộn màng của nữ sinh cầm dao gây án từ mâu thuẫn "tình tay ba"

Thứ hai, ngày 20/04/2015 10:36 AM (GMT+7)
Trong phút nóng giận không kiềm chế được bản thân, Nhung lấy con dao của người bán bánh mì đầu cổng trường đâm hai nhát vào bụng Thảo...
Bình luận 0
Mâu thuẫn từ mối tình tay ba

Trong chuyến công tác xuống Trại giam Thủ Đức (Z30D, Bộ Công an), điều làm chúng tôi chú ý chính là phạm nhân Trần Thị Tuyết Nhung (SN 1997, trú tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).

Nhung là một trong những phạm nhân nữ trẻ tuổi nhất đang cải tạo tại Trại giam Thủ Đức. Với nước da trắng trẻo, khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên khó ai có thể tin được rằng Nhung lại phạm tội thường chỉ có con trai mới phạm, đó là cố ý gây thương tích và phải chịu bản án 2 năm 6 tháng tù giam.

img
Phạm nhân Tuyết Nhung đang trò chuyện với PV tại Trại giam Thủ Đức.
Trò chuyện với chúng tôi, Nhung kể: “Năm 2013, Phương Uyên là em họ của em quen với T hơn Uyên một tuổi. Lúc quen với T, Uyên cũng biết trước đây T đã quen với Thảo nhưng hiện tại hai người đã chia tay. Sau một thời gian quen T, không hiểu vì sao Thảo biết tin nên thường xuyên nhắn tin, gọi điện để hăm dọa Uyên. Uyên cũng đã nói với T nhưng T khẳng định là không còn quan hệ gì với Thảo nữa. Có thể do Thảo ghen tức nên mới làm vậy thôi”.

Sau một thời gian nhắn tin và gọi điện hăm họa không có kết quả, Thảo vẫn thấy Uyên còn cặp kè với T nên đến tận nhà Uyên để chửi bới.

Thảo nói: Cô ta với T chỉ giận nhau chứ chưa chia tay nhau hẳn. Nếu Uyên mà vẫn còn qua lại với T thì cô ta sẽ cho Uyên biết mặt.

Tưởng rằng đến tận nhà chửi bới vậy, Uyên sẽ sợ mà chia tay với T, nào ngờ mấy ngày hôm sau, Thảo vẫn bắt gặp Uyên và T chở nhau đi chơi. Thảo liền rủ thêm mấy người bạn đến thẳng nhà của Uyên để đánh “dằn mặt”.

Tuy nhiên, hôm Thảo cùng một số người kéo đến nhà Uyên thì gặp người lớn ở đó nên không làm được gì, đành phải kéo nhau bỏ về. Thấy Thảo ngày càng làm tới, biết Nhung cũng có quan hệ với một số bạn có “máu mặt” trong trường nên Uyên mách với Nhung để Nhung xử lý giùm mình. Nghe xong chuyện Uyên kể, Nhung tức tối liền lên Facebook để chửi bới và đe Thảo nếu còn động đến em mình thì sẽ đập chết.

Sau một thời gian lời qua tiếng lại trên Facebook, Thảo ra mặt thách thức Nhung. Để chứng minh mình không chỉ dám nói mà còn dám làm, Nhung đã rủ thêm một bạn nam và một bạn nữ đến cổng trường chờ Thảo về để “xử”. Khi Thảo vừa bước ra khỏi cổng trường, Nhung xông tới chửi bới và đánh lộn với Thảo. Thấy bạn mình bị đánh, hai người bạn của Thảo xông tới “yểm trợ” khiến Nhung phải bỏ chạy.

Tuy nhiên, chạy được một đoạn, tức tối vì chưa thể “dằn mặt” được Thảo, Nhung quay lại giật lấy con dao của người bán bánh mì trước cổng trường đâm 2 nhát vào bụng khiến Thảo gục ngay tại chỗ. May mắn do được mọi người đưa Thảo đi cấp cứu kịp thời nên Thảo không bị nguy hiểm tới tính mạng. Sau khi gây án, Nhung đã bị bắt trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.

Ân hận muộn màng

Nhung chia sẻ: “Lúc em ra tòa nghe hội đồng xét xử tuyên án mà em rụng rời hết tay chân. Em thực sự bị sốc bởi không nghĩ mức án mình bị nặng đến vậy. Em cứ nghĩ bạn Thảo không bị chết thì em sẽ được nhận án treo về để tiếp tục đi học. Nhưng bây giờ vì nóng giận, muốn trả thù cho em gái mà gây ra tội lỗi tày đình này. Lúc đó em nghĩ mọi thứ đã kết thúc, học hành dang dở, không còn tương lai”.

Theo Nhung, hành động gây tổn thương cho người khác chỉ là bốc đồng, nóng giận nhất thời. Khi nhìn thấy máu ở bụng Thảo chảy ra, Nhung sợ hãi, vứt con dao và đứng sững người nhìn nạn nhân quằn quại, đau đớn. Cô gái trẻ không ý thức hết được việc làm sai trái của mình nên bây giờ phải trả một cái giá quá đắt. Ngày Nhung bị bắt, bố mẹ cô đã sững sờ nhưng không ai trách Nhung. Đến ngày Nhung phải đi thi hành án, mẹ Nhung chỉ ôm em khóc. Đấng sinh thành động viên Nhung cố gắng cải tạo thật tốt để có thể sớm trở về nhà đi học lại.

Lau vội những giọt nước mắt, Nhung kể: “Hồi mới bị bắt và chuẩn bị ra tòa, em nghe mọi người kể trong trại có những “đại bàng”. Những phạm nhân nào mới vào đều phải có lễ “nhập môn” nên em cũng sợ. Sợ mình không thể hòa nhập được với những người trong đó, sợ mình bị đánh, bị bỏ đói. Nhưng bây giờ vào ở trong này rồi, em mới thấy hoàn toàn khác. Mỗi người một hoàn cảnh phạm tội khác nhau, nhưng mọi người sống chan hòa và tình cảm với nhau. Không có chuyện kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu như bên ngoài mọi người vẫn nói”.

Ngừng một lát Nhung kể: “Những ngày em mới vào trong này, em buồn lắm. Đêm nào em cũng khóc vì buồn, vì nhớ nhà và cũng vì ân hận về việc làm của mình đã làm khổ biết bao nhiêu người. Lúc đó em thấy giận bản thân mình lắm nên rất chán nản và bi quan. Nhưng may mắn được sự quan tâm của cán bộ trại giam. Mọi người luôn động viên em, muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, con đường duy nhất là cải tạo cho thật tốt để có thể sớm trở về, làm lại từ đầu. Những lời khuyên đó đã giúp em hiểu ra nhiều điều”.

Khi chúng tôi hỏi Nhung về dự định sau này được trả tự do sẽ làm gì, Nhung cúi mặt xuống và nói: “Chắc em xin đi học lại chị ạ. Chứ em mới học đến lớp 11 thì biết làm gì”. Nhung ngây thơ hỏi lại chúng tôi: “Mà không biết người ta có cho em học lại không chị nhỉ?”. Nhung nói tiếp: “Trước đây khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mặc dù em cũng nghịch ngợm nhưng em luôn ý thức phải cố gắng học tập. Vì vậy, 10 năm qua em đều là học sinh tiên tiến và năm nào cũng có giấy khen. Lúc đó em cũng có nhiều mơ ước, nhưng chẳng biết bây giờ có thực hiện được nữa không”.

Trò chuyện với chúng tôi một cán bộ quản giáo Phân trại K1 cho biết: “Nhung là một trong những phạm nhân nữ trẻ nhất trại. Lúc bị bắt Nhung mới ở tuổi vị thành niên nên tâm lý có nhiều biến động. Vì vậy, với những phạm nhân như thế này, chúng tôi phải theo dõi sát sao kịp thời động viên. Sau một thời gian Nhung cũng hiểu ra và dần thích nghi với môi trường trại cải tạo. Nhung luôn có ý thức kỷ luật và cố gắng hoàn thành chỉ tiêu lao động mà trại đề ra”.

Qua báo chí xin gửi lời xin lỗi đến bố mẹ

Tâm sự với chúng tôi, Nhung nói: “Qua đây em xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất của em đến bố mẹ. Mặc dù em gây ra tội lỗi tày trời khiến bố mẹ phải xấu hổ với mọi người vì có con gái bị đi tù, nhưng từ khi em bị bắt đến nay, bố mẹ không một lời trách cứ. Nhà em ở tận Lâm Đồng, nhưng tháng nào bố mẹ cũng sắp xếp thời gian xuống thăm và luôn động viên em cố gắng cải tạo cho tốt để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Nhiều lần em hỏi, "mẹ có giận con không?", nhưng mẹ em chỉ trả lời: “Con dại thì cái mang vậy, con nhận ra việc làm sai trái của mình để sau này có thể làm lại được từ đầu là bố mẹ yên tâm rồi”.
(Theo Việt Thu/Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem