Ẩn họa tôm hùm đỏ nhập từ Mỹ

Thứ tư, ngày 11/08/2010 16:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau rùa tai đỏ, đến lượt tôm hùm đỏ (tôm hùm nước ngọt của Mỹ có tên khoa học là Red Swamp Crawfish) được một doanh nghiệp nhập về Việt Nam bất chấp các quy định của nhà nước.
Bình luận 0
img
Một con tôm hùm đỏ có đôi càng to như càng cua.

Nhập tôm “khủng”

Mấy ngày qua, dân trong nghề nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực ĐBSCL xôn xao bàn tán chuyện Công ty TNHH Phú Thành (ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nhập về một lô 504 con tôm hùm nước ngọt của Mỹ để nuôi thử nghiệm. Loài tôm này có thân có màu đỏ sẫm, tốc độ tăng trưởng nhanh (hơn 50g trong khoảng 3 - 5 tháng).

Nhìn bề ngoài tôm đỏ trông khá dữ dằn với hai cái càng to khoẻ như càng cua dùng để đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh lại có thể di chuyển trên cạn nên khả năng tôm đỏ phát triển tràn lan khi thoát ra ngoài môi trường là rất lớn.

Ông Trần Hoàng Dũng - Phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề kể lại, người dân chuyên nuôi trồng thuỷ sản khi phát hiện giống tôm này được nhập về (nuôi tại ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề) đã ngay lập tức báo ngành nông nghiệp nhờ can thiệp.

img “Tôm hùm đỏ là loài chịu nhiệt tốt (từ 10-300C) phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm áp, chịu được hàm lượng oxy hòa tan thấp và nhiệt độ cao nên tôm dễ phát triển tràn lan ra môi trường làm biến đổi hoặc ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong các thủy vực có chúng sinh sống. Loài tôm này không nằm trong danh mục nhập nên không loại trừ khả năng là vectơr truyền bệnh, du nhập những virus lạ mà các loài tôm bản địa chưa phát hiện” - img

TS Lý Thị Thanh Loan

Nhiều người lo ngại với tập tính hung dữ và phàm ăn, tôm đỏ sẽ là mối “đại hoạ” đối với các loài thuỷ sinh như ốc bươu vàng và rùa tai đỏ. “Công ty này chỉ cung cấp được mỗi giấy nhập cảnh nhận hàng tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và không có thêm giấy tờ nào khác. Số tôm nhập về phần nhiều đã chết, chỉ còn sống 22 con đực và 11 con cái.

Hiện Trung tâm thú y VII đã niêm phong, giao thú y địa phương quản lý để chờ ý kiến của ngành nông nghiệp xem có cho nuôi hay không” - ông Dũng cho hay nói.

Ông Trần Văn Hải – chủ một trang trại nuôi tôm cỡ lớn ở huyện Trần Đề cho biết, ông tìm hiểu trên mạng Internet thì biết tôm hùm đỏ có cặp càng vừa to vừa bén. Nó có thể bung đôi càng to khoẻ giết chết đối thủ trong nháy mắt.

Ngoài bản tính hung hăng và ăn tạp, tôm hùm đỏ còn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên sẽ là mối đe doạ đối với các loại tôm đang thả nuôi ở Việt Nam.

Nuôi để làm gì?

Theo tài liệu của ngành thuỷ sản, tỷ lệ thịt của tôm hùm đỏ chỉ khoảng 15% trọng lượng của tôm, còn lại là vỏ nên giá trị dinh dưỡng thấp. Trên thị trường hầu như rất ít tôm này được dùng làm thực phẩm. Nếu nói nuôi tôm hùm đỏ để lấy vỏ làm dược phẩm, mỹ phẩm thì không cần thiết bởi vì vỏ tôm trong nước đã dư thừa đến mức phải làm thức ăn gia súc.

Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, sở này đã yêu cầu Công ty TNHH Phú Thành cung cấp giấy phép nhập khẩu nhưng hơn 3 tuần rồi mà công ty vẫn chưa xuất trình. Ông Hà Văn Tâm - Giám đốc công ty này chỉ có… bản đề nghị xin cho phép nuôi khảo nghiệm trên diện tích 10ha với số lượng dự kiến khoảng 1 tấn. Đến nay, toàn bộ số tôm nhập về (10,9kg) cũng không có giấy kiểm dịch thú y.

Theo TS.Lý Thị Thanh Loan - Giám đốc Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực phía Nam (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), tôm hùm nước ngọt không chỉ sống tốt trong nước ngọt mà còn sống tốt trong các đầm lầy. Nếu ở ĐBSCL nuôi loài thủy sản ngoại lai này đại trà sẽ làm mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng, bờ sông và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để sinh tồn.

Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

“Chúng tôi đang kiểm tra...”

Chiều 9-8, trả lời Nông thôn Ngày nay về việc xử lý số tôm hùm ngoại lai do Công ty TNHH Phú Thành ở Sóc Trăng nhập về, ông Lê Thiết Bình - Trưởng phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho hay: “Cục đã nhận được báo cáo về việc này từ Sóc Trăng và chúng tôi cũng đã có đoàn kiểm tra đến Sóc Trăng lấy mẫu để xem đấy là loại gì, tên khoa học của nó như thế nào vì chúng tôi chỉ mới nghe tên VN thôi và liệu nó có nguy cơ xâm hại hay vẫn có thể phát triển bình thường... Đến thứ 5 tuần này Cục Khai thác mới có kết quả, lúc đó chúng tôi mới có thể trả lời được nên hay không nên cho thả ra môi trường và nếu không thả ra môi trường thì sẽ xử lý như thế nào?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem