Bất chấp giá thanh long vụ vừa qua có lúc rớt xuống tận đáy, nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang vẫn ráo riết trồng loại cây này. Tại xã Lương Hòa (Bến Lức, Long An), lão nông Phan Văn Mọt đã cho xông đèn xong gần 1ha thanh long. Cạnh vườn thanh long này, ông vừa trồng thêm một vườn thanh long khác rộng gần 1ha.
Hấp lực từ giá
Trò chuyện với chúng tôi, không ít nông dân trồng thanh long bày tỏ quan điểm: “Thắng 3 vụ, thua một vụ chả sao”, bởi khi thanh long có giá luôn gấp đôi, gấp 3 giá sàn.
Chưa có doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long. Ảnh: T.C.L
Theo Sở NNPTNT Tiền Giang, trồng thanh long ruột trắng có lợi nhuận trung bình 232 triệu đồng/ha/năm. Mức này cao hơn cây lúa 6,1-13,1 lần, khiến thời gian gần đây nông dân đã đổ xô bỏ cây trồng khác chuyển sang trồng thanh long.
|
Ông Phan Thanh Tuấn ở xã Lương Hòa vừa trồng vườn thanh long rộng 1ha, cho biết, hấp lực từ giá thanh long khiến ông không mấy do dự đốn bỏ vườn chanh không hạt sắp thu hoạch trái để trồng thanh long.
“Tôi biết vụ rồi giá thanh long rơi xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng đợt giá thanh long trước đó hấp dẫn quá khiến tôi không cưỡng lại được” - ông thổ lộ. Ông hy vọng, sau vụ thanh long rớt giá thê thảm, giá thanh long sẽ tăng lại.
Thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện diện tích mía niên vụ 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh giảm gần 40% so cùng kỳ năm 2017. Theo ghi nhận, huyện Bến Lức có diện tích mía giảm mạnh nhất, trên 1.500ha. Nông dân đã chuyển sang trồng các cây khác, trong đó có thanh long, nhất là tại xã Bình Đức.
Chủ tịch UBND xã Lương Hòa - ông Ngô Tấn Thời cho hay, xã này lâu nay chuyên canh cây mía. Tuy nhiên, gần đây do giá mía giảm thê thảm nên một số nông dân bỏ mía trồng thanh long với hy vọng giá tốt hơn trồng.
Nếu nông dân Long An bỏ mía, thì nông dân Tiền Giang bỏ khóm (dứa) trồng thanh long, nổi bật nhất là tại huyện Tân Phước - huyện chuyên canh cây khóm của Tiền Giang. Theo Phòng NNPTNT huyện Tân Phước, huyện này có diện tích trồng thanh long đang tăng rất nhanh. Hiện, toàn huyện có hơn 500ha trồng thanh long.
Ông Chín Biền (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) cho biết gia đình ông cũng đã chuyển 1ha đất trồng khóm sang trồng thanh long.
Nỗi lo đổ bỏ, giá giảm...
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện tổng diện tích trồng thanh long của tỉnh là hơn 6.000ha, nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo với 5.500ha. Tại Long An, diện tích thanh long khoảng 12.000ha, năng suất trung bình từ 25-30 tấn/ha/năm.
Đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, việc thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh chủ yếu do thương lái đảm nhận, với khoảng 90.000 tấn/năm, chiếm 64% tổng sản lượng thanh long. Các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa thu mua chỉ đạt khoảng 50.000 tấn/năm.
Với thanh long chính vụ có khoảng 30% tiêu thụ ở thị trường TP.HCM, xuất khẩu chỉ chiếm 10%, 60% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Đối với thanh long nghịch vụ, khoảng 80% được xuất khẩu nhưng chủ yếu ở dạng tiểu ngạch hoặc ủy thác, 20% còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Tại huyện Châu Thành - địa phương chuyên canh cây thanh long và chiếm tới 90% diện tích thanh long của tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Mẫn - cán bộ Phòng NNPTNT cho biết, thanh long nghịch vụ xuất khẩu được 80%; chính vụ xuất khẩu 40%. “Rất lãng phí khi hàng ngàn tấn thanh long của nông dân phải đổ bỏ mỗi năm” - ông Mẫn nói.
Nếu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 5 doanh nghiệp và 45 cơ sở thu mua thanh long và có 4 doanh nghiệp xử lý đông lạnh thanh long để xuất khẩu sang EU, Mỹ; thì tại Long An có hơn 100 doanh nghiệp thu mua nhưng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long.
Trong bối cảnh Trung Quốc - nước nhập khẩu nhiều thanh long của Việt Nam đang mở rộng diện tích trồng loại cây này, trong nước giá thanh long cũng trồi sụt liên tục, sản phẩm nhiều lúc dư thừa..., việc nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng mà không rõ đầu ra sẽ là ẩn họa của việc nông sản dư thừa, thua lỗ...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.