Ăn quá nhiều đường nguy cơ phá hủy não bộ

Diệu Linh Thứ tư, ngày 11/12/2024 07:38 AM (GMT+7)
Ăn quá nhiều đường không chỉ gia tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type2 mà còn có thể phá hủy não bộ, gây trầm cảm...
Bình luận 0

Tại hội thảo chuyên đề "Xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống có đường trên thế giới và tại Việt Nam" vừa diễn ra, TS, bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật dinh dưỡng thực phẩm - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tại Việt Nam cho biết, người Việt đang ăn quá nhiều đường và ngày càng gia tăng. 

Nghiên cứu cho thấy, lượng đường tiêu thụ của người Việt đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam từ mức trung bình 6,6lít/người năm 2002 lên 46,5lít/người năm 2017 và năm 2018 là 50,7lít/người. 

Trung bình một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Ăn quá nhiều đường nguy cơ phá hủy não bộ - Ảnh 1.

TS Bùi Thị Mai Hương chia sẻ, dù lượng đường ở 1 lon nước ngọt rất cao nhưng nhiều người đang uống hàng ngày. Ảnh CTV

Theo TS Hương, một lon nước ngọt có gas chứa tới 36g đường. Tuy nhiên, nhiều người lại quen sử dụng đồ uống có gas hàng ngày. Trong khi kết quả nghiên cứu gần 2.000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy, trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas.

Trong đó 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết uống mỗi ngày; gần 16% uống 5-6 lần/tuần; gần 29% uống 3-4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỷ lệ này tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày.

Theo WHO, việc tiêu thụ lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cùng nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là sâu răng - bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu.

Theo TS Hương, trẻ vị thành niên tiêu thụ quá nhiều đường thêm vào trong đồ ăn, thức uống, nhất là nước ngọt công nghiệp còn có nguy cơ cao bị tăng cân dẫn đến bệnh tim mạch và đái tháo đường type 2. Ngay cả trẻ khoẻ mạnh khi tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến các biểu hiện như: Tiêu chảy mạn, đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, chậm lớn…

"Đặc biệt, glucose - một loại đường đơn có trong hầu hết thực phẩm giàu carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho não, cung cấp dinh dưỡng để bộ não tăng trưởng, học tập và phát triển. Tuy nhiên, tnếu ăn quá nhiều đường gây dư thừa glucose sẽ ảnh hưởng xấu đến não, làm giảm trí nhớ và gây ra các khiếm khuyết về nhận thức, có thể gây ra nghiện đường... Ăn nhiều đường cũng dễ gây lo lắng, trầm cảm, gián đoạn giấc ngủ…", TS Hương chia sẻ. 

Ăn quá nhiều đường nguy cơ phá hủy não bộ - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Quỳnh Vân khuyến cáo người dân cần xây dựng thói quen lựa chọn các thực phẩm không đường hoặc giả đường để bảo vệ sức khỏe.

Bà Nguyễn Quỳnh Vân - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH cũng cho rằng, việc ăn nhiều đường có nguy cơ gây ra các bệnh mãn tính ở giới trẻ và có xu hướng ngày càng gia tăng như đái tháo đường type 2, béo phì, huyết áp cao... 

Bà Vân khuyến cáo người dân Việt nên giảm lượng đường hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Trong việc mua sắm và tiêu thụ thực phẩm hàng ngày, người dân cũng nên duy trì thói quen xem nhãn mác để lựa chọn các sản phẩm thực phẩm không có đường hoặc giả đường để bảo vệ sức khỏe của bản thân mình và gia đình. 

"Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo phụ nữ không nên tiêu thụ quá 5 thìa cà phê đường mỗi ngày", bà Vân nhấn mạnh.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem