Ông Nguyễn Đức Hà khẳng định: “Từ Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta đã thực hiện được nhiều cái “lần đầu tiên”. Trong đó ấn tượng nhất là lần đầu tiên Đảng ta quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, làm một cách bài bản, có chiều sâu. Lần đầu tiên chúng ta có quy hoạch nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như 4 chức danh chủ chốt”.
Ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh: Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã tạo ra những thay đổi rất quan trọng trong cả nhận thức và hành động của đảng viên. Ảnh: Hải Phong
Hàng loạt việc “lần đầu tiên”
Thưa ông, nhìn lại 4 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, đâu là điều ông thấy tâm đắc nhất?
- Nghị quyết T.Ư 4 ra đời vào đầu năm 2012 và được triển khai suốt 4 năm qua. Qua 4 năm thực hiện, có thể nói việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ này. Thứ hai, Nghị quyết T.Ư 4 đặt ra 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp, rất rộng và có nhiều việc phải làm. 3 nhiệm vụ cấp bách đặt ra gồm có: Chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; Xây dựng đội ngũ, nhất là cán bộ T.Ư và việc thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ trong Đảng. Đây đều là những vấn đề hết sức quan trọng và bức thiết.
Vấn đề lớn thứ nhất, chúng ta tập trung và làm dồn dập vào năm đầu: Đó là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Có thể nói từ Nghị quyết T.Ư 4 có mấy vấn đề lần đầu tiên chúng ta làm được trong lịch sử 85 năm của Đảng: Đây là một đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng nhưng lại làm từ trên xuống dưới. Kiểm điểm từ Tổng Bí thư trở xuống. Trước đây cũng có nhiều đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nhưng làm từ dưới lên. Nhưng lần này là làm từ trên trở xuống. Chúng ta tiến hành kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, sau đó xuống đến cấp dưới.
Cũng từ Nghị quyết T.Ư 4, lần đầu tiên Đảng ta quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và làm một cách bài bản khoa học, kỹ lưỡng, có chiều sâu. Lần đầu tiên chúng ta có quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lần đầu tiên tổ chức đào tạo bồi dưỡng những lớp cán bộ nguồn bài bản chặt chẽ nghiêm túc với nội dung thiết thực, bổ ích.
Từ đó chúng ta mới có quy hoạch nhân sự, do đó công tác nhân sự ở đại hội các cấp vừa qua suôn sẻ hơn so với các kỳ Đại hội trước. Nghị quyết T.Ư 4 đã chỉ rõ: “Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp T.Ư đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Từ đó, chúng ta đặt ra mục tiêu xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Vấn đề thứ ba là từ Nghị quyết T.Ư 4 mà chúng ta đã thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng thành các quy định, quy chế, nghị quyết… để thực hiện, để nghị quyết đi vào cuộc sống. Ví như từ Nghị quyết T.Ư 4, Quy chế bầu cử trong Đảng, quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, quy định về việc nêu gương, quy chế về kiểm tra, giám sát, quy định về việc tham gia đóng góp xây dựng Đảng được ra đời và thực hiện trong thực tế.
Trong 3 năm (2012-2014), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 54.000 đảng viên ở các cấp và xóa tên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác. Đây là một con số đáng kể cho thấy quyết tâm của Đảng trong nỗ lực tự chỉnh đốn. Với kết quả này, liệu niềm tin của nhân dân đối với Đảng có được củng cố?
- Cứ nói thế này cho dễ hình dung: Năm 2012, khi triển khai Nghị quyết T.Ư 4, chúng ta đã kỷ luật hơn 16.000 đảng viên, tăng 16% so với 2011. Năm 2013, lại còn gối từ 2012 sang, kỷ luật hơn 21.000 trường hợp, tăng 30% so với năm 2012. Năm 2014, xử lý kỷ luật khoảng 17.000 đảng viên. Cộng với số kiểm điểm sâu sắc, cũng tới hơn 100.000 trường hợp. Vậy con số này là nhỏ hay không nhỏ?
Việc Đảng ta nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái là đúng quá. Những trường hợp bị xử lý kỷ luật là suy thoái nặng rồi. Còn số có biểu hiện suy thoái nhưng chưa đến mức phải kỷ luật còn lớn hơn nhiều. Nể nang, né tránh không đấu tranh với tiêu cực, sai trái cũng là suy thoái.
"Đại hội Đảng các cấp vừa qua thành công tốt đẹp có nhiều nguyên nhân, và một trong số đó không thể không nói tới là do chúng ta đã bước đầu thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4”.
Ông Nguyễn Đức Hà – Vụ trưởng, Ban Tổ chức T.Ư
|
Có thể nói người dân luôn tin vào Đảng, vào đường lối, chủ trương của Đảng. Nhưng họ nhìn thấy một số cán bộ suy thoái thì giảm niềm tin. Đó là một thực tế.
Muốn lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng phải là tổng hòa của nhiều yếu tố. Nhưng qua việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, 4 năm qua, có thể thấy Đảng ta đã phần nào lấy lại niềm tin của nhân dân. Chỉ cần nhìn vào số cán bộ đảng viên suy thoái bị xử lý dàn đều ở tất cả các cấp cũng khiến người dân tin hơn vào quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
Trước đây chúng ta chỉ thấy xử lý cán bộ tầm trung, nhưng giờ có cả cán bộ do Ban Bí thư quản lý cũng bị kỷ luật, diện do Ủy ban Kiểm tra T.Ư xử lý cũng không ít. Thậm chí, cả cán bộ lãnh đạo cấp cao mà nghỉ hưu cũng không thoát được trách nhiệm. Không những thế, cùng với xử lý kỷ luật mặt Đảng, chúng ta đã kết hợp với việc thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, với việc điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử bằng những bản án nghiêm khắc.
Như vậy, Nghị quyết T.Ư 4 đã làm được hai việc: Vừa mang tính cảnh tính, răn đe, vừa khiến người dân tin tưởng hơn vào sự công bằng, minh bạch và nghiêm khắc của Đảng. Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 đã tạo ra những thay đổi rất quan trọng trong cả nhận thức và hành động của đảng viên.
Quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác cán bộ
Bước tiếp theo của việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 thời gian tới là gì, thưa ông?
- Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng nêu rõ: Tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Chúng ta vẫn cứ phải lấy những vấn đề cấp bách từ Nghị quyết T.Ư 4 để tiếp tục thực hiện vì những vấn đề này hiện giờ vẫn cấp bách. Phải khắc phục tình trạng lúc đầu ta thực hiện, quyết liệt, nhưng giai đoạn sau lại thấy có vẻ trùng lại. Giờ phải tiến hành quyết liệt hơn, thường xuyên hơn, và quyết tâm chính trị cao hơn nữa.
Có mấy vấn đề cần làm: Một là phải tiếp tục thể chế hóa bằng luật pháp các văn bản, nghị quyết. Vấn đề nữa là phải tăng cường tính công khai, dân chủ minh bạch, tránh hình thức. Đặc biệt người đứng đầu phải nghiêm khắc với chính mình.
Về vấn đề nhân sự trước kỳ Đại hội Đảng XII, quy hoạch nhân sự trẻ có những bước tiến lớn so với các kỳ Đại hội trước. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Đánh giá chung về Đại hội các cấp, tỷ lệ cán bộ trẻ tăng lên so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ nữ cũng tăng lên. Ngoài việc chúng ta tập trung quy hoạch, bồi dưỡng còn có cả yếu tố chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị chỉ đạo nếu như chưa đủ cơ cấu thì bầu số lượng ít đi, để sau đó bổ sung trong nhiệm kỳ. Các kỳ trước cũng quy định vậy nhưng không có giải pháp để hiện thực hóa nên việc thực hiện chưa quyết liệt, mạnh mẽ.
Trước cán bộ trẻ cấp tỉnh là hơn 6% thì nay đã tăng lên tới 7,9%. Tỷ lệ nữ trước được hơn 11% thì giờ tăng lên 13,3%. T.Ư cũng đang phấn đấu tỷ lệ nữ được 10%, còn cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) phấn đấu từ 4 – 6% (khóa XI được có 2,2%).
Để có 3 độ tuổi trong T.Ư, T.Ư đã thống nhất: Trong Ban Chấp hành T.Ư có một số dưới 50 tuổi, số đông từ 50-60 tuổi, có một số ít trên 60 tuổi. Cụ thể là Ủy viên T.Ư dự khuyết không quá 45 tuổi. Vào T.Ư chính thức lần đầu không quá 55 tuổi. Vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu không quá 60 tuổi, Ủy viên T.Ư tái cử không quá 60 tuổi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử không quá 65 tuổi.
Đấy là quy định chung, nhưng vẫn phải có thêm: Những trường hợp cần thiết cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (cả mới và tái cử) thì Bộ Chính trị sẽ xem xét nhiều mặt, sau đó báo cáo Ban Chấp hành T.Ư để xem xét, quyết định giới thiệu với Đại hội. Như vậy quy định rất chặt chẽ, bài bản nhưng cũng rất linh hoạt thì mới có thể giải quyết được những trường hợp cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.