Vì sao nói: Nông nghiệp có "3 An" trong đại dịch Covid-19?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 13/11/2021 07:28 AM (GMT+7)
Nhận định về vị trí của ngành nông nghiệp trong đại dịch Covid-19, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh đến từ: "An".
Bình luận 0

Ngành nông nghiệp xoay quanh chữ "An"

Để dành một từ nói về ngành nông nghiệp trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 vừa qua, tại tọa đàm trực tuyến: "Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19" do Bộ NNPTNT phối hợp Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tổ chức, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ đó là từ "An".

Cụ thể, theo ông Thủy, đó là an toàn quốc gia về mặt năng lượng, an tâm về mặt an ninh lương thực và an lành cho nông nghiệp, nông dân, nông dân. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nông thôn là điểm tựa vững chắc cho người hành hương từ các vùng dịch trở về.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74%, đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD

“An” với nông nghiệp trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nhờ xuất khẩu sang Nhật Bản, giá vải thiều tăng đáng kể. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiểm tra vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 bùng phát. Ảnh: Văn Giang

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm sẽ chuyển đổi nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp "đa giá trị" và "tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh và người nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật".

"Những con số đó đủ nói lên tất cả. Nông nghiệp là bệ đỡ, là tấm khiên vững chắc của nền kinh tế. Bộ NNPTNT đã nhập cuộc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19" - ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Thủy cũng đánh giá cao 4 sáng kiến của Bộ NNPTNT trong đại dịch. 

Đó là mở rộng việc tiêu thụ nông sản trên sàn điện tử đã cho hiệu quả ngay về mặt kinh tế, được về lượng, về giá và được lòng dân. 

Thứ hai, thành lập các tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970), Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. 

Thứ ba, combo nông sản 10kg của Bộ đã gợi mở hình thức kinh doanh mới. 

Thứ tư, ngày 31/8 kết nối với 63 tỉnh thành và hơn 200 doanh nghiệp tham gia diễn đàn tiêu thụ nông sản, dẫn đến sự thay đổi bên trong cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nông dân.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) chia sẻ, có 5 điểm nhấn quan trọng giúp ngành nông nghiệp đạt được kết quả ấn tượng như thời gian qua. 

Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị, sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và HTX.

Thứ hai, ngay trong Bộ NNPTNT, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về mặt tổ chức. Các Thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực để điều hành theo chuỗi liên kết; Bộ trưởng chỉ đạo thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản.

Thứ ba, chúng ta đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do. Đây là mấu chốt đưa nông sản của Việt Nam ra nước ngoài khi gần như các dòng thuế trở về bằng 0. 

Thứ tư, Việt Nam nằm trong vùng nghiệt đới, tính đa dang sinh học rất cao, sự đa dạng về các mặt hàng nông sản mà nhiều nước không có được. 

Thứ năm - đây là yếu tố quan trọng nhất, đó là chúng ta có lực lượng sản xuất rất lớn - nông dân.

img

"Nhờ chuẩn bị kỹ nên chúng tôi đã thu mua đủ nguồn vải nguyên liệu để xuất khẩu trước khi dịch thực sự bước vào giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm. Dù dịch bệnh nhưng lượng đơn hàng tăng gấp đôi".

Ông Nguyễn Khắc Tiến -

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam

Chia sẻ câu chuyện vượt khó của doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho hay, việc tiếp tục xuất khẩu vải thiều năm 2021 của Ameii được thừa hưởng thành quả từ năm 2020. 

Từ vụ vải năm ngoái, Ameii đã có sự chuẩn bị trước, xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống, chuẩn bị chu đáo cho việc mời các chuyên gia nước bạn sang kiểm định sản phẩm…

Tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái

Trong thư chúc mừng Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945 – 14/11/2021), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm sẽ chuyển đổi nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp "đa giá trị" và "tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh và người nông dân thông minh, làm chủ khoa học kỹ thuật".

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định: Ngành chăn nuôi phải sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, giá thành hạ. 

Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. 

Sản phẩm được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi... 

Đến năm 2025, xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện an toàn dịch bệnh.

Ông Trọng cho biết, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghệ hiện đại tiên tiến cả về giống, cả về công nghệ. 

Đồng thời, tiếp tục duy trì chăn nuôi nông hộ mang tính truyền thống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn thực phẩm.

"Chúng ta cần chú trọng đến tuần hoàn trong nông nghiệp, tức là đầu vào của ngành này thì sẽ là đầu ra của ngành khác. Ngành chăn nuôi phải thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai và chủ động trong sản xuất thì ngành chăn nuôi mới có thể bền vững, duy trì được chất lượng sản phẩm" - ông Trọng nói. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem