Ảnh hưởng dịch Covid-9: Lao động Việt Nam đi xuất khẩu được hỗ trợ toàn diện

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 26/05/2020 09:51 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt lao động Việt Nam đi XKLĐ và đang làm việc ở một số thị trường có dịch, chịu tác động từ dịch đã được hỗ trợ để tái nhập thị trường.
Bình luận 0

Gia hạn giấy phép, cấp tiền cho lao động

Thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, mới đây nhiều thị trường trọng điểm về XKLĐ của Việt Nam đã có những chính sách nhằm hỗ trợ lao động phái cử, trong đó có lao động Việt Nam.

Theo đó, lao động làm việc tại Hàn Quốc trở về Việt Nam nghỉ phép có thể được quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, trước khi trở lại Hàn Quốc phải đến Văn phòng HRD (Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc) ở nước phái cử để xin "Giấy xác nhận địa điểm tự cách ly". Để được cấp giấy này, người lao động trước khi nhập cảnh phải chủ động liên hệ với chủ sử dụng, người thân, đại sứ quán… để chuẩn bị địa điểm tự cách ly tại Hàn Quốc.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-9:  Lao động Việt được hỗ trợ toàn diện  - Ảnh 1.

Do tác động dịch bệnh, nhiều lao động không thể xuất cảnh vẫn phải tiếp tục học ngoại ngữ. (Ảnh chụp tại Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội). Ảnh Nguyệt Tạ

Không riêng gì Hàn Quốc, Đài Loan cũng hỗ trợ gia hạn giấy phép làm việc cho lao động nước ngoài. Để giảm bớt lượng người xuất cảnh, từ 17/3/2020 đến 17/6/2020 người lao động nước ngoài tại Đài Loan có thể được gia hạn giấy phép làm việc từ 3-6 tháng. Lao động làm nghề như: thuyền viên tàu cá xa bờ, khán hộ công và giúp việc gia đình, lao động trong các công trình xây dựng... chưa làm thủ tục gia hạn hợp đồng thì chủ sử dụng có thể xin giấy phép tuyển dụng tiếp lao động thêm từ 3 - 6 tháng.

Nhật Bản cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ thực tập sinh và lao động đặc định nước ngoài để họ có thể duy trì cuộc sống và việc làm trong thời gian dịch Covid-19 như: Trợ cấp nghỉ việc, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp sinh hoạt hoặc chuyển đổi tư cách lưu trú... 

Những lao động/thực tập sinh bị nghỉ việc tạm thời do doanh nghiệp tiếp nhận thu hẹp sản xuất bởi ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp nghỉ việc tạm thời với mức trợ cấp từ 6.815 Yên đến 8.330 Yên/người/ngày (khoảng từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/ngày). Khoản tiền này được chuyển cho doanh nghiệp tiếp nhận để hỗ trợ trả lương cho lao động/thực tập sinh.

Lao động/thực tập sinh bị mất việc do doanh nghiệp tiếp nhận phá sản bởi ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp từ Chính phủ Nhật, mức trợ cấp từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/ngày/người. Thời gian nhận trợ cấp trong khoảng từ 90 - 150 ngày tùy theo độ tuổi.

Ngoài hỗ trợ tiền, Tổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng cho phép lao động/thực tập sinh chuyển đổi tư cách lưu trú nếu không về nước được do lý do bất khả kháng. Họ sẽ được chuyển đổi thành "khách du lịch ngắn hạn", thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và không được làm việc. Lao động đặc định được chuyển đổi tư cách sang "hoạt động đặc định", thời gian lưu trú tối đa 90 ngày và được phép làm việc.

Lao động mới chưa thể xuất cảnh

Do chính sách tạm ngừng tiếp nhận lao động mà hiện nay khá nhiều lao động của Việt Nam không thể bay dù đã trúng visa và có lịch bay. Hiện nay, Cục vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ cho lao động. Chỉ chờ khi các thị trường tiếp nhận lao động trở lại thì sẽ làm lễ xuất cảnh cho lao động luôn".

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, hầu hết các thị trường XKLĐ lớn của Việt Nam đều chịu thiệt hại nghiêm trọng từ dịch Covid-19. 

Theo đó, lao động đi XKLĐ ở các quốc gia có dịch tất nhiên chịu ảnh hưởng, nhưng nặng nhất vẫn là người đang ở tại Việt Nam: Nhiều người phải vay mượn tiền đi học, chờ đi XKLĐ thì nay phải tạm hoãn do dịch.

"Hiện nay, Cục vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ cho lao động. Chỉ chờ khi các thị trường tiếp nhận lao động trở lại thì sẽ làm lễ xuất cảnh cho lao động luôn" - ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Quang Hoàng - Giám đốc Công ty XKLĐ LaCoLi cho biết, thời gian qua hoạt động XKLĐ bị tác động mạnh mẽ bởi dịch. Hoạt động xuất khẩu, tuyển chọn và đào tạo lao động đều bị tác động. Hiện nay, sau giãn cách xã hội, công ty mới túc tắc đào tạo lại lao động.  

"Mặc dù vẫn duy trì các hoạt động nhưng công ty thực sự rất khó khăn, bởi nhiều lao động sau thời gian chờ đợi đã hủy kế hoạch XKLĐ, buộc công ty phải trả lại tiền dịch vụ. Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì có thể công ty sẽ còn chịu thiệt hại nặng nề hơn" - ông Hoàng nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem