Anh “khuyến nông” dám chê GS Nguyễn Lân

Thế Lượng Thứ tư, ngày 14/02/2018 06:45 AM (GMT+7)
Năm 2017, cái tên Hoàng Tuấn Công được xem như một hiện tượng, sau khi anh ra sách nhặt lỗi tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân khiến giới học thuật rúng động. Một ngày cuối năm, phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện, để nghe anh tâm sự những nỗi niềm về “đứa con tinh thần” của mình.
Bình luận 0

Tích lũy kiến thức từ đồng ruộng

Một chiều cuối năm, trời mưa rả rích, rét tái tê. Tôi đến tìm gặp khi anh Hoàng Tuấn Công đang bù đầu với công việc dựng “Chuyên mục Khuyến Nông” để kịp gửi qua cho Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đăng phát.

Trong lúc chờ đợi anh pha trà, nhìn dáng người, nét mặt của anh khiến tôi nhớ tới hình ảnh cách đây hơn hai chục năm về trước. Lúc đó, anh đang ở độ trai trẻ, thư sinh và công tác ở Trung tâm Khuyến lâm của tỉnh. Tôi, thi thoảng vẫn được đọc các bài viết của anh đăng trên Báo Thanh Hóa và Tạp chí của ngành Lâm nghiệp. Lúc bấy giờ, những bài viết của anh chủ yếu về lĩnh vực kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng…

img

 Hoàng Tuấn Công xuống đồng lái máy cày với người nông dân. Ảnh: Thế lượng

Tôi hỏi vì sao anh công tác ở Trung tâm Khuyến nông mà lại có thể “đẻ” ra một cuốn sách gây “chấn động” dư luận như vậy? Anh cười, nói rằng: “Đến bây giờ, mình mới rút ra được một điều là: môi trường làm việc đã tạo nên kiến thức. Có lẽ, nếu mình không công tác ở môi trường này, chưa hẳn đã có quyết tâm để viết ra được cuốn sách ấy. Bởi lẽ, công việc của mình là suốt ngày phải xuống với người nông dân, lặn lội với đồng ruộng. Thế nhưng, khi được đi với nông dân, trò chuyện với nông dân thì mình mới cảm nhận được rằng nhiều câu ca dao, tục ngữ, hò vè…đều xuất phát từ đời sống nông dân, gắn liền với nông nghiệp và nông thôn. Trong khi đó, lúc mình đọc cuốn sách Từ điển tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân, mình thấy có nhiều điều cần phải góp ý. Nhưng để góp ý, nói đúng hơn là phê bình được thì phải có căn cứ khoa học và phải chứng minh được để mọi người công nhận là mình đúng”.

Cuốn sách mang nhiều nỗi truân chuyên

Hoàng Tuấn Công (sinh năm 1970) tốt nghiệp Khoa Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1992. Thế nhưng, mãi tới năm 1994, nhờ có anh trai là Hoàng Tuấn Kiên công tác ở Báo Thanh Hóa giới thiệu, Hoàng Tuấn Công mới được nhận vào làm hợp đồng ở Trung tâm Khuyến lâm của tỉnh.  

Trong thời gian công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, Hoàng Tuấn Công đã tự mày mò, tìm tòi và học hỏi thêm để bổ sung kiến thức ngôn ngữ cho mình. Bản thân anh vốn là “con nhà nòi” - là con trai của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ nổi tiếng ở xứ Thanh nên anh có thêm tố chất về nghiên cứu khoa học. Tuy vậy, khi bắt tay vào nghiên cứu và quyết tâm viết cuốn sách, anh đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, cơ cực. Thậm chí, khi hoàn thiện bản thảo rồi, đi xin giấy phép xuất bản cũng phải mất thời gian hơn 2 năm trời.

Nhớ lại thời gian bắt tay vào viết cuốn sách, anh kể: “Từ năm 2013, mình bắt đầu lập Blog. Nhưng khi đăng những bài viết lên Blog của mình rồi, thì hằng ngày số lượng người vào truy cập không đáng kể. Lúc đó có nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng chơi Blog, nên khi ông thấy bài viết của mình đăng lên, ông đã giới thiệu một số bài viết ấy. Sau đó, một lượng truy cập rất lớn của bạn đọc hằng ngày đã khích lệ mình”.

Đến cuối năm 2015, khi tập bản thảo cuốn sách đã hoàn chỉnh, Hoàng Tuấn Công bắt đầu “ôm” công trình của mình đi xin giấy phép xuất bản. Anh đã từng gõ cửa hàng chục nhà xuất bản nhưng vẫn không có kết quả. Thậm chí, có nhà xuất bản đã ký hợp đồng rồi, nhưng không hiểu vì sao họ lại hủy hợp đồng mà không đưa ra lý do cụ thể. “Không thể nói hết được những khó khăn, trắc trở trong suốt chặng đường dài tìm kiếm giấy phép xuất bản. Có lúc tưởng chừng bế tắc hoàn toàn. Khi ấy, nhiều người khuyên mình tìm cách xuất bản ở hải ngoại. Nhưng mình nói, mình muốn cuốn sách phải được ra đời ở nơi mà mọi người Việt Nam đều nói tiếng mẹ đẻ-thứ tiếng đang được cuốn sách bàn đến- chứ không phải một nơi nào khác. Nhiều trắc trở đến mức, khi đã nhận được 10 cuốn sách tiêu chuẩn của tác giả trong tay (sách đang đợi lưu chiểu), mình vẫn sợ rằng, sẽ tiếp tục gặp một trắc trở nào đó ở phút chót khiến sách không thể đến tay bạn đọc”- anh bộc bạch.

Trước lúc chia tay, anh ký tặng tôi một cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS.Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” kèm theo lời đề nghị khiêm tốn: “Mình tặng cậu cuốn sách này và mong nhận được ý kiến đóng góp thật chân thành nhé. Bởi lẽ, dù đã hết sức thận trọng, nhưng do từ điển liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong khi khả năng lại có hạn, nên khó tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn”. 

Tôi hỏi anh về dự định trong thời gian tới, anh bảo: “Hiện nay, mình đang viết tiếp một cuốn sách với tựa đề “Cà kê chuyện thành ngữ, tục ngữ”. Dự kiến, qua năm mới này sẽ hoàn thành và xin giấy phép xuất bản. Cuốn sách ấy có độ dày chừng hơn 300 trang. Tuy nhiên, đây là cuốn sách không phê bình một người mà có nhiều người, nên mình phải hết sức cẩn trọng”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem