Áp thuế phòng vệ thương mại ngành mía đường: Cần hợp lý, đúng pháp luật và cam kết quốc tế!

Thanh Phong Thứ hai, ngày 04/01/2021 16:18 PM (GMT+7)
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để ngành mía đường vượt qua khó khăn trước hết phải phát triển nội lực để tăng cường tính cạnh tranh cùng với đó là cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế.
Bình luận 0

Mía đường có quá trình phát triển 25 năm, có đóng góp lớn cho nền kinh tế cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành mía đường lại đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn. Theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến ngành đường khó vươn lên?

-Mía đường là nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát nên duy trì ngành mía đường là lợi ích của nền kinh tế. Nguyên nhân vẫn là do năng lực cạnh tranh chưa thực sự lớn cùng với đó là thiên tai, thời tiết, giá đường thế giới biến động giảm, buôn lậu và gian lận thương mại đường phức tạp…

Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn.

Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân hiện giá đường trong nước cao hơn so với đường nhập khẩu, do vậy khó có thể cạnh tranh. Được biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là chủ yếu (89,94%).

Ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào. Đặc biệt, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá.

Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất đường. Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ như giá bán điện sinh khối từ bã mía là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam là 5,8 cent/kWh), giá xăng E5 - loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường ở Thái Lan, thấp hơn xăng A92 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.

Diện tích mía đường của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan cũng rẻ hơn 30 - 40% so với giá mía của Việt Nam. Với những lợi thế trên, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn và tất nhiên doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh khi giá đường cao so với đường Thái Lan.

Áp thuế phòng vệ thương mại ngành mía đường: Cần hợp lý, đúng pháp luật và cam kết quốc tế! - Ảnh 1.

TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Vậy theo ông ngành đường cần phải làm gì để vượt qua khó khăn và đứng vững trong bối cảnh hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro?

-Ngành mía đường cần tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả. Cả khâu đầu tư trồng mía lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.

Hiện nay, một số nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi ở nhiều nước lên đến 100 tấn/ha. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.

Phát triển mía đường nội địa vẫn là yêu cầu cần thiết cho một nước gần 100 triệu dân, vì vậy cần sắp xếp lại, kinh doanh hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…

Mặt khác, cần tăng cường đầu tư, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung. Đối với cơ quan quản lý, cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến…

Áp thuế phòng vệ thương mại ngành mía đường: Cần hợp lý, đúng pháp luật và cam kết quốc tế! - Ảnh 2.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ các hàng rào kỹ thuật trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu.

Hiện Bộ Công Thương đã khởi xướng cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan. Vậy theo ông, nên áp thuế phòng vệ thương mại như thế nào là hợp lý để vừa bảo vệ đường hàng hóa nội địa, vừa tạo được môi trường cạnh tranh công bằng đối với các sản phẩm đường nhập khẩu theo cam kết quốc tế?

-Vấn đề áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Cụ thể như Mỹ, Canada hay EU là những quốc gia áp dụng rất chặt chẽ các biện pháp này từ bao năm nay. Tuy nhiên, với Việt Nam vấn đề này vẫn còn rất mới mẻ. Các quy định pháp luật trong nước liên quan đến phòng vệ thương mại được ban hành từ năm 2003. Song phải đến 2013, Việt Nam mới thực sự áp dụng phòng vệ thương mại với thép không rỉ về chống bán phá giá.

Gần đây, Bộ Công Thương đã khởi xướng cuộc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Đây là động thái tích cực nhưng quan trọng nhất là phải có được kết quả điều tra cụ thể thì mới xác định được mức độ vi phạm. Khi có kết quả cho thấy mặt hàng bị điều tra có biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp vượt quá quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất đường Việt Nam thì phải có động thái để bảo vệ ngành hàng trong nước.

Còn việc áp dụng với mức thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm vi phạm thì cần phải hợp lý, đúng pháp luật và cam kết quốc tế. Nếu làm tốt có thể sẽ giúp ngành mía đường Việt Nam giảm thiệt hại bởi hàng nhập khẩu thiếu tính cạnh tranh, dần hồi phục, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển để đứng vững trong kinh tế thị trường.

Tất nhiên, theo quan điểm của tôi các biện pháp phòng vệ thương mại là một giải pháp, còn về lâu về dài ngành mía đường phải tìm mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa vì chỉ có nội lực mới có thể vươn lên trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem