Bà con Việt kiều tự hào về đất nước

Mỹ Hằng Thứ bảy, ngày 22/01/2022 16:01 PM (GMT+7)
Nhiều kiều bào chia sẻ niềm vui được trở về tham dự Xuân Quê hương sau 2 năm đại dịch, và chia sẻ mong muốn tiếp tục kết nối, đoàn kết, đóng góp cho đất nước phát triển.
Bình luận 0

 Vui mừng thấy đất nước phát triển, khống chế được dịch

Sáng nay (22/1), hơn 60 kiều bào từ 23 nước trên thế giới về tham dự Xuân Quê hương đã tham dự cuộc gặp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. 

Chia sẻ tại cuộc gặp, Sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Chủ tịch hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết: "Tôi rất vui mừng về dự Xuân Quê hương, thấy đất nước phát triển, khống chế được dịch bệnh. Tôi cũng rất vui mừng khi kiều bào khắp nơi luôn hướng về quê hương đất nước".

Là Giám đốc Trung tâm Văn hoá Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc, bà nói: Trung tâm là ngôi nhà cho phật tử, cho bà con xa xứ, kết nối mọi người với nhau. Chúng tôi thường kết nối với các hội đoàn Hàn Quốc về đầu tư ở Việt Nam, về làm từ thiện, phát triển an sinh xã hội.

Sư cô gửi lời cầu chúc năm mới tới hàng triệu người dân Việt Nam trong nước và trên thế giới, nguyện cầu cho bà con được khoẻ mạnh bình an, dịch Covid-19 nhanh chóng bị dập tắt.

Bà con Việt kiều tự hào về đất nước - Ảnh 1.

Mặt trận Tổ Quốc gặp mặt vinh danh tập thể, cá nhân kiều bào tiêu biểu. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ông Nguyễn Ngọc Luận – kiều bào Úc, Tổng Giám đốc Công ty liên kết Thương mại Toàn cầu Thương hiệu Cafe Meet More, nói: "Năm 2021 Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là TPHCM. Đất nước ta vẫn vượt lên, trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch. Mức tăng trưởng kinh tế chưa theo kế hoạch nhưng vẫn ổn định, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tôi tự hào về đất nước, vui mừng trong thành công chung đó có sự chung tay của kiều bào dù nhỏ bé".

Ông ghi nhận: Với vị thế vai trò kinh tế đất nước đi lên, các cấp lãnh đạo đều dành sự quan tâm đến người Việt ở nước ngoài, thường đối thoại lắng nghe tiếng nói kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi có điều kiện trở về đóng góp.

Là giám đốc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, trong đó có chế biến sâu nông sản Việt Nam để xuất khẩu, ông chia sẻ: 

"Tôi thấy đất nước ta có tiềm năng nông nghiệp, nên đã nghiên cứu và nỗ lực từng ngày để đóng góp giá trị cho cộng đồng, đóng góp kinh tế cho đất nước, lan toả giá trị và tự hào kiêu hãnh cho nông sản của chúng ta.  

Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Một lần nữa khẳng định cá nhân tôi và một số cộng đồng kiều bào Úc mong muốn với sự chung tay của MTTQ sẽ đồng hành trong một số chương trình sắp tới để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn".

Bà con Việt kiều tự hào về đất nước - Ảnh 2.

Chị Hồng Shurany - Việt kiều ở Israel, mong được hỗ trợ để đưa công nghệ nông nghiệp về Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chương.

Cũng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Hồng Shurany – Việt kiều ở Israel cho biết: "Tôi muốn đưa nông nghiệp công nghệ cao của Israel về Việt Nam. Chung tôi đã làm một phần nhỏ nhưng thời gian qua khó khăn về thủ tục hành chính. Chúng tôi mong được  hỗ trợ để đưa công nghệ, giống của Israel để nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn, sánh vai với các cường quốc 5 châu. Hy vọng tôi và các anh chị em doanh nghiệp sẽ đoàn kết làm nông nghiệp trong nước. Như ở Israel là Chính phủ đứng sau nông nghiệp. Còn nhiều thứ chúng ta có thể làm để đưa đất nước đi lên".

Trăn trở về tiếng Việt và quốc tịch

Các kiều bào cũng chia sẻ nhiều trăn trở trong cộng đồng. Ông Lương Xuân Hoà, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Udon Thani, Thái Lan, cho biết: 

Hội chúng tôi tổ chức dạy tiếng Việt cho các cháu. Chúng tôi làm rất tốt, nhưng các thầy cô chủ yếu có từ ngày xưa, giờ đã lớn tuổi rồi. Thế hệ sau dạy tiếng Việt cho các cháu chưa có. Các cháu sinh ra ở nước ngoài, ở Thái Lan hay nước khác, đã mang trong mình 2 nét văn hoá Việt Nam và sở tại. 

Ông đề xuất cách thức để dạy tiếng Việt tốt hơn cho trẻ em người Việt ở nước ngoài: "Cần mở lớp online để cập nhật phương pháp giáo dục cho các thầy cô ở khắp nơi trên thế giới, cập nhật và nâng cấp trình độ của các thầy cô, truyền đạt văn hoá Việt Nam ở nước ngoài".

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp Bộ Giáo dục và Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, xây dựng chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, dự kiến đến giữa 2023 hoàn thành. Cố gắng sau Tết chương trình online dạy tiếng Việt sẽ được đưa vào từng bước, vừa làm vừa  rút kinh nghiệm. Uỷ ban cũng đã tập huấn cho hơn 400 giáo viên kiều bào về phương pháp giảng dạy.

Bà con Việt kiều tự hào về đất nước - Ảnh 3.

Việt kiều từ Slovakia chia sẻ mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam trở lại. Ảnh: Nguyễn Chương.

Rời Việt Nam sang Tiệp Khắc từ năm 1988, ông Nguyễn Hồng Hải, Việt kiều Slovakia chia sẻ cảm giác rất xúc động khi đến nay là  24 năm mới quay về tham gia Xuân Quê hương lần đầu tiên. Ông cũng cho biết: 

"Cộng đồng chúng tôi rất đoàn kết. Chúng tôi thâm nhập cuộc sống ở Châu Âu, bắt đầu từ tạm trú, thường trú đến nhận quốc tịch, nên nhiều người trong hành trình này bị cắt quốc tịch Việt Nam. 

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Paris năm trước, chúng tôi có chung ý kiến rằng Việt Nam tự hào có 100 triệu dân, ở nước ngoài là 5 triệu, trong nước là 95 triệu, mong Tổ quốc VIệt Nam coi 5 triệu đó là bộ phận không thể tách rời để nói lên tiếng nói của mình. 

Chúng tôi mong đất nước tạo điều kiện để họ nhập tịch lại, đó là nhu cầu rất lớn của bà con bên kia. Chúng tôi cũng mong đất nước khang trang hạnh phúc phát triển sau Covid-19".

Chị Nguyễn Việt Triều, Việt kiều Ba Lan, cho biết, cộng đồng đã đóng góp lớn để phòng chống Covid-19 trong nước cũng như lũ lụt miền Trung. "Chúng tôi rất hạnh phúc khi được đóng góp cho đất nước vào những thời điểm khó khăn nhất." – chị nói.

Bà con Việt kiều tự hào về đất nước - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Việt Triều - Việt kiều Ba Lan, mong muốn đất nước sớm mở thêm nhiều chuyến bay cho người Việt trở về. Ảnh: Nguyễn Chương.

Chị nhấn mạnh: "Bà con mong muốn Việt Nam sớm mở cửa để có thêm nhiều người được cảm nhận sự ấm áp của quê hương. Tôi rất xúc động khi nghĩ đến cộng đồng có nhiều người không được bay về ăn Tết lần này".

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, Cộng đồng người Việt tại Ba Lan không chỉ hỗ trợ vật chất, mà cả tinh thần. Họ đã chia sẻ các kinh nghiệm chống dịch, điều trị bệnh nhân, qua đó giúp Việt Nam điều chỉnh chiến lược thích ứng an toàn. Sự điều chỉnh này có đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Ba Lan.

Tiếp tục gắn bó với quê cha đất tổ

Chia sẻ với những nguyện vọng của kiều bào, Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói: "Tết Nguyên đán với người Việt vô cùng quan trọng. Là dịp chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong một gia đình, một quốc gia, dân tộc. Để có mặt tại ngôi nhà đại đoàn kết này, trong thời khắc này, ai cũng vượt qua những khó khăn nhất định để có mặt tại đây gặp nhau. Nhiều bác, anh chị, các em sau nhiều năm trở về quê hương với những ý kiến trân quý, dù đi xa vẫn không phai nhoà nguồn cội quê hương".

Bà con Việt kiều tự hào về đất nước - Ảnh 5.

Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi nhận đóng góp của kiều bào. Ảnh: Nguyễn Chương.

"Có những người mấy chục năm mới được về nói một câu tiếng mẹ đẻ. Tôi là người Sán Dìu, được Đảng Nhà nước nuôi từ 12 tuổi, tôi xa nhà cũng như các anh chị xa tổ quốc. Gặp nhau được nói tiếng dân tộc quý lắm", ông Đỗ Văn Chiến chân tình.  

Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ghi nhận những đóng góp quan trọng của kiều bào cho việc phòng chống dịch trong nước, phát triển đất nước. Đồng thời ông chia sẻ: "Tôi mong muốn kiều bào động viên đoàn kết chấp hành nghiêm pháp luật sở tại, làm những gì tốt cho đất nước sở tại, cộng đồng sở tại, qua đó lan toả để mọi người biết về Việt Nam. Tôi cũng mong bằng nhiều cách bà con tiếp tục gắn bó với quê cha đất tổ, những gì khó nói, khó chia sẻ, hãy nói với Mặt trận Tổ Quốc".

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu:

Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống công việc của kiều bào nhưng bà con hết sức nỗ lực vươn lên. Bà con đã quyên góp 50 tỉ đồng cho phòng chống dịch trong nước và cho Quỹ vaccine, cùng nhiều trang thiết bị y tế

Kiều bào ở Singapore, Úc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc luôn tích cực đồng hành với trong nước, hỗ trợ cơ quan đại diện tiếp cận vaccine, thuốc, trang thiết bị phòng chống dịch. Ngoại giao vaccine của Việt Nam thành công trong thời gian ngắn, điều đó không thể có được nếu không có sự đồng hành hỗ trợ kết nối của kiều bào.

Các mạng lưới thanh niên sinh viên, trí thức hết sức đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước, tạo truyền thống quý báu đại đoàn kết dân tộc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem