Bà lão nghèo và cỗ xe chó kéo độc đáo

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 07:01 AM (GMT+7)
Nằm ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng, từ lâu chuyện về bà lão nghèo Châu Thị Mỹ (Phước Vinh, Châu Thành, Tây Ninh) cùng cỗ xe do 3 con chó kéo tự chế của bà đã được nhiều người biết đến.
Bình luận 0
Bà kể, bà đã tuổi cao sức yếu, con cái lại ở xa, nếu không có cỗ xe và mấy con chó mang những cái tên khá lạ Cơ, Rô, Chuồn, Bích… này thì bà sẽ không biết xoay xở ra sao trong cuộc sống nữa.

Từ việc đi chợ, chở hàng, chở lúa, gạo… đều do những con chó thân yêu của bà đảm nhiệm. Thế nhưng, cuộc sống êm đềm bên cỗ xe chó kéo độc đáo này đang có nguy cơ tan vỡ bởi kẻ xấu luôn rình mò bắt trộm chó của bà về nhà làm mồi nhậu.
Cỗ xe chó kéo độc đáo.
Cỗ xe chó kéo độc đáo.

Rong ruổi khắp miền quê

Chúng tôi tìm tới nhà bà Mỹ vào một buổi trưa cuối năm trời nắng oi ả. Bà bảo, tôi mới đi xuống TP.HCM khám bệnh về. Cái bệnh của tuổi già và bệnh sỏi thận đã hành hạ bà nhiều năm khiến đôi chân già dường như không đủ sức bươn chải với cuộc đời này nữa. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi bận tâm lớn nhất của bà bởi cách đây mấy hôm, con Bích (tên 1 con chó) đã không thấy về.

Vừa ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ kỹ, bà tiếp: "Nghe tôi bị bệnh, con gái kêu về thị xã Tây Ninh ở cùng vợ chồng nó để tiện chăm sóc. Thế là, tôi đạp xe về, còn con Bích kéo xe chạy theo. Cái xe chất đầy đồ, đoạn đường từ Phước Vinh về tới thị xã hơn 20 cây số, vậy mà một mình nó cứ kéo chạy băng băng. Lên đó được 2 ngày thì chẳng thấy nó đâu nữa. Chắc bị người ta bắt mất rồi. Không còn chó để kéo xe nữa rồi, chú ơi".

Lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào, bà bảo, con Bích là con cuối cùng trong bộ Cơ, Rô, Chuồn, Bích bị mất. Trước nó, những con kia cũng lần lượt bỏ bà ra đi, theo nhiều kịch bản rất khác nhau. Đầu tiên là con Chuồn, một lần nó bơi qua sông Vàm Cỏ Đông chơi rồi không thấy về. Bà đi tìm suốt mấy ngày liền, nghe loáng thoáng mấy bà bán quán nước ở bến đò bảo, mấy gã thanh niên trong ấp đã bắt được một con chó màu vàng, đuôi cụt rồi đập chết, nhậu li bì 2 bữa liền.

Nghe vậy, bà rụng rời chân tay, thương xót cho con vật xấu số và căm ghét đám người vô nhân tính kia. Hay như con Cơ, nó cũng bỏ bà đi đâu không biết. Nhớ buổi tối hôm trước, bà quên không buộc nó ở góc nhà nên ban đêm, nó đi theo tiếng chó tru gọi bầy mà quên đường về, đi tìm hoài, xuống tận vùng Thanh Điền, Thành Long cũng không có tin tức gì về nó.

Với bà, một người gắn bó với những cỗ xe chó kéo đã gần 20 năm thì việc mất chó là rất nhiều, nhớ không kể hết. Trước khi mất bộ Cơ, Rô, Chuồn, Bích bà Mỹ cũng mất nguyên bộ chó kéo xe mang tên Xe, Pháo, Mã, Tốt. Trước khi bị mất, bộ Xe, Pháo, Mã, Tốt này đã cùng bà rong ruổi khắp miền quê thượng nguồn này mưu sinh với những thứ như rau, củ, quả và hàng tạp hóa. Bởi hồi đó bà thường mua hàng dưới chợ Thành Long rồi cùng cỗ xe chó kéo của mình chở tới các ấp, các phum xa xôi bán lại cho những người dân ở đó, kiếm đồng tiền trang trải cuộc sống.

Theo chị Yến - con gái thứ 3 của bà Mỹ, mỗi lần bị mất một con chó, bà lại thấy đau xé lòng như vừa mất đi một người thân vậy. Mà lần buồn nhất là khi con Xe bị mất. Nó là một trong những con chó kéo xe ưng ý nhất mà bà đã nuôi dạy được. Cỗ xe chuẩn của bà là dùng 3 con chó kéo, thì con Xe luôn ở chính giữa, làm “tài xế” chính, vì nó vừa khôn ngoan, vừa có sức mạnh. Con Xe cũng luôn được bà giao nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn “nghiệp vụ” cho những con chó khác, nhất là những con chó nhỏ.

Khôn lanh, khỏe mạnh là thế, mà con Xe vẫn không thoát khỏi kiếp nạn. Một lần, nó bị mất tích chừng 20 ngày, bà Mỹ vừa khóc vừa đi kiếm nó khắp nơi. Mấy người con cũng được bà huy động đi tìm, nhưng chẳng thấy dấu vết nó ở đâu. Mãi 20 ngày sau, con Xe bất chợt trở về. Chó nhảy lên bá vai chủ, thè lưỡi liếm mặt chủ, vẻ hân hoan, vui sướng lắm. Chủ ôm chầm lấy chó, mừng mừng tủi tủi: “Tao tưởng đâu người ta ăn thịt rồi mày rồi. Vậy mà mày vẫn về được với tao”. Con Xe tiếp tục quấn quýt bên bà Mỹ và đảm nhận nhiệm vụ “chỉ huy” xe chó kéo thêm một thời gian nữa thì mất hẳn. Đó là lần nó kéo xe theo bà lên xã Hậu Đước.

Ban đêm, khi nằm trước nhà thờ Hậu Đước, con Xe bị mấy tên trộm chó quăng dây, siết cổ, bắt đi. Đám trộm chó đó, bị công an huyện Châu Thành bắt ngay trong đêm. Khi bà Mỹ hay tin, tìm tới trụ sở công an huyện, thì con Xe vừa bị công an tiến hành tiêu hủy xong vì nó đã chết từ trước đó. Bà Mỹ khóc suốt trên con đường từ trụ sở công an huyện về nhà, rồi khóc thương con Xe suốt nhiều ngày sau đó nữa. Đến bây giờ, mỗi khi ngồi nhắc lại nó và những con chó đã nhiều năm gắn bó như Cơ, Rô, Chuồn, Bích, Xe, Pháo, ... bà lại rơm rớm nước mắt.

Duyên nợ một đời với… chó

Vừa uống thêm ngụm nước, vừa thở dài, bà kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe. Theo đó, bà Mỹ vốn gốc ở xã Thanh Điền, cũng thuộc huyện Châu Thành, Tây Ninh. Gần như cả cuộc đời bà Mỹ gắn liền với chữ nghèo. Chồng bà mất sớm, khi mới 30 tuổi, để lại người vợ trẻ và 5 đứa con thơ dại. Bà phải thay ông cáng đáng tất tật mọi công việc trong nhà, kể cả những việc đồng áng cực nhọc, mà thông thường chỉ người đàn ông mới làm được. Ruộng đất ít, con đông, để có đủ cơm gạo nuôi bầy con nhỏ, bà phải làm thêm nhiều công việc khác, thậm chí cả những những việc nguy hiểm như bắt rắn hay mệt nhọc như săn bắt chuột đồng. Ngày ấy, bà có một con chó, đặt tên là Lu.
Bà Mỹ và con chó nhỏ của mình.
Bà Mỹ và con chó nhỏ của mình.

Và cũng từ khi nuôi con Lu, bà Mỹ đã luôn quan tâm tới việc dạy bảo cho các con chó trong nhà biết làm những việc nào đó. Trong nhà bà, gần như lúc nào cũng có một vài con chó. Chó là con vật đã gắn bó gần như suốt cả cuộc đời người phụ nữ nghèo này. Lu là một con chó rất khỏe mạnh, khôn ngoan và nhất là có khả năng săn rắn, bắt chuột rất giỏi, đã săn là truy bắt con mồi tới cùng. Nhờ được sự dạy dỗ thêm của bà Mỹ, con Lu nhanh chóng trở thành một trong những con chó săn giỏi nhất vùng.

Rắn lớn hay bé, dữ hay lành, chỉ nhoáng một cái, con Lu đã ngoạm chặt trong miệng. Nhiều con chuột bị động, từ bờ sông Vàm Cỏ Đông bên này, nhảy xuống bơi qua bờ sông bên kia, con Lu cũng nhào theo, bắt cho bằng được. Nhờ có nó, lần nào đi săn về, cái ghe nhỏ của bà Mỹ cũng đầy ắp rắn, chuột đồng... Nhưng cơ duyên khiến bà gắn bó với cỗ xe chó kéo chính là việc tình cờ xem ké truyền hình ở nhà hàng xóm, bà Mỹ thấy cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở vùng Bắc cực xa xôi. Bà chợt nghĩ “Thử dạy cho mấy con chó của mình kéo xe xem sao?”.

Nghĩ là làm, bà âm thầm đi xin ống nhựa, xin bánh xe đạp mini mà người ta bỏ đi, về hì hục, cưa cưa, đục đục. Sau mấy ngày trời cỗ xe cũng hoàn thành. Lúc ấy, bà có 2 con chó nhỏ là Cơ và Rô. Bà buộc luôn cả 2 con vào xe, tập cho chúng cách kéo cỗ xe này. Lúc đầu, cỗ xe vận hành không như ý vì 2 con chó đều chưa quen với công việc quá mới mẻ này. Phải qua rất nhiều ngày kiên trì dạy dỗ, bà Mỹ mới tạo được một cỗ xe chó kéo ưng ý. Ngày đầu tiên bà Mỹ đạp xe đi bán hàng, kề bên là cỗ xe do hai con chó kéo chạy băng băng trên đường làng, trở thành một sự kiện lạ ở Phước Vinh. Ai đi qua cũng dừng lại nhìn theo đoàn “lữ hành” kỳ lạ ấy. Không ít người mua hàng của bà đơn giản chỉ vì thích thú với cỗ xe chó kéo này.

“Tôi sống được là nhờ mấy con chó”, khi trò chuyện về lũ chó kéo xe của mình, bà Mỹ cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy. Vậy mà lòng tham, sự bất nhẫn của những tên bợm nhậu, bọn trộm chó cứ lấy đi dần những con chó tình nghĩa của bà. Mỗi con chó mất đi, lại lấy của bà không ít nước mắt. Bà đã phải nhiều lần gây dựng lại đàn chó kéo xe, đến giờ đã mười mấy con, nhưng đều bị mất hết. “Ở đây, ai cũng biết mấy con chó kéo xe giúp việc cho bà già nghèo khổ này. Vậy mà vẫn có những kẻ đang tâm bắt chúng đi ăn thịt. Thật nhẫn tâm quá!”, bà Mỹ than thở.
Bài, ảnh: Thanh Sơn (Dòng Đời) (Bài, ảnh: Thanh Sơn (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem