Ba thách thức đang đón đợi Tân Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng

Thùy Minh Thứ ba, ngày 17/11/2020 12:35 PM (GMT+7)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm gần đây đã phải đứng trước cuộc khủng hoảng được đánh giá là "vô tiền khoáng hậu". Ngồi vào "ghế nóng" của PVN, tân Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng có ít nhất 3 thách thức đang chờ giải quyết.
Bình luận 0
Khó khăn nào đang đón đợi Tân Chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí? - Ảnh 1.

Ngày 16/11/2020 Thủ tướng có quyết định số 1819/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Vị trí này trước đó do ông Trần Sỹ Thanh đảm nhận trong thời gian 3 năm, sau đó ông Trần Sỹ Thanh được điều động sang làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thời điểm ông Thanh chính thức ngồi "ghế nóng" của Tập đoàn Dầu khí, trong bối cảnh tập đoàn này đang trong tâm điểm chú ý của dư luận khi hàng loạt cựu lãnh đạo cao nhất cùng hàng chục cán bộ ngành dầu khí bị khởi tố, bắt giam. Cùng với đó là sự trì trệ của hàng loạt đại dự án, sự hoang mang mất tinh thần của đại bộ phận cán bộ công nhân viên và hơn hết thảy, đó là niềm tin của người dân về một ngành kinh tế trụ cột của đất nước bị sụt giảm nghiêm trọng.

Sau 3 năm công tác trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên, mặc dù ông Trần Sỹ Thanh đã có nhiều nỗ lực "vượt khủng hoảng" nhưng những khó khăn lớn vẫn chưa có giải pháp gỡ bỏ.

Người kế nhiệm ông Trần Sỹ Thanh là ông Trần Quốc Vượng cùng đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn sẽ phải tiếp tục gánh vác những trọng trách nặng nề bởi hàng loạt những khó khăn, trở ngại vẫn ở phía trước đối với Tập đoàn Dầu khí.

5 đại dự án của PVN vẫn ngập trong nợ nần

Theo báo cáo gửi đại biểu kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương của Chính phủ, nhiều dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quản lý đã được gọi tên.

Từng được coi là dự án cung ứng nguồn xơ sợi phục vụ ngành dệt may, nhưng Dự án xơ sợi polyester Đình Vũ đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc kéo dài nhiều năm nay mà chưa có phương án xử lý hữu hiệu.

Dự án đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2014, nhưng liên tục bị thua lỗ do chi phí sản xuất tăng cao hơn giá bán sản phẩm (giá bán không đủ bù chi phí biến phí); đến ngày 17/9/2015 đã phải dừng sản xuất.

Mặc dù đã được khởi động vận hành lại nhưng đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty âm 3.103 tỷ đồng, tổng tài sản chỉ có 4.798 tỷ đồng, nhưng tổng nợ phải trả là 7.901,67 tỷ đồng, lỗ lũy kế 5.356 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm, nợ phải trả trong 1 năm qua của dự án này đã tăng hơn 200 tỷ đồng. Cụ thể, so với báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Tập đoàn Dầu khí, tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2018 của dự án là 5.236 tỷ đồng, nợ phải trả là 7.726 tỷ đồng.

Còn tại Dự án đóng tàu Dung Quất (DQS), tính đến hết năm 2019, tổng nợ phải trả là hơn 6.900 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 3.900 tỷ đồng. DQS luôn nằm trong "danh sách đen" về tài chính, không thể tham gia đấu thầu các dự án đóng tàu mới, bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ "vòng gửi xe".

Tương tự là tình trạng "chết lâm sàng" của Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), đều thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được dự báo sẽ không thể sớm giải quyết. Lý do là khó có bộ, ngành hay cấp lãnh đạo nào dám đứng ra "quyết" số phận của dự án này cũng như các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ khác nếu không được trao quyền hạn đặc thù.

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tại cuộc họp Phó Thủ tướng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế của 5 dự án yếu kém này của ngành dầu khí thì việc rốt ráo để xử lý là chuyện không hề dễ dàng và đây là bài toán có về nằm ngoài khả năng của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Khó khăn nào đang đón đợi Tân Chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng vừa được điều động sang là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ

Hiện một số dự án trọng điểm của PVN đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ thậm chí là phải dừng dự án, như Dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, các dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...

Đối với Dự án Thái Bình 2, đây là dự án có quy mô công suất 1.200 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình. Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án, với giá trị hợp đồng là 918,5 triệu USD và 5.874 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh khoảng 41.799 tỉ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào năm 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành.

Hiện dự án đang đối mặt với các phát sinh nếu tiếp tục kéo dài tiến độ như lãi vay, bảo hiểm, tỷ giá, chi phí quản lý dự án, bảo dưỡng & bảo hành thiết bị… Ước tính các phát sinh, tổn thất tại dự án này lên đến khoảng 12,2 tỷ đồng/ngày (gồm phát sinh trực tiếp là 2,6 tỷ đồng/ngày và tổn thất gián tiếp là 9,6 tỷ đồng/ngày). Đó là chưa kể chi phí phát sinh về nguyên nhiên liệu, điện, chi phí sửa chữa, thay thế vật tư, thiết bị do hỏng hóc.

Chưa kể, công ty bất động sản dầu khí (PVLand), và các dự án ở nước ngoài đang dừng hoạt động, có nguy cơ dừng hẳn. Dù PVN và PVEP đang gánh các khoản nợ vay ngân hàng, nhưng dự án có nguy cơ sẽ mất vốn chủ sở hữu.

Có thể thấy, trong hơn chục năm qua, mặc dù luôn ở vị trí đứng đầu về nộp ngân sách nhà nước nhưng tình hình kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí đã gặp nhiều khó khăn. Khi tổng mức nộp ngân sách nhà nước năm 2007 trên dưới 30%, sau 10 năm (năm 2017), PVN chỉ còn nộp chưa tới 10% ngân sách nhà nước. Những năm sau đó, tình hình kinh doanh của PVN có nhiều khả quan hơn khi năm 2018 và 2019 đóng góp cho ngân sách nhà nước lần lượt là 24% và 23%.

Khó khăn nào đang đón đợi Tân Chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí? - Ảnh 4.

Khôi phục niềm tin về một ngành từng là niềm tự hào của đất nước

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Tập đoàn Dầu khí trong những năm qua đã gặp một cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu", động đến những giá trị cốt lõi của PVN, giá trị này gắn với những câu chuyện không hay nên niềm tin nói chung đối với doanh nghiệp đã có phần giảm sút.

Cuối năm 2019, Tập đoàn Dầu khí đã chính thức ban hành "Đề án tái tạo Văn hoá Petrovietnam" với mục đích tìm lại những giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí từ đó để xây dựng và phát triển bền vững ngành Dầu khí. Đây cũng là cách để ngành Dầu khí từng bước khẳng định lại mình. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin đã mất là điều không thể làm xong trong ngắn hạn do vậy, vẫn cần một tầm nhìn dài hạn của Tập thể lãnh đạo cũng như nỗi lực của cán bộ ngành Dầu khí.

TS Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương từng đưa ra nhận định, trong giai đoạn hiện nay đối với Tập đoàn Dầu khí, điều rất quan trọng là về người cán bộ. Nếu Nhà nước muốn bổ nhiệm người đứng đầu Tập đoàn phải đảm bảo 3 yếu tố:

Đầu tiên phải chọn được người dám làm, dám chịu, lăn xả với nhiệm vụ được giao. Thứ hai, Nhà nước xác định rõ ràng thời gian cho vị trí đó phải lâu dài chứ không phải chưa "ấm" chỗ đã thuyên chuyển. Và điều cuối cùng quan trọng nhất là Nhà nước phải tạo động lực rõ ràng như đưa ra mức lương cao hoặc thu nhập theo thưởng, đồng thời phải được chuyển giao quyền lực thực sự.

"Khi Nhà nước đảm bảo được những điều trên thì cũng đừng vội đòi hỏi ngày một ngày hai xã hội sẽ nhìn nhận thấy sự thay đổi. Điều quan trọng là ít nhất chúng ta đã có những con người phá cách, với cơ chế phá cách và trên thực tế họ thể hiện được. Tôi nghĩ người dân, xã hội sẽ hiểu nỗi khó, cái đau đớn, cái trăn trở của dầu khí. Cũng có thể xã hội sẽ tha thứ (tất nhiên vẫn phải xử lý nghiêm), sẽ nhìn vào bước đi tiếp của ngành nhiều hơn" - ông Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem