Bắc Giang: Trưởng thôn bị truy tố, dân xin nhận tội thay

Lê Chiên Thứ năm, ngày 16/10/2014 07:25 AM (GMT+7)
Người làm lợi cho làng, cho xóm thì lại bị ra tòa, hỏi rằng công lý ở đâu (?!) - đó là băn khoăn của nhiều cán bộ, nhân dân thôn Mai Sơn (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) khi nói về câu chuyện của nguyên Trưởng thôn Mai Sơn và một số cán bộ xã Cẩm Lý.
Bình luận 0

Có họp dân và báo cáo xã

Theo cáo trạng số 04/KSĐT ngày 19.12.2013 của Viện KSND huyện Lục Nam: Thực hiện chủ trương đổi đất lấy công trình và nghị quyết của chi bộ thôn Mai Sơn, ông Phạm Văn Triệu (Trưởng thôn Mai Sơn nhiệm kỳ 2006 – 2007) và ông Đào Đăng Văn (Trưởng thôn Mai Sơn nhiệm kỳ 2008 – 2009) đã tổ chức họp dân, bàn thống nhất khoán thầu các vùng đất hoang hóa do người dân trong thôn khai hoang cho các chủ lò gạch để lấy tiền làm các công trình công cộng của thôn. Khi ký các hợp đồng này, ông Triệu, ông Văn đều báo cáo chủ tịch UBND xã Cẩm Lý ký phê duyệt xác nhận.

Cho rằng hành vi trên đã vi phạm quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 181/2004, Viện KSND huyện Lục Nam đã quyết định truy tố ông Phạm Văn Triệu, ông Đào Đăng Văn và hai ông Phạm Bá Hà, Nguyễn Duy Khê (Chủ tịch UBND xã các thời kỳ đã ký phê duyệt hợp đồng) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo điểm b, Khoản 2, Điều 282 Bộ luật Hình sự.

Ngay từ khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan cảnh sát điều tra đối với những người có tên trên, nhiều người dân thôn Mai Sơn đã phản ứng quyết liệt. Chi bộ, cán bộ, nhân dân thôn Mai Sơn đã lên tỉnh, lên huyện, gặp cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang gửi đơn kiến nghị, xin nhận trách nhiệm về mình và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với những người bị truy tố ở trên.

Đằng sau niềm vui của dân...

Chúng tôi về Mai Sơn, đi trên con đường bê tông phẳng lỳ, cạnh đó là nhà văn hóa còn thơm mùi sơn... Ông Đào Đăng Thảo - Bí thư Chi bộ thôn Mai Sơn kể: Thôn thuộc khu vực đồng chiêm trũng, trước đây nghèo nhất xã, mùa lũ lụt đường ngập đến đầu gối. Nhà nào cũng phải có một chiếc thuyền để đi lại, đời sống nhân dân rất khó khăn. Khi có chủ trương đổi đất lấy công trình, cán bộ, nhân dân phấn khởi lắm. Chi bộ và nhân dân thôn đã họp và ra nghị quyết, giao cho trưởng thôn tổ chức thực hiện việc khoán thầu đất hoang lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng… Ông Triệu, ông Văn ký hợp đồng chẳng qua là thực hiện ý Đảng, ý dân thôi, có tơ hào tư túi gì đâu. Mà ông Triệu, ông Văn không ký thì cả chi bộ và tất cả người dân cũng ký. Bây giờ đường sá khang trang, hội họp có nhà văn hóa, bước chân ra ngoài cũng hãnh diện, tự hào.

img Cụ Đào Đăng Bồi, anh Đào Đăng Văn (giữa) và anh Đào Đăng Thảo (phải) kể: Khi chưa có con đường này, nhà nào cũng phải có thuyền để đi lại vì ngập úng. 

Ông Thảo cho hay: Sau khi xây dựng xong các công trình này, năm 2009 thôn Mai Sơn được công nhận là “Làng văn hóa cấp tỉnh”, còn anh Văn thì được biểu dương là tấm gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vậy mà bây giờ lại là người có tội!

Ông Đào Đăng Bồi (85 tuổi), 50 năm tuổi Đảng, gay gắt nói: Không có chủ trương từ trên xuống thì có cho vàng anh Triệu, anh Văn cũng không dám làm. Chúng tôi biểu quyết, nhất trí cho khoán thầu khác gì ký vào hợp đồng như anh Triệu, anh Văn. Vậy bắt cả chúng tôi đi. Sao anh Triệu, anh Văn lại phải “giơ đầu chịu báng”?

Gặp ông Triệu, ông Văn, ai nấy đều mặt mũi bơ phờ, hốc hác. Ông Triệu tâm sự: “Là đảng viên, không thực hiện nghị quyết của chi bộ thì tôi làm sai điều lệ Đảng à!?”. Còn ông Văn thì buồn bã: “Mấy năm nay cả nhà tôi hoảng loạn, lòng dạ rối bời, chẳng thiết làm ăn gì cả”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Bảo - Chánh án TAND huyện Lục Nam chỉ cho biết: Tòa án đã thụ lý và đang nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem