dd/mm/yyyy

Bắc Ninh: Bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi thỏ ngoại, mỗi tháng ông nông dân bỏ túi 20 triệu đồng

Tình cờ được biết về mô hình nuôi thỏ New Zealand vào năm 2016, ông Nguyễn Quang Định ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã tìm hiểu và nhận thấy thỏ có nhiều ưu điểm, lớn nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, cho hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định chuyển từ nuôi lợn sang nuôi thỏ.

Những ngày đầu, ông Định gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi thỏ nên đàn thỏ thường xuyên bị bệnh đường ruột, ghẻ, nấm... và chết nhiều. 

Thỏ nuôi thời gian dài, song chậm lớn do thức ăn chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc xử lý phân thỏ chưa tốt nên khu vực nuôi có nhiều mùi hôi, ảnh hưởng tới cảnh quan và đời sống của cư dân xung quanh. Vì vậy, ông chỉ dám nuôi thử nghiệm vài chục con rồi dần dần tăng lên 200 con vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa thăm dò, tìm hiểu thị trường.

Bắc Ninh: Bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi thỏ ngoại, mỗi tháng ông nông dân bỏ túi 20 triệu đồng - Ảnh 1.

Nhờ nuôi thỏ ngoại New Zealand, gia đình ông Định đã có thu nhập khá.

Cơ hội đến khi năm 2020, gia đình ông Định được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh hỗ trợ tham gia dự án Xây dựng mô hình liên kết trong chăn nuôi thỏ New Zealand từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương. 

Theo đó, trên diện tích chuồng 600m2, đàn thỏ nhà ông Định đã dần phát triển lên đến 600 con. Hiện, mỗi tháng ông xuất bán khoảng 3-4 tạ thịt thỏ, trọng lượng thỏ xuất chuồng bình quân trên 2 kg/con, giá bán từ 70.000 - 85.000 đồng/kg, giúp ông thu về hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Định cho biết, trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand một năm đẻ từ 5-8 lứa, mỗi lứa khoảng 6-8 con. Để đảm bảo chất lượng thịt, ông cho thỏ ăn cám công nghiệp, đồng thời bổ sung thêm rau, củ. Hệ thống chuồng trại được ông đầu tư xây dựng hoàn toàn khép kín, gồm: quạt thông gió, chuồng nuôi nhốt, máng ăn uống tự động... 

Ngoài ra, ông còn thiết kế hệ thống hố biogas để xử lý phân thỏ, đồng thời tận dụng làm chất đốt. Nhờ có hầm biogas nên ông đã giải quyết được tình trạng mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi.

Khi tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh, ông không phải lo về đầu ra vì đã có hợp đồng liên kết đầu ra sản phẩm cho người chăn nuôi.

Bên cạnh chuồng nuôi thỏ, ông còn đào ao để thả một số loại cá như: cá mè, cá trắm, cá chép, cá trôi…, đem lại cho ông một khoản thu nhập khá cao. Không chỉ nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, ông Định cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những ai muốn tìm hiểu.

Từ mô hình sản xuất của ông Định có thể thấy nuôi thỏ là hướng đi giúp nông hộ nâng cao thu nhập và mở ra sự lựa chọn mới cho ngành chăn nuôi, giúp cải thiện đời sống của người dân các vùng nông thôn.



Ngọc Ánh