Bắc Ninh hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Khương Lực Thứ ba, ngày 22/11/2022 16:19 PM (GMT+7)
Ngày 22/11, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".
Bình luận 0

Ngày 22/11, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh".

Bắc Ninh hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 1.

Tại hội thảo khoa học "Nâng cao hiệu quả và chất lượng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh" do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 22/11, có 34 bài viết và các ý kiến phát biểu, tham luận trực tiếp.

Ảnh: N. Hòa

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Thao, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thông tin, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh hết sức quan tâm. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số. 

Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như: hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… 

"Chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại những giá trị to lớn, có thể giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán được giá cao nhất" - ông Thao nhấn mạnh và cho biết, Hội thảo sẽ nêu ra thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện tại của tỉnh Bắc Ninh, chỉ ra nguyên nhân, hạn chế và đề ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tại hội thảo, đã có 34 bài viết và các ý kiến phát biểu tham luận trực tiếp. Thông qua buổi Hội thảo, các hội viên, nông dân, các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận thức được vị trí, vai trò của khoa học kỹ thuật và công nghệ; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Các đại biểu cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn. 

Ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh nhận định, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tạo bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm bớt áp lực thiếu việc làm, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Được biết, trong năm 2022, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 11 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề: kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật trồng và nhân giống nấm, chẩn đoán nhanh bệnh thủy sản, kỹ thuật nấu ăn…

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức 2 lớp tập huấn "Bồi dưỡng kiến thức về Phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp cho chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp" cho 300 hội viên nông dân.

Bắc Ninh hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh 3.

Cùng với việc phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hội viên nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu, ký kết chương trình phối hợp và triển khai thực hiện với nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản như cá, rau củ quả, lúa gạo… cho nông dân. Ảnh: N. Hòa

Cùng với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn cho các hội viên nông dân, trong năm 2022, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức 22 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; tổ chức triển khai cung ứng trả chậm cho nông dân 750 tấn phân bón các loại, 110 gói chế phẩm vi sinh.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu, ký kết chương trình phối hợp và triển khai thực hiện với nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản như cá, rau củ quả, lúa gạo… cho nông dân.

"Các hoạt động giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản; hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị được tăng cường. Góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh" - ông Đại chia sẻ.

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020 về việc phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số với nội dung cụ thể như:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem