Bài 1: Bi hài nhà trọ trong làng

Thứ hai, ngày 10/03/2014 06:23 AM (GMT+7)
Từ khi các khu công nghiệp rời về nông thôn, nhiều làng xã bỗng trở thành khu nhà trọ khổng lồ. Tuy nhiên, nhà trọ xây tự phát, thiếu quản lý nên đã xảy ra nhiều chuyện bi hài…
Bình luận 0
Khi những khu nhà trọ mở ra, các làng quê yên bình với khoảng hơn 1.000 khẩu bỗng tăng gấp đôi, gấp ba. Và mâu thuẫn theo đó cũng tăng lên…

Trai làng đánh trai lạ

Khi các khu công nghiệp (KCN) ở khu vực Cẩm Giàng (Hải Dương) đi vào hoạt động, nhiều công nhân nam không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ bị... đánh. Anh Trần Đình Tuấn, công nhân tại KCN Phúc Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) nhớ lại “tuần địa ngục” của mình khi lần đầu tới đây làm việc và phải đi ở trọ gần công xưởng: “Ngày đầu tiên, khi đi làm ca về, theo thói quen tôi đạp xe thong dong trên đường làng, đến ngã tư bỗng dưng bị một nhóm thanh niên chặn lại, đánh tới tấp không nói lý do”.

Cứ như vậy sự việc kéo dài gần 1 tuần liền, hôm trận nặng, hôm trận nhẹ, đến lúc không thể chịu được nữa, anh đã trình báo với công an viên của thôn và công an xã. Không chỉ anh Tuấn, hàng chục công nhân nam khác cũng bị đánh “lên bờ xuống ruộng”. Thế nhưng khi trình báo, công an chỉ hứa sẽ nhắc nhở đám thanh niên làng và bảo đám công nhân là: “Cố gắng tìm đường mà tránh, bởi đây là... lệ làng! Thanh niên không thích trai lạ vào trong làng nên họ... đánh!”.

Kiểu “nhà dân - nhà trọ” chung vách chung cổng trong làng  là một trong những nguyên nhân chính khiến mâu thuẫn xảy ra.
Kiểu “nhà dân - nhà trọ” chung vách chung cổng trong làng là một trong những nguyên nhân chính khiến mâu thuẫn xảy ra.

Khu vực nhà trọ quanh KCN Yên Phong I (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Anh Bùi Vũ Phong, công nhân làm ở KCN này đã hơn 2 năm cho biết, nhiều người dân có nhà cho thuê trọ phải bày cách cho công nhân nam khi đi làm về buổi tối phải đi theo nhóm, có xe máy thì chở nhau, chớ đi bộ hay xe đạp. Công nhân nữ thì không nên đi một mình kẻo lại bị trai làng trêu ghẹo.

Khi làng không yên tĩnh


Đầu tỉnh Hưng Yên hiện có 2 KCN lớn là KCN Như Quỳnh và KCN Phố Nối A. Cả 2 khu này đều thiếu nhà ở nội trú cho công nhân. Vì thế, hàng chục ngàn công nhân lũ lượt kéo về các xã Đình Dù, Lạc Đạo, Lạc Hồng, Minh Hải của huyện Văn Lâm, xã Giai Phạm của huyện Yên Mỹ để ở trọ.

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 khu, cụm công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 100.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Hơn 50% số lao động đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp là những người ở xa nhà, có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên tỉnh Hưng Yên đến nay chưa có khu nhà ở nào cho người lao động.

Thôn Hồng Cầu, xã Lạc Hồng (Văn Lâm) cũng thu hút hàng ngàn công nhân tới ở. Ở thôn này, nhà nào cũng có 5-10 phòng cho thuê. Cá biệt có nhà xây 20-30 phòng. Tuy nhiên, vốn quen với lối sống làng xã từ xưa, nhiều chủ nhà ra những quy định oái oăm. Như nhà cụ Đỗ Thị Quy, đã ngoài 80 tuổi nên khi công nhân tới thuê trọ cụ yêu cầu luôn: Không về sau 10 giờ tối, không được cầm khóa cổng, không được mở loa đài buổi đêm, không được mời bạn về uống rượu...

Chính vì lẽ đó, có lần buổi sáng bà cụ mệt ngủ quên, công nhân không có chìa khóa mở cổng đi làm... Mất việc, họ quay ra trách móc, cãi nhau om sòm cả làng. Nhà cụ Quy từ đó mất người thuê, lỗ tới vài trăm triệu tiền đầu tư xây nhà trọ.

Thế nhưng, xởi lởi hơn cũng không yên. Gia đình ông Nguyễn Đức Cảnh, cũng ở thôn Hồng Cầu, xã Lạc Hồng có 5 phòng trọ. Trước Tết Nguyên đán vài tháng, ông Cảnh tiết kiệm mua 5 con gà về nuôi chuẩn bị ăn tết. Nhìn đàn gà béo mập, một số thanh niên trong khu nhà trọ đã không kìm được sự thèm muốn. Một buổi tối, nhóm thanh niên chuốc rượu cho ông uống thật say rồi ra vườn vơ sạch đàn gà, chỉ để lại vài dòng chữ nguệch ngoạc: “Cảm ơn chú Cảnh về mấy con gà béo, chúng cháu về quê ăn tết đây!”.

Không chỉ nạn trộm cắp vặt, tình trạng cờ bạc, gái mại dâm thỉnh thoảng cũng khiến những người dân thôn Hồng Cầu đau đầu. Gia đình ông Vũ Đình Tiến có lần phải quyết liệt đuổi 2 thanh niên thuê trọ vì dẫn gái mại dâm về phòng trọ “mây mưa”. Giải thích về hành động cứng rắn của mình, ông Tiến cho rằng: “cần phải làm như vậy để thôn làng nói chung và gia đình nói riêng không phải mang tiếng xấu, đôi khi còn bị vạ lây bởi những tệ nạn xã hội ấy”.
Nguyễn Dũng (Nguyễn Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem