Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp vì sao chưa phát huy hiệu quả?

30/12/2020 14:02 GMT+7
Sau thời gian dài, đến nay, việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Trước đó, việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng đã được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sau thời gian dài, đến nay, việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

Bảo hiểm nông nghiệp chưa hấp dẫn với người nông dân

Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm hơn 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm).

Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp vì sao chưa phát huy hiệu quả? - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Trọng Hải.

Ông An Văn Khanh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế và Hợp tác phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Được khởi động từ sớm (1982) song cho đến nay phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất ít trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, chiếm 0,069% (2004), khoảng 0,008% (2005), gần 0,012% (2006) và 0,01%/năm (2007-2010). Năm 2013, chương trình bảo hiểm nông nghiệp được triển khai rộng trên cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thuỷ sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng) ở 20 tỉnh, thành phố. Rất ít doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Hầu như các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều không được bảo hiểm. Thực tế này khiến cho bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá tại một số địa phương, năm 2020, mặc dù các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, nhưng do bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn đối với nông dân nên đến nay Nghệ An là tỉnh duy nhất mới ký được hợp đồng bảo hiểm với người dân cho cây lúa vụ Hè-Thu năm 2020 (cho 7.291 hộ với diện tích 1.465 ha thuộc 102 xã của 8 huyện. Trong đó, có 927 hộ nghèo, 3.891 hộ cận nghèo và 2.473 hộ thường). Tuy vậy, vụ sản xuất đã hết, song tỉnh vẫn đang thực hiện thẩm định hồ sơ và chưa chi trả hỗ trợ phí bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp vì sao chưa phát huy hiệu quả? - Ảnh 2.

Nông dân chăm sóc lúa. Ảnh: Trọng Hải.

Một số công ty hiện đang triển khai theo hình thức thương mại (không được hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách Nhà nước) như ABIC, MIC. Trong đó, việc gắn bảo hiểm nông nghiệp với vay vốn tín dụng trong sản xuất nông nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan. Tổng hợp giai đoạn 3 năm 2018-2020, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã triển khai ở 17 tỉnh, thành phố. Trong đó, bảo hiểm vật nuôi (bò sữa, trâu bò thịt, trâu bò giống) với 182 hộ, 20 tổ chức tham gia số lượng 18.192 con, doanh thu bảo hiểm đạt 2.653,62 triệu đồng, giá trị bảo hiểm là 516.352,22 triệu đồng. Bảo hiểm cây trồng (chủ yếu cho cây cao su, keo) với diện tích được bảo hiểm là 5.706,73 ha của 10 hộ, 13 tổ chức tham gia. Giá trị bảo hiểm cho cây trồng đạt 253.934,31 triệu đồng và doanh thu bảo hiểm là 998,54 triệu đồng.

Bảo hiểm nông nghiệp phục vụ đối tượng khách hàng là người nông dân, chiếm 70% dân số Việt Nam. Tuy số lượng khách hàng đông đảo song trình độ dân trí, nhất là hiểu biết về bảo hiểm, chưa cao. Phần đa nông dân khi được hỏi về bảo hiểm nông nghiệp đều không biết hoặc không mấy mặn mà. Khó khăn lớn mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải là thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm. Nếu phí bảo hiểm quá cao thì khách hàng không đủ khả năng tài chính. Hoặc nếu năm thứ nhất không xảy ra tổn thất, không được bồi thường thì đến năm thứ hai, khách hàng cũng sẽ không tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm nông nghiệp

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn gặp một số khó khăn như: Công tác quản lý nhà nước đối với hình thức bảo hiểm thương mại còn chưa được quan tâm, thực hiện; người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; công tác giám định bồi thường thiệt hại giữa doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn tại địa phương chưa thống nhất nên còn tranh chấp, gây khó khăn trong việc bồi thường; tỷ lệ phí bảo hiểm và mức khấu trừ đối với bảo hiểm nông nghiệp (đặc biệt là bảo hiểm trâu, bò) tương đối cao so với các loại hình bảo hiểm khác; cây trồng, vật nuôi không được coi là tài sản đủ điều kiện bảo đảm tiền vay nên các hộ chăn nuôi vẫn phải thế chấp bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp vì sao chưa phát huy hiệu quả? - Ảnh 4.

Chăm sóc cây trồng trong nhà kính. Ảnh: Trọng Hải.

Yếu tố quyết định sự tham gia của người sản xuất là sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm áp dụng chính sách hỗ trợ phí đối với lúa, trâu bò, tôm hiện nay còn chưa đa dạng, điều khoản quy tắc chưa hấp dẫn người nông dân: Phí bảo hiểm cao; với bảo hiểm cây lúa không có bảo hiểm theo từng hộ hoặc thôn mà chỉ bảo hiểm theo năng suất lúa trung bình theo xã; mức khấu trừ cao (30-40% giá trị bảo hiểm); quy trình, thủ tục xác định thiệt hại, bồi thường còn phức tạp và chưa minh bạch như việc ứng dụng công nghệ viễn thám để xác định năng suất lúa mà không dựa vào năng suất thực thu nên người sản xuất, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo khó tiếp cận và dễ gây tranh chấp. Về phía doanh nghiệp: Bảo hiểm nông nghiệp có tính thời vụ, rủi ro cao khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp; nhiều thu thập số liệu về sản xuất nông nghiệp để thiết kế sản phẩm bảo hiểm khó nên không nhiều doanh nghiệp đăng ký (chỉ có Công ty Bảo Việt, Bảo Minh).

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Định, giảng viên Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bảo hiểm nông nghiệp chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đầu tiên là từ nhận thức của người nông dân về quản lý rủi ro và về bảo hiểm còn rất hạn chế. Đại đa số nông dân, nhất là những nông dân ở vùng sâu, vùng xa, chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của bảo hiểm mang lại. Không những thế thu nhập của nông dân còn thấp và không ổn định. Khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu bảo hiểm còn rất hạn chế. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp nước ta còn khá phân tán và manh mún... Vì vậy, nhu cầu tham gia bảo hiểm chưa thực sự là cấp thiết đối với đại đa số nông dân.

Bài 2: Bảo hiểm nông nghiệp vì sao chưa phát huy hiệu quả? - Ảnh 5.

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn dựa vào kinh nghiệm (trong ảnh: Nông dân chăm sóc cây cà chua). Ảnh: Trọng Hải.

Chính những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan này đã tác động tới việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, dẫn tới tình trạng, dù đã có văn bản pháp luật, có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, nhưng bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với nông dân, còn doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc kinh doanh loại hình bảo hiểm này.Sản xuất nông nghiệp Việt Nam phần lớn dựa vào kinh nghiệm, tâm lý ỷ lại vào cơ chế hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước vẫn còn khá phổ biến. Bởi vậy, người nông dân thường rất thụ động khi đối phó với các rủi ro, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển nông nghiệp. 

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa thực sự mặn mà khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Bởi rủi ro trong nông nghiệp phức tạp, khó quản lý, nhất là rủi ro đạo đức. Hậu quả của rủi ro đôi khi mang tính thảm họa. Lợi nhuận thu được từ việc triển khai bảo hiểm thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tái bảo hiểm ra nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam chưa đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực, về việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm. Đặc biệt là chưa hoàn toàn chủ động trong kiểm soát quy trình sản xuất và canh tác trong nông nghiệp liên quan đến từng đối tượng bảo hiểm. Thêm vào đó, công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu và dự báo về tình hình sản xuất nông nghiệp, về các loại rủi ro và tần suất xảy ra thị trường liên quan đến từng đối tượng bảo hiểm chưa được nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư đúng mức và có chiều sâu, mang tính dài hạn, để thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số như nhiều nước đã làm...

Bảo hiểm nông nghiệp được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo: Quốc hội đã đưa nội dung “đẩy mạnh việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới phù hợp với các loại hình sản xuất và sản phẩm nông nghiệp” vào Nghị quyết số 100/2019/QH14; Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp (Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17-7-2019 về giải pháp khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; Văn bản số 2383/VPCP-KTTH ngày 27-3-2020 về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Nhóm PV
Cùng chuyên mục