Con đường từ rừng xanh đến "trại tù binh muông thú"

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 1.

img

on số thống kê cho rằng: 94% các vụ báo cáo vi phạm liên quan đến ĐVHD đều được vào cuộc xử lý khá nghiêm túc. Nhưng tại nhà hàng Hương Nguyên, ở phố Lê Minh, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), khi phóng viên bước vào với vai thực khách, thì tất cả đã lòi ra luôn. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và gần như công khai của vi phạm ở nơi tưởng như nghiêm nhất Việt Nam.

Chúng tôi ghi hình bí mật, cảnh người ta mang cả sọt nhốt cầy hương sống nguyên ra. Mắt con vật (được khẳng định là "hàng rừng") vằn lên, hoang dại và căm phẫn. Tiếng "gừ… rừ", "gào… ào" của nó nghe kinh dị. Một phụ nữ tên Thanh ở nhà hàng gần đó, sau khi giới thiệu đủ các kiểu: gà rừng, nai, nhím, ba ba, khách vẫn chê, chị ta bèn gọi người xách ra một thùng xốp bí ẩn. Bên chiếc bao tải xác rắn màu xanh, là một con tê tê cuộn tròn giả chết. 

Đáng chú ý, nhà hàng này từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi buôn bán giết thịt thú rừng quý hiếm. Và, với một cá thể tê tê quý hiếm được bảo vệ trên toàn cầu đem ra bàn tiệc kia, vi phạm này đủ lớn để khởi tố hình sự rồi.

"Ác liệt" hơn là "vựa" đặc sản nhiều loài động vật quý hiếm từ hàng sống nguyên con đến hàng trong tủ đông với bộ phận nhiều loài trong "Sách đỏ" đã được tửu táng (ngâm rượu) ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (điện thoại bà chủ: 03794684…).  

Lũ kỳ nhông, kỳ tôm, các chi nghều ngào, có cái gì đó khiến người ta liên tưởng tới bầy khủng long thời tiền sử. Đầu, lưng, đuôi chúng lởm chởm các tua gai. Chúng bị trói trật cánh khuỷu bằng dây rừng. Nằm la liệt, xanh lèo - thê thảm như một đoàn chiến binh bại trận bị đối phương cầm tù.

Cô chủ đưa chúng tôi vào trong buồng xem tứ chi, rồi dương vật (đùm) sơn dương quý hiếm ngâm trong hũ thủy tinh lớn. Sơn dương thuộc "Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB", được bảo vệ ở mức độ cao bởi các quy định, Luật pháp ở Việt Nam, vẫn phải nói cho dễ hiểu: buôn bán, bắt bẫy chúng hay các bộ phận của chúng là dễ dàng bị khởi tố hình sự. 

Cầy, cáo, kỳ nhông, dúi, sóc thì la liệt. Cầy hương thui rơm vàng ươm, dăm bảy con bỏ trong túi nilon chuẩn bị đi giao cho khách, có con trúng đạn nứt toác da, có con dính bẫy gẫy lủng liểng một bên chân.

 

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 3.

 

Tiếp, trên đường thiên lý. Đi qua Đèo Lò So huyền thoại, ngược từ Quảng Nam lên miền nắng gió Tây Nguyên. Tại số nhà 23, phố Hai Bà Trưng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (ngay gần Ngã ba Đông Dương, giáp ranh 3 nước Việt Nam - Lào và Cam Pu Chia), ông Thanh - chủ quán và là người buôn "hàng rừng" lâu năm (số điện thoại: 09689250…) - tiết lộ: ở Ngọc Hồi chỉ anh ta mới cung cấp, chế biến món ăn trác tuyệt từ các loài động vật quý hiếm như tê tê, hươu, chồn, rắn, ba ba hoang dã, gà rừng… 

"Cán bộ họ giới thiệu các chú đến đây, đó là lực lượng nào thì chú biết rõ rồi. Họ làm quan lõi đời rồi, nên họ rất biết ăn ngon. Quán anh nổi tiếng xuống tận Đà Nẵng. Luôn ngon nhất và có hàng thường xuyên nhất", ông Thanh tuyên bố xanh rờn khi đang cắt tiết thú rừng cho một nhóm khách đi ô tô cáu cạnh. Ông ta bật ngọn lửa ga xanh lèo, tiếng khò thịt thú rừng rít lên như bão lớn.

"Anh có tiếng ở đây nên được đón nhiều cán bộ đến để ăn uống, đặc biệt là lực lượng… và… chi cục…". "Bây giờ Việt Nam còn rất ít hoặc là hầu như không có các loài này trong rừng nữa, chủ yếu là thợ săn đi bẫy, bắn hoặc mua lại được bên Lào và bên Cam Pu Chia (cách quán của ông Thành khoảng hai chục cây là đến Ngã ba Đông dương - PV) rồi đưa về Việt Nam tiêu thụ theo đường tiểu ngạch.  Đưa lậu. Thợ săn Việt Nam cũng có nhiều "cửa" ăn chia, có thể chung chi bằng tiền hoặc bằng tỷ lệ số thịt thú rừng đi qua. Thế là đưa được hàng về Việt Nam, bán khắp nội địa. Dịch COVID-19 ngơi đi là hàng về rất nhiều. Thậm chí, đang mùa dịch, họ vẫn có cách tuồn "hàng con" về như thường", ông Thanh kể. Quả thế, ở Tây Nguyên, bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra báo chí hợp pháp, chúng tôi cơ bản cũng đã chứng kiến những điều trên. 

Cụ thể, tại nhà hàng Ánh Dương (điện thoại: 09822213…), địa chỉ 232 Trần Phú, TP Kon Tum: sâu bên trong khu bếp, rồi bên dưới các bầm bàn gầm tủ là nhiều bao tải thú rừng còn sống được cất giấu. 

Chúng tôi vừa khom người trò chuyện với các đồ tể đang khò lũ cầy, dúi bằng ngọn lửa ga nửa đỏ nửa xanh, thì nghe "vèo!". Các bao tải lao về phía chúng tôi, nền bếp ướt nhép lát gạch hoa cáu bẩn, trơn truội. Các bao tải cứ trôi như trên sân trượt băng nghệ thuật.

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 4.

Cậu đầu bếp mệt mỏi, cáu kỉnh vì hôm nay đông khách quá. Mở bên trong có một số loài động vật hoang dã như chồn, dúi, rắn các loại. "Hàng rừng nên phải giấu kín", đầu bếp thở dài. Trong tủ lạnh nhiều thịt thú rừng như hươu, lợn, nhím rừng có ghi tên, đánh số để tiện lôi ra phục vụ ào ào thực khách. Trong sổ ghi chép của nhà hàng có ghi "Thịt hộ tê tê cho khách", "Tiền công 400.000đ", "Tiền mua thuốc Bắc" (bỏ vào nồi tê tê)... Và chúng tôi cũng chứng kiến các đoàn khách ăn thịt tê tê tại đây một cách hỉ hả.

Tương tự, cũng ở Kon Tum, ở nhà hàng Tri Kỷ cách đó không xa, bà chủ mau mắn đem ra mời đủ loại hàng rừng, cầy hương, nai, nhím. Phía trong, nơi nhiều loại thú rừng bị cầm tù, trong đó có cheo cheo rừng.

Đúng lúc đó, một phụ nữ mặc áo chống nắng đến giao cho chủ nhà hàng Tri Kỷ một con nhím rừng và vài cá thể động vật hoang dã khác. Chị chủ ý nhị gọi vào bên trong trao đổi giá cả. Cô bé (sau này biết tên là Loan) đã đồng ý cho chúng tôi làm quen và xin số điện thoại. Trong máy của cô bé có vô số hình động vật rừng chào mời khách. 

Ảnh ấy, thợ săn gửi cô để ngã giá. Cô là một mắt xích quan trọng, thu gom thú rừng từ thợ săn khắp nơi, nuôi nhốt, giết mổ, trữ đông và phân phối đi khắp nơi. Trong vai khách mua hàng con về làm quà "ngoại giao", chúng tôi được Loan mời đến nhà mua hàng.

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 5.

Tại Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, qua nhiều mối "tuyệt mật" giới thiệu, có anh tự dưng là cán bộ bên lực lượng vũ trang, rất rành các đầu mối, chúng tôi kiên trì qua các cửa kiểm tra sàng lọc của các chủ buôn ranh mãnh. Rồi từng bước lạc vào một "khu bảo tồn động vật hoang dã" bẩn thỉu, chật chội và đầy tiếng rên xiết và sự chết chóc dành cho các loài chim thú có giá đắt đỏ trên "chợ đen".

Tôi bước vào, chào hỏi bà chủ, chém gió tưng bừng về độ "ngon" của từng loại thú hoang, rồi xin phép đi chọn vài con đem về Sài Gòn làm quà. Mèo rừng rồi các loài thú hoang khác, nghe bước chân người, nhất tề tức tối gào gổng vật lộn trên cạn. Lũ rùa, cua đinh các loại đủng đỉnh dưới nước. Lũ chim vốn đến từ bầu trời tự do thì bị vặt lông nằm tồng ngồng oặt oẹo trên sàn đất. Don, dúi, cheo cheo, cầy hương, kỳ đà, mèo rừng cứ trồi trổ sợ hãi khi nhìn thấy các gã đội mũ bảo hiểm, tay trần, lặng lẽ, thoăn thoắt, lần lượt bắt các "bạn tù" của mình mang đi.

Choáng hơn là họ leo lẻo giới thiệu đồ rừng "hoang dã hơn cả hoang dã" một cách không ái ngại, chẳng đề phòng. Cứ như họ đang bán gà vịt từ một trang trại nào đó. Có cảm giác ở nơi này, không ai biết và quan tâm đến các Luật, Chỉ thị, Quy định, Công ước về bảo vệ thiên nhiên và động vật rừng quý hiếm.

Hãy nghe cô nhân viên của một nhà hàng thuộc loại "Rừng Biển" (đường Nguyễn Huệ, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài) giới thiệu đủ mặt hàng có sẵn. Có rùa, rắn hổ chúa, cua đinh. Cheo cheo thì giá tiền triệu một kilogram. Chồn mướp rẻ hơn, nó là hàng bên Lào đem về, 1,4 triệu đồng/con.

 

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 6.

 Cô bé của nhà hàng, vẫn thơn thớt mà rất thật:

"Hay là anh ăn con vượn. Con này khá to, phải đông người mới nên ăn, vì con bé nhất thì cũng mười mấy ký. Nhà em giết thịtvượn thì thường phục vụ người ta ăn óc chúng, vâng, ăn sống và uống rượu. Thịt chúng thì xào lăn, làm nhiều món lắm. Hầm măng, hấp. Họ chặt đầu nó ăn óc, xương với đầu lâu làm món cháo đậu đen".

Ở "vựa thú rừng/ nhà hàng đặc sản" này, chúng tôi ngồi la cà lựa hàng. Cậu phục vụ bảo, chả thương xót gì lũ thú rừng này đâu, vì đằng nào thì chúng chỉ lưu lại ở đây độ một hai tuần rồi người ta đến trả tiền, đem đi giết mổ. Có khi hàng vừa về, chưa ấm chỗ đã có khách đến mang đi làm thịt. Có khi cắt tiết, uống máu, ăn thịt, rồi thả cả xương vào trong vạc lửa nấu 7 ngày đêm cho nhuyễn đi thành cao. Nói rồi, cu cậu vác cái ghế đập toét đầu con mèo rừng cho đỡ bướng, nó cứ khào khào kêu và nhe răng trắng ởn, mắt xanh lèo. Cu cậu đem con kỳ đà nặng 6-7 kg ra tiêu khiển ngắm nghía. Lũ "tù binh" cheo cheo, nhím, dúi, don, cầy hương thì khỏi nói khổ sở thế nào. Không gian đặc quánh, thối tha, tối tăm. Tiếng kêu, tiếng tức tối, sự phản kháng điên cuồng của các loài hoang dã ầm ĩ. Có con húc vào các thanh sắt của cũi, máu me be bét.

Bà chủ và ông chủ ngồi trong nhà. Trước mặt là dăm cái màn hình camera giám sát. Có lẽ, thấy chúng tôi "ngắm kĩ" mà không mua con gì về nhậu, nên họ đã xem lại camera và nghi ngờ. Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục gọi điện thoại để đặt hàng và khai thác tư liệu, thì bà chủ trở mặt một trăm phần trăm. "Em là ai nhỉ, chị không nhớ? À, đúng, hôm qua chị đồng ý nhưng hôm nay chả có hàng gì. Nhà chị cũng không bán đồ rừng đâu". Hỏi gì cũng không biết, hỏi tên, cũng bảo tôi tên không phải thế. Bụp! Tắt máy.

Có thể thấy: các đối tượng rất cao tay, lọc lõi, chuyên nghiệp trong giới buôn bán thịt thú rừng ở Việt Nam và cả thẩm lậu "hàng con" từ Cam Pu Chia (Bình Phước có đường biên giới dài với nước bạn) về. Song, vì tự tin là mình "công khai một cách bất thành văn" mà không ai sờ đến được; nên họ bán thịt thú rừng đầy tủ đông, bán hàng rừng nguyên con tấp nập. Kẻ ra người vào như cái chợ cả khu vực ai cũng biết. Động vật hoang dã nhốt la liệt trong các dãy chuồng trại dài rộng mênh mông, thối oẵng, tiếng kêu của chúng rộn rịp. Đồng nghiệp của tôi cay đắng thở dài: cả bầy thú kia mà được thả ra, đi thẩn thơ trong thung lũng của hệ sinh thái sa van nào đó, thì chẳng khác gì cảnh đông đàn dài lũ trong khu bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi.

Vậy là, chỉ một hành trình "trắc nghiệm" không quá phức tạp, trên một cung đường Tây Nguyên xuống Bình Phước có vẻ rất tình cờ, sự thật đã hiện ra chát chúa.

Xin hỏi, sự thật hầu như ít giấu diếm và không quá khó để xâm nhập này, cơ quan chức năng các tỉnh thành có biết không? Để mà xử lý theo đúng sự nghiêm khắc của Luật, của Chỉ thị 29 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành từ tháng 7 năm 2020, thì có khó quá không? Câu trả lời là rất dễ.

Tài liệu kể trên chúng tôi đã cấp báo đến Cục Kiểm lâm Việt Nam, đến Cảnh sát môi trường và Kiểm lâm các địa phương, trước khi tiến hành viết bài và đăng báo…

Kính mời độc giả đón đọc "Bài 3: Lén chụp ảnh và điều tra ngược nhà báo" sẽ được đăng tải vào sáng mai 1/9/2021.

Lật mặt các "địa ngục thú rừng": Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt (Bài 2) - Ảnh 8.

Bài 2: Cả “khu bảo tồn” ngơ ngác chờ lên thớt - Ảnh 8.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem