Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Người đỡ đẻ bất đắc dĩ đêm giao thừa

Huệ Hồ Thứ ba, ngày 08/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Bao nhiêu năm đã qua, nhưng cái Tết đặc biệt nhất những ngày còn ở quê vẫn không thể nào mờ phai trong tâm trí tôi. Đó là những cái Tết mà tôi bị đánh đòn và trở thành người đỡ đẽ bất đắc dĩ đúng vào khoảnh khắc giao thừa.
Bình luận 0

Sau hơn 15 năm "ngụp lặn" mưu sinh ở Hà Nội, nay là năm đầu tiên tôi ăn Tết nơi đây. Cái Tết xa quê đầu tiên trong cuộc đời sao mà nó đặc biệt đến thế. Nỗi nhớ quê cứ bao trùm lấy tôi mấy ngày Tết. Ấy là nhớ cái không khí rộn ràng của những phiên chợ quê ngày Tết; nhớ cái cảnh tấp nập người muôn phương đổ về quê đón Tết và nhớ cả bếp củi đượm lửa của mẹ bên nồi bánh chưng chiều 28 Tết.

Càng nhớ, tôi lại càng chìm sâu trong hoài niệm, những ký ức xưa cũ cứ dội về đưa tôi lạc vào những miền xa xăm ảo thực. Cứ những lúc như thế, tôi lại ước có được một cỗ máy thần kỳ để tôi có thể quay ngược thời gian, trở lại với ngày xưa yêu dấu.

Tết năm nào cũng thế, mỗi lần về quê, tôi không bao giờ quên tìm về ngôi nhà cũ – ngôi nhà cấp 4 mái ngói 3 gian, nơi mà 3 chị em tôi đã được mẹ sinh ra. Cũng tại ngôi nhà này, tôi đã có những năm tháng tuổi thơ êm đềm bên ông bà nội, bên mẹ và bên các chị gái của mình. Và nơi đây có một kỷ niệm về cái Tết đầu tiên tôi chít khăn tang trắng chạy sang nhà hàng xóm bị chị gái đánh đòn vào lúc vừa bước sang giao thừa.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tôi thành người đỡ đẻ bất đắc dĩ đêm giao thừa - Ảnh 1.

Ngày xưa, pháo là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh minh họa.

Năm đó, tôi mới lên 7 tuổi, bố tôi vừa mất được 10 tháng. Bố tôi ra đi vì bệnh ung thư khi mới 43 tuổi để lại cho mẹ tôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Theo tục lệ ở quê, nhà có tang thì đầu năm mới không được đến bất kỳ nhà ai chúc Tết. Phải đủ 3 năm, 9 tháng, 10 ngày… khi đoạn tang thì mới hết "vận áo xám" và lúc đó mới được thoải mái để đi chúc Tết người thân.

Nhưng vì tôi lúc đó đang là một đứa bé "chửa biết cái chi chi" nên đêm giao thừa thấy hàng xóm bên cạnh gọi sang đốt pháo hoa thì liền nhảy rào chạy sang. Phải nói thêm rằng, hàng xóm là một bà dì họ bên ngoại rất yêu thương tôi. Năm đó, chồng dì đi đánh hàng bên Trung Quốc không về kịp, ở nhà chỉ có ba mẹ con, hai đứa con của dì vẫn tay bồng tay bế. Vì thế, dì gọi tôi qua cùng dì đốt pháo hoa để đón giao thừa cho vui vẻ và may mắn.

Tôi vẫn nhớ, thời đó chưa có lệnh cấm đốt pháo. Nhiều nhà vẫn mua pháo bánh Bình Đà (Hà Tây cũ) về cột lên cành cây trước nhà đốt nổ đùng đoàng, xác pháo văng tứ tung, mùi khói pháo đặc quánh cả một vùng không gian. Nhưng dì tôi không đốt pháo bánh mà đốt pháo hoa Trung Quốc dạng cây dài như cây gậy, bên ngoài cuộn giấy rồng phượng rất đẹp. Loại pháo thời đó rất phổ biến, khi đốt phải cầm giơ thẳng lên trên trời, mỗi lần pháo phụt lên không trung, tỏa ra ánh sáng rực rỡ muôn màu, trông rất bắt mắt. Lũ trẻ chúng tôi hồi đó rất mê loại pháo này hoặc pháo tép dạng bánh nho nhỏ.

Khi tôi và dì vừa đốt được cây pháo hoa thứ 2, đang định đốt nốt cây pháo cuối cùng thì chị gái biết chuyện gọi tôi về. Dĩ nhiên, một đứa trẻ lần đầu tiên được cầm trên tay cây pháo hoa, đang vô cùng thích thú thì tôi đâu có chịu về ngay. Tôi với dì đang mải mê với trò chơi ánh sáng thì chị gái tôi chạy qua nắm tay tôi lôi về. Tôi òa khóc, níu chặt lấy tay dì và nhất định không chịu về. Dì thương quá, cho tôi cây pháo hoa đang định đốt để mang về nhà. Về nhà, chị gái bắt tôi nằm lên giường, vụt cho tôi mấy roi đau điếng. Tôi òa khóc trong đêm giao thừa và mẹ phải ôm tôi vào lòng dỗ dành mãi tôi mới chịu nín.

Mãi sau này tôi mới biết, lúc đó, chị và mẹ rất sợ hàng xóm bàn tán chuyện để con nhỏ chít khăn tang đi chạy khắp xóm đầu năm mới. Đó là điều đại kỵ theo tục lệ ở quê.

Sau này, khi tôi lên 12 tuổi, bà dì hàng xóm lại sinh đứa em thứ ba. Thật lạ kỳ là dì trở dạ cũng đúng vào thời khắc chuẩn bị đến giao thừa và người gọi dì gọi tên để hỗ trợ dì cũng là tôi. Thấy dì đau bụng quằn quại lại không có ai bên cạnh ngoài hai đứa em dại nên khi dì gọi tôi liền chạy qua ngay. Thực sự, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ai đau bụng đẻ nên không biết lúc đó dì sắp sinh. Tôi chĩ nghĩ đơn giản là em bé đạp mạnh quá nên dì đau. Nhưng sau đó, dì bảo tôi xuống bếp lấy khăn và nước ấm để lau cho dì vì người dì lúc đó đẫm mồ hôi. Tôi dùng tay vuốt bụng cho dì được một lúc thì nước ối của dì bắt đầu vỡ. Dì hối tôi chạy về nhà gọi mẹ và chị sang.

Lúc mẹ và chị tôi sang thì dì đã rất đau nên cả nhà quyết định dìu dì lên trạm xá. Trạm xá cách nhà tôi không xa, chỉ khoảng 500m nên theo tính toán của mẹ lúc đó là lên đến nơi dì mới sinh. Tuy nhiên, khi vừa dìu dì ra đến cửa thì dì gào lên một tiếng đầy đau đớn rồi nằm xuống, quần ướt sũng nước. Tôi nghe mẹ hoảng hốt bảo chị em tôi: "Thôi chết rồi con ơi, dì đẻ mất rồi, trải khăn ra ngay". Nhanh như cắt, chị tôi lấy tấm khăn to trong cái làn mang theo lót xuống giữa nền nhà. Mẹ đặt dì nằm lên đó rồi bảo chúng tôi cầm chăn quây hai bên cho kín gió. Chỉ trong chốc lát, mẹ tôi đã nhìn thấy em bé chui ra và reo lên đầy vui sướng "em ra rồi… em ra rồi".

Đặt em bé cạnh dì, mẹ tôi nhanh tay lấy mấy tấm khăn quấn vào người em rồi hối chị tôi chạy lên trạm xá gọi bà đỡ xuống cắt rốn. Đúng lúc này, tiếng pháo đón giao thừa quanh nhà vang lên. Mẹ và dì cười thật tươi, ánh mắt đầy hạnh phúc. Sau này, dì đặt tên cho đứa em đó là Kim Giao như thể đánh dấu kỷ niệm thời khắc ra đời đặc biệt của em.

Nhà tôi sau đó chuyển nhượng cho chủ mới nhưng nhà dì thì vẫn ở đó. Mỗi lần tôi về thăm nhà cũ, ghé qua nhà dì, dì lại chào đón như con dì đi xa trở về. Trong những câu chuyện miên man ngày Tết, không bao giờ dì cháu quên nhắc lại chuyện xưa và để cho cái cảm giác nhớ nhung kỷ niệm len lỏi vào từng tiếng cười.

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem