Bài học của chính sách

Thứ sáu, ngày 30/05/2014 10:10 AM (GMT+7)
Nhận diện một “Việt Nam biển” hiện nay là tầm nhìn mới và đầy đủ về chân dung kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 21. Vì vậy, vươn khơi, bám biển là xu thế tất yếu của ngư dân để kiếm tìm, khai thác kinh tế biển.
Bình luận 0
Ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển giờ đây không chỉ là mưu sinh mà còn là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi tàu thuyền là “cột mốc sống” của Việt Nam trên biển khơi.

Một dự thảo chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân lớn chưa từng có: Với 90% để đóng tàu vỏ thép; 3% lãi suất/năm; 70% chi phí mua bảo hiểm thân tàu và 100% chi phí mua bảo hiểm cho thuyền viên khi đánh bắt xa bờ… Nếu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thì đó là động lực mới để thực hiện “cuộc cách mạng” cải hoán tàu nhỏ, tàu bằng gỗ, đóng mới tàu lớn và bảo vệ ngư dân, bảo vệ vùng biển.

Trong khi chính sách chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 25.6.2014, tại tỉnh Bình Định, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã dành 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng mới tàu thép, công suất lớn, góp sức cùng ngư dân khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Điều này cho chúng ta niềm tin lớn: Vốn đã đủ, vốn đã sẵn sàng.

Nhưng chưa phải là tất cả?!


Thực tế cho thấy chúng ta đã thực hiện nhiều đợt hỗ trợ ngư dân nhưng tới thời điểm này, tàu vẫn là tàu nhỏ, vỏ gỗ. Giờ đầu tư tàu to, vỏ thép rất là tốt, ngư dân ai cũng muốn sở hữu một vài cái như thế để làm nghề nhưng vấn đề là ở chất lượng và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hải sản. Đây là vấn đề nan giải hiện nay của ngành thủy hải sản nói riêng và các loại nông sản khác.

Một con cá ngừ đại dương, ngư dân đánh bắt lên đưa sang Nhật, mặc dù không độc hại nhưng dân xứ đó chê là phẩm cấp thấp, bảo ngư dân ta chưa biết đánh bắt, bảo quản. Thế nên chuyên gia Nhật mới sang bày cho bài "chọc tủy sống" để nâng chất lượng cá ngừ lên.

Đấy mới là những kỹ năng, kỹ thuật đơn giản, thủ công, chứ chưa nói đến khâu chế biến sâu, gia tăng giá trị cho con cá con tôm khi xuất khẩu... Nếu tàu to, vỏ thép, đánh bắt được nhiều mà phẩm cấp cá tôm vẫn cứ lẹt đẹt thì rút cục thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là Trung Quốc...

Tàu to, vỏ thép, đánh bắt được nhiều cá tôm, nhưng quan trọng là giá trị kinh tế có tăng lên tương xứng với chi phí đầu tư, tương xứng với năng suất, sản lượng cá tôm tăng thêm. Nếu giá trị kinh tế mang lại thấp, hoặc chỉ bằng tàu gỗ mà chi phí vận hành tàu to, vỏ thép tăng theo từng năm thì quả là đáng lo ngại. Bài học cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ thủa nào vẫn còn ám ảnh nhiều ngư dân.

Chiến lược biển của Việt Nam đã và đang có bước đi cụ thể rõ ràng. Các tỉnh duyên hải miền Trung cần có tầm nhìn và nhận thức mới để triển khai kịp thời, hỗ trợ ngư dân và ngư dân hãy học hỏi để sau khi có tàu to vươn khơi vừa đánh bắt hải sản hiệu quả, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Hải Sơn (Hải Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem