Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (6/10/1942), xin được bàn luận đôi điều về tác động của bài thơ đối với nhận thức của học sinh về tình yêu học trò nói riêng cũng như tình yêu trong giới trẻ nói chung.
Dạy kỹ năng sống cho học sinh qua bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh
Trong quá trình giảng dạy Ngữ văn, nhiều bài thơ có thể tích hợp được những kỹ năng sống cần thiết để giáo dục học sinh hoàn thiện nhân cách, bồi đắp tình yêu con người, quê hương, đất nước. Bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh nằm trong chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 12 không chỉ có giá trị trong tiến trình văn học, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục giới tính, giúp các em nhận thức về tình yêu đúng đắn, biết yêu đúng cách, thể hiện tình yêu đúng chỗ, đúng thời điểm.
Với đặc trưng là một thể loại trữ tình sâu lắng, thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, học sinh có thể nhớ và thuộc một cách nhanh chóng, dễ dàng hiểu được nội dụng cơ bản nhất và tư tưởng chủ đề về tình yêu được đặt ra từ bài Sóng – Xuân Quỳnh.
Thật đáng buồn nếu các bạn học sinh không được trau dồi những kiến thức cần thiết về tình yêu, giới tính. Bởi vì không được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản sẽ dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn khi các em còn quá trẻ, chưa trải qua đau khổ, mất mát của cuộc đời. Bên cạnh đó đi kèm với những hiếu kỳ, những tò mò về nhau do sự thay đổi và phát triển của tâm sinh lý dẫn đến nhiều bạn trẻ đi quá giới hạn.
Lúc này là thời điểm quá sớm, các bạn chưa trưởng thành để chịu trách nhiệm cho chính bản thân của mình. Nhiều bạn nữ còn quá trẻ, đang tuổi ăn tuổi học mà gặp phải nhiều áp lực dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai. Vì mải yêu nên nhiều học sinh không nghe thầy cô giáo giảng bài, chỉ lo nhắn tin, lo nghĩ cho người yêu; một số trường hợp xảy ra bạo lực để tranh giành đối phương. Hoặc nguy hiểm hơn là đi quá giới hạn về tình dục,…
Do đó, việc khéo léo lồng ghép tích hợp kỹ năng sống để giáo dục cho các em về tình yêu học đường nói riêng và tình yêu tuổi trẻ nói chung thông qua bài thơ "Sóng" ngày càng được nhiều giáo viên quan tâm, chú trọng.
Đọc bài thơ sóng, thông qua những đa chiều, phức tạp khi yêu của người phụ nữ "dữ dội và dịu êm/ồn ào và lặng lẽ" hoàn toàn có thể giúp học sinh hiểu được thế nào là một tình yêu chân chính, những biểu hiện và tính chất cao đẹp của tình yêu "tâm trạng phức tạp, nỗi nhớ, sự thủy chung, niềm tin vào tình yêu." để từ đó biết yêu đúng đắn, không vụ lợi, lừa lọc, ích kỷ. Đồng thời giúp các em chủ động hơn trong tình yêu, biết phân định đúng, sai, dám dứt khoát từ bỏ nếu như yêu sai người: "Sông không hiểu nổi mình/sóng tìm ra tận bể."
Hoặc trong câu thơ: "Cuộc đời tuy dài thế, năm tháng vẫn đi qua" có thể giúp học sinh hiểu được sự hữu hạn của cuộc đời để từ đó nhận thức và trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống, không dễ dàng từ bỏ trước những áp lực, biến động của đời thường.
Qua nhiều năm vẫn vẹn nguyên giá trị...
Khi hiểu và biết yêu đúng cách "gắn với nỗi nhớ, sự thủy chung son sắt" sẽ giúp các em biết yêu chân thành, trong sáng, từ đó có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với xã hội. Đồng thời, bồi đắp những kỹ năng giao tiếp, quyết đoán, làm chủ bản thân trong mọi trường hợp, sống lạc quan, tích cực, sống lành mạnh và có những hành động góp phần làm đẹp xã hội. Giúp các em hình thành kỹ năng đưa ra phán đoán để biết được có nên hay không trao gửi tình cảm khi còn quá sớm, có trách nhiệm với mọi người và xác định những hiểm nguy tiêu cực để đương đầu.
Không chỉ vậy, bài thơ còn giúp các em biết hi vọng về một tương lai tốt đẹp, biết vượt qua mọi khó khăn, gian nan để tới cái đích lớn nhất của tình yêu: "Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở" để rồi biết ước mơ, khát vọng về một tình yêu duy nhất và mãi mãi: "Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ".
Có thể thấy rằng, nâng cao nhận thức của học sinh về tình yêu học trò là yếu tố cần thiết trong tiến trình giáo dục một con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc tích hợp kỹ năng sống nhằm nâng cao nhận thức của học trò về tình yêu sao cho đúng, cho trúng, không lệch lạc trong từng tác phẩm là cả một quá trình gian nan.
Bài "Sóng" của Xuân Quỳnh đưa vào chương trình giảng dạy trong chương trình Ngữ văn THPT không chỉ có giá trị văn học, mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn giúp mỗi học trò nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhận thức đúng đắn về tình yêu. Cho tới tận bây giờ, Xuân Quỳnh và tiếng thơ của bà vẫn còn nguyên giá trị.
Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ Văn Lê Trần Diệu Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.