Bám sát dân để giúp chống tái nghèo

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 18/11/2014 06:09 AM (GMT+7)
“Chúng tôi xác định chống tái nghèo là nhiệm vụ cấp bách”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Sơn La (tỉnh Sơn La)- nơi chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5% - kết quả của một quá trình nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Cách chống tái nghèo của TP.Sơn La khá đa dạng về giải pháp và có hiệu quả cao. Thành phố luôn quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xóa nghèo và chống tái nghèo, giúp hộ cận nghèo vươn lên mức sống tốt hơn như: Tạo điều kiện vay vốn ưu đãi; hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ khuyến nông... Thành phố đã phân công, phân nhiệm cụ thể tới các tập thể, đơn vị có trách nhiệm bám sát “đỡ đầu” cho các xã, bản xóa nghèo.

Bà Hoàng Thanh Thúy - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố cho biết: Hội được giao giúp đỡ 3 bản khó khăn là Nậm Tròn (xã Chiềng Ngần), Hay Phiêng (Chiềng Sinh) và Lốm Tòng (Chiềng Đen). Để có kế hoạch hỗ trợ các bản xóa nghèo, chống tái nghèo sát thực, chúng tôi thực hiện phương châm đơn giản: Bám sát dân, thấy họ yếu đâu thì giúp đấy. Hộ mới thoát nghèo rất dễ lùi lại vách xuất phát nếu không có sự trợ giúp kịp thời bởi họ không chỉ yếu về vốn, kinh nghiệm làm ăn, sản xuất hàng hóa mà có khi chỉ đơn giản là ý chí chưa cao, quyết tâm chưa lớn. Vì thế, không chỉ đưa nhiều nguồn vốn, dự án đến dân, chúng tôi liên tục cử cán bộ nắm bắt thông tin từ người dân và có kế hoạch giúp đỡ kịp thời và phù hợp. Như với hộ nghèo, mới thoát nghèo thì không thể đưa cho họ những mô hình nuôi hàng trăm con lợn, hàng ngàn con gà đẻ mà phải có những mô hình nhỏ hơn, từ vài chục đến vài trăm con. Hoặc có những mô hình kinh tế hay hơn, dễ làm hơn mà vẫn đảm bảo thu nhập như trồng rau, nuôi dê bản địa, nuôi cá ruộng...

Ở cấp xã, bản lại có sự phân công cụ thể hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn. Ông Quàng Văn Phóng - Trưởng bản Hụm, xã Chiềng Xôm cho biết: Bản nào cũng có ban phát triển bản là những cán bộ, người có uy tín, hộ biết làm ăn cũng tham gia. Ban này cùng chi bộ, trưởng bản, các đoàn thể trong bản căn cứ số hộ nghèo, cận nghèo trong bản để phân công nhau giúp đỡ về các mặt sản xuất, đời sống, tư vấn pháp lý… Nhiều khi chúng tôi đến với họ chỉ để trò chuyện tâm tình, giúp họ không mặc cảm về khoảng cách giàu nghèo, không bị tâm lý chệch choạc dễ dẫn tới “lạc hướng phát triển”. “Vì thế sau 3 năm quyết tâm xóa nghèo, chúng tôi chỉ còn 1/130 hộ thuộc diện nghèo. Những hộ đã thoát nghèo thì không tái nghèo lại đâu. Đấy là quyết tâm của cả bản Hụm này đấy” - ông Phóng quả quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem