Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về doanh nghiệp giải thể

Thứ tư, ngày 13/04/2016 14:14 PM (GMT+7)
Ngành có số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy với 3.758 doanh nghiệp (DN), chiếm 39,7% tổng số DN giải thể trong năm 2015.
Bình luận 0

Cũng theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam công bố sáng nay (13/4), số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 là gần 9.500 DN, trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%).

img

Toàn cảnh Hội nghị

Ngành có số lượng DN giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy, kế đến là hai ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (1.212 DN, chiếm 12,8%), ngành xây dựng (1.071 doanh nghiệp, chiếm 11,3%). Tuy nhiên, đây lại là 3 trong số 12 ngành có tỷ lệ DN giải thể giảm trong năm 2015. Năm ngành có tỷ lệ DN giải thể tăng trong năm 2015 là Thông tin và truyền thông (104,3%), nghệ thuật, vui chơi và giải trí (77,8%), sản xuất phân phối, điện, nước, gas (28,3%), giáo dục đào tạo (21%), khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (12,2%).

Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.649 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Việc số lượng DN ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm 2014 cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN chưa được cải thiện, đa số các DN vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi tất cả các ngành đều có số lượng DN ngừng hoạt động tăng trong năm 2015. Ba ngành có số lượng DN phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (150,5%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (68,8%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (56,7%). Đáng chú ý, ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tuy có số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao, nhưng cũng là ngành có tỷ lệ DN phải giải thể và ngừng hoạt động tăng cao.

Điều này cho thấy những rủi ro đi kèm theo sự tăng trưởng “nóng” về số lượng DN thành lập mới ở lĩnh vực này. Báo cáo cũng cho thấy, trong năm 2015, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Nhìn chung, tình hình DN gia nhập thị trường năm 2015 có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2014, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Tuy nhiên, việc tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động vẫn tăng cao cho thấy các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và rất cần các chính sách hỗ trợ của Chính phủ” - TS Phạm thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI khuyến nghị.

Trang Anh (Kinh tế đô thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem