"Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị mất chứng tỏ yếu kém trong lưu trữ"

Trần Kháng Thứ năm, ngày 03/05/2018 19:59 PM (GMT+7)
“Việc không tìm thấy bản đồ tỉ lệ 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP HCM) chứng tỏ khâu lưu giữ hồ sơ của chúng ta yếu kém, không có tính chuyên nghiệp, chứ không phải gây ra hệ quả cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hiện tại”, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin TP.HCM không tìm thấy bản đồ tỉ lệ 1/5000, ngày 2.5, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, bản đồ 1/5000 trên chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có; các bộ, ngành cũng đang cố gắng tìm.

“Trong thủ tục trình Chính phủ có đầy đủ tất cả theo quy định thì mới được phê duyệt… Rất tiếc 20 năm rồi, công tác lưu trữ chưa thấy bản đồ quy hoạch gốc đó. Hiện TP chỉ đạo phải truy bằng được, nghe nói cũng đã tìm thấy được bản photo, bản sao chứ không phải bản gốc, bản màu. Như vậy không phải là không có”, ông Hoan nói.

Về việc này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cũng xác nhận, bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm đến giờ này tìm không ra. 

“Đến giờ này, TP đã có chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và có văn bản hỏi các bộ, ngành trung ương", ông Nhã nói và cho biết từ năm 1995 đến nay, đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm, họ cho biết không lưu trữ bản đồ này. "Tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng đi kèm với bản đồ thì không có”, ông Nhã thông tin. 

img

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang thay đổi từng ngày. (ảnh Lê Quân)

Trao đổi với Dân Việt xoay quanh sự việc thất lạc bản đồ trên, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, bản đồ tỉ lệ 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt cách đây hơn 20 năm (1995), đây là bản đồ quy hoạch lần đầu của khu đô thị mới Thủ Thiêm.  

“Việc thực hiện dự án theo quy hoạch ở giai đoạn hiện nay, hiển nhiên không phải dựa vào bản đồ của hơn 20 năm trước. Mà dựa vào quy hoạch hiện tại, đã được điều chỉnh, cập nhập hiện tại”, TS Liêm bày tỏ quan điểm.

Cũng theo TS Liêm, hiện tại, dự án đã hình thành, đang thực hiện theo các bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000, 1/500. Do đó, có thể hiểu, bản đồ tỉ lệ 1/5000 chỉ là tài liệu có giá trị lịch sử, chứ không có giá trị hiện hành, áp dụng để giải phóng mặt bằng.  

img

TS Phạm Sỹ Liêm. 

“Đối với bản đồ quy hoạch tỉ lệ 1/5000, tôi thấy có cũng được, không có cũng chẳng sao. Quan trọng nhất là quy hoạch hiện hành có giá trị pháp lý. Nếu bản đồ hiện hành, với tỷ lệ thích hợp, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, thẩm định có giá trị pháp lý thì không ai có thể đòi hỏi gì khác”, TS Liêm chia sẻ.  

Qua sự việc thất lạc bản đồ này, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra, việc không tìm thấy chứng tỏ khâu lưu giữ hồ sơ của chúng ta yếu kém, không có tính chuyên nghiệp, chứ không phải gây ra hệ quả cho việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hiện tại.

“Qua việc này, ít nhất TP HCM tiến hành rà soát lại công tác lưu trữ của thành phố về quy hoạch, thậm chí bản đồ mới hơn lưu trữ cũng có thể thất lạc”, TS Liêm nhấn mạnh. 

Dân Việt tiếp tục có những góc nhìn khác về sự việc thất lạc bản đồ tỉ lệ 1/5000 Thủ Thiêm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem