Bán gạo không đúng chủng loại, người phụ nữ bị buộc phải trả lại 250 triệu đồng

Đình Việt Thứ năm, ngày 20/01/2022 15:45 PM (GMT+7)
Được ông Nguyễn Ngọc Trường ủy quyền mua 10 tấn gạo Bụi hồng để làm từ thiện nhưng bà Hà Thị Minh Nguyệt lại mua không đúng chủng loại. TAND TP.HCM đã buộc bà Nguyệt phải trả lại tiền cho ông Sơn. Đây là vụ việc năm 2020, Báo điện tử Dân Việt đã có nhiều bài viết phản ánh.
Bình luận 0

Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn (trú phường Linh Trung, TP.Thủ Đức) và bị đơn là bà Hà Thị Minh Nguyệt (trú số 48 Hồ Văn Tư, khu phố 1, phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức).

Đây là vụ việc mà trong năm 2020, Báo điện tử Dân Việt đã có nhiều bài viết phản ánh.

Buộc người phụ nữ trả lại 250 triệu đồng vì mua gạo từ thiện không đúng chủng loại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn bên số gạo mà bà Hà Thị Minh Nguyệt đã mua không đúng chủng loại. Ảnh: Đình Việt

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn cho biết, khoảng đầu tháng 3/2020, gia đình ông có mua 3 bao gạo của bà Nguyệt gồm: Một bao gạo hồng (gạo bụi hồng) và hai bao gạo trắng để ăn thử. Nhận thấy loại gạo hồng ăn rất ngon nên gia đình ông Sơn đã đặt mua bà Nguyệt 10 tấn, với giá 260 triệu đồng (gồm cả tiền thuê bốc vác và tiền vận chuyển).

Dù chưa nhận hàng, ông Sơn vẫn chuyển vào số tài khoản của con gái bà Nguyệt số tiền 260 triệu đồng, theo yêu cầu của bà Nguyệt.

Ngày 8/3/2020, bà Nguyệt chở 10 tấn gạo đến nhà giao cho ông Sơn và gửi nhờ 10 tấn gạo phần của bà Nguyệt mua thêm, với lý do nhà bà không có chỗ để (?). Ông Sơn yêu cầu cung cấp giấy tờ, bà Nguyệt nói ngày hôm sau sẽ chuyển tất cả qua email.

Ngày hôm sau, ông Sơn lấy gạo ra kiểm tra mới phát hiện gạo đã giao hoàn toàn không giống với loại gạo mà ông Sơn đặt mua. Thay vì giao gạo bụi hồng, thì phía bà Nguyệt lại giao loại gạo... trắng. Bà Nguyệt cũng không cung cấp hóa đơn, chứng từ như đã hứa.

Vì vậy, ông Sơn yêu cầu bà Nguyệt đến nhận lại 10 tấn gạo và trả lại số tiền 260 triệu đồng. Tuy nhiên, bà này chỉ đến chở 10 tấn gạo gửi nhờ. Còn 10 tấn gạo kia, bà Nguyệt từ chối nhận, cũng không đồng ý trả lại tiền cho ông Sơn. Do không nhận được sự hợp tác nên ông Sơn đã khởi kiện ra tòa.

Tại phiên sơ thẩm ngày 15/6/2021, HĐXX đã tuyên bà Nguyệt thua kiện, buộc phải trả lại tiền cho ông Sơn. Tuy nhiên bà Nguyệt đã kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm ngày 6/1/2022, HĐXX cho biết, bị đơn xác định sau khi được tiếp cận công khai tài liệu, chứng cứ và hòa giải, bị đơn không có ý kiến phản đối bằng văn bản về mẫu gạo do nguyên đơn nộp cho Tòa án đem đi giám định và không có đơn khiếu nại kết quả giám định tại Chứng thư giám định ngày 4/5/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt tại cấp sơ thẩm.

Do vậy, việc bị đơn cho rằng, bị đơn có ý kiến không đồng ý về mẫu gạo mà nguyên đơn giao nộp để giám định và không đồng ý kết quả giám định tại Chứng thư giám định ngày 4/5/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt tại cấp sơ thẩm là không có căn cứ.

Để có căn cứ giải quyết dứt điểm yêu cầu của các đương sự trong vụ án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, ngày 10/11/2021 TAND TP.HCM đã có văn bản  yêu cầu Công ty Cổ phần giám định Nam Việt giải thích kết quả giám định tại Chứng thư giám định về tên hàng ngày 4/5/2021.

Cụ thể, làm rõ 2 mẫu gạo được đem đi giám định theo quyết định trưng cầu giám định số 12954/QĐ-TCGĐ ngày 2/4/2021 của TAND TP. Thủ Đức có phải gạo tên gọi là "Bụi hồng" không? Có phải là loại gạo "Bụi hồng" không?

Tại Văn bản phúc đáp ngày 11/11/2021 của Công ty Cổ phần giám định Nam Việt có nội dung xác định: Các mẫu gạo đã được kiểm tra và kết quả được thể hiện không phải loại gạo Bụi hồng.

Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm xác định bị đơn phải có nghĩa vụ chứng minh gạo "Bụi hồng" có "màu trắng" là không đúng, vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về nguyên đơn - người yêu cầu.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: "Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó".

Đối chiếu với quy định này, sau khi có kết quả giám định theo yêu cầu của nguyên đơn mà bị đơn phản đối thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về bị đơn.

Nhưng bị đơn không thực hiện nghĩa vụ chứng minh theo quy định của pháp luật nên không có cơ sở xác định việc lấy mẫu gạo giám định và kết quả giám định của Công ty Cổ phần Giám định Nam Việt không đúng quy định và không khách quan như trình bày của bị đơn và luật sư.

Như vậy, có cơ sở xác định bị đơn đã không thực hiện đúng công việc được nguyên đơn ủy quyền; cụ thể: Bị đơn đã mua gạo không đúng tên gọi và loại gạo như các bên đã thỏa thuận.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại số tiền 250 triệu đồng, tương đương với 10 tấn gạo nên có cơ sở chấp nhận. HĐXX ghi nhận việc nguyên đơn không yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại.

Vì các lẽ trên, HĐXX phúc thẩm quyết định, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Buộc bà Hà Thị Minh Nguyệt trả lại cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn số tiền 250 triệu đồng.

Bà Hà Thị Minh Nguyệt phải nhận lại 10 tấn gạo đã giao cho ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn tại phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn không yêu cầu bà Hà Thị Minh Nguyệt phải bồi thường thiệt hại và chịu toàn bộ chi phí bố dỡ và vận chuyển là 10 triệu đồng.

Quý độc giả đang đọc bài viết "Buộc người phụ nữ trả lại 250 triệu đồng vì mua gạo từ thiện không đúng chủng loại" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem