Bàn giao tàu cá vỏ thép cho ngư dân: Kỳ vọng những chuyến đi biển an lành

Mai Khuê Thứ năm, ngày 03/07/2014 07:21 AM (GMT+7)
Đây là tàu mẫu thứ 4 trong số 10 tàu mẫu được Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) triển khai tại 2 tỉnh Nam Định và Quảng Ngãi. Những chiếc tàu mẫu này được đóng bằng 70% vốn của SBIC (giá trị của toàn bộ vỏ tàu), 30% còn lại là trang thiết bị, ngư lưới cụ do ngư dân bỏ vốn.
Bình luận 0

Hiện đại, chắc chắn

Sáng 2.7 tại Nha Trang (Khánh Hòa), chiếc tàu mẫu vỏ thép nghề lưới vây của SBIC mang tên Sang Fish 01 đã được bàn giao cho ngư dân Phan Bé (ở xã Phổ Trạch, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ngư dân được sử dụng tàu với hình thức thuê – mua và hoàn trả vốn gốc cho SBIC trong 6 năm. Đây là chiếc tàu vỏ thép được đóng bằng công nghệ hiện đại, cá được bảo quản trong 6 khoang lạnh bằng xốp – gỗ bọc composite, thời gian giữ đá lên tới 45 ngày đêm.

Tàu được trang bị đầy đủ radar, máy định vị GPS, máy thu phát sóng radio, la bàn từ, máy dò cá trong phạm vi 3.000m với góc quét 45 độ… Dầu mỡ, nhiên liệu dự trữ bảo đảm cho tàu hoạt động liên tục 2.000 hải lý, 18 người thủy thủ đoàn đi biển trong 30 ngày…

Ông Ngô Tùng Lâm – Phó Tổng giám đốc SBIC cho biết: “Đây là tàu mẫu thứ 4 trong số 10 tàu mẫu được SBIC triển khai tại Nam Định và Quảng Ngãi. Ba chiếc tàu mẫu đầu tiên đưa vào khai thác đã bước đầu khẳng định được tính ưu việt về độ an toàn, tốc độ lớn, khả năng di chuyển, đi biển dài ngày, phạm vi đánh bắt xa bờ, độ bảo quản sản phẩm tốt”.

Song song lễ bàn giao này, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đã làm lễ cắt thép, đóng mới 2 tàu cá vỏ thép nữa cho ngư dân Quảng Ngãi, được đặt hàng bởi Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi. Ông Nguyễn Xuân Huế – Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi cũng cho biết: “Quỹ sẽ hỗ trợ chủ 2 chiếc tàu này bằng cách cho vay toàn bộ vốn để đóng 2 tàu trị giá 14 tỷ đồng với lãi suất 0%, trong thời hạn 10 năm”.

Ông Phan Bé, chủ tàu Sang Fish 01 cho biết, qua thời gian tham khảo, học hỏi cách vận hành, bảo dưỡng các loại tàu sắt thì tàu sắt lợi hơn tàu gỗ 25 – 30% nhiên liệu, an toàn hơn khi có va chạm, sóng to gió lớn trên biển… Bên cạnh đó, có chiếc tàu vỏ sắt ra biển, ngư dân cảm thấy tự tin hơn khi ngăn cản, xua đuổi các tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Tổ quốc.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Ông Lê Văn Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết: Một chiếc tàu vỏ thép tương tự được bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn (huyện Bình Sơn, quảng Ngãi) đã đi được một chuyến biển đầu tiên nhưng hòa vốn do không bắt được luồng cá. Qua phản ảnh của ông Văn, thiết kế cabin quá cao nên ăn gió, gây chao lắc mạnh khi ra khơi, ông đề nghị hạ độ cao cabin xuống.


    Phải có 30.000 tàu  vỏ thép đánh bắt xa bờ


Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, đội tàu cá xa bờ của ta mới chỉ có trên 25.000 chiếc từ 90 mã lực trở lên (tàu có khả năng đánh bắt xa bờ từ 50 hải lý trở lại). Loại tàu 400 mã lực trở lên có 4.000 chiếc (hoạt động được ngoài 50 hải lý) nhưng trang thiết bị quá đơn giản, không hành trình được dài ngày để đi biển xa, hiệu quả đánh bắt chưa cao.

Theo ông Tám, toàn bộ trên 25.000 tàu cá 90 mã lực này cần được nâng cấp từ tàu gỗ lên thành tàu vỏ thép và phải có công suất lớn, có thể đi biển xa hơn, dài ngày hơn. Thêm vào đó, cần đóng thêm nhiều tàu vỏ thép cỡ lớn để đến năm 2020 chúng ta phải có đội tàu xa bờ lên tới 30.000 chiếc.

Còn ngư dân Lê Văn Hi (65 tuổi, TP. Nha Trang, Khánh Hòa), 50 năm trong nghề, sau khi tham quan cả hai con tàu Hoàng Anh 01 và Sang fish 01 chia sẻ: “Cái cabin quá cao này thì ngư dân chỉ có cách bò trên tàu khi gió khoảng cấp 5-6. Ngoài ra, diện tích cabin quá lớn như tàu du lịch, mở cửa cabin là mạn tàu không đủ một người đi qua, trong khi mạn tàu là nơi ngư dân sản xuất. Bố trí lan can, các loại cửa thông gió trên tàu quá rườm rà, sắc cạnh, không hợp lý nên không an toàn, gây va, đụng vào đầu người khi sản xuất".

Trả lời NTNN về những băn khoăn của ngư dân, ông Lê Văn Lâm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, đơn vị thi công cho biết: Ngư dân cho rằng ca bin hơi cao và hơi to nhưng thiết kế này phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quy phạm công ước quốc tế. Tuy nhiên nhà máy sẽ xem xét điều chỉnh để làm sao phù hợp với sản xuất của ngư dân…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem