Bán khăn lụa Việt "made in China", Khaisilk có dấu hiệu lừa đảo (?)

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 26/10/2017 18:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, các luật sư cho rằng, việc bán khăn lụa của Khaisilk có xuất xứ từ Trung Quốc (Made in China) có thể có dấu hiệu của việc buôn bán hàng giả, gian dối khách hàng, vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bình luận 0

img

Bán khăn lụa Việt nhưng lại có tem made in China, Khaisilk có dấu hiệu vi phạm pháp luật. (Trong ảnh, Đoàn liên ngành đã tới kiểm tra cửa hàng của Khaisilk tại Hà Nội ngay chiều nay, 26.10). (Ảnh: IT)

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, việc Khaisilk có dấu hiệu lừa dối khách hàng để trục lợi có thể vi phạm pháp luật khi kinh doanh hàng giả, tức là vi phạm các quy định của Luật tố tụng hình sự.

Theo ông Truyền, những người tiêu dùng có thể gửi đơn lên các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung (Bộ Công Thương), Ban Chỉ đạo 389 để đề nghị được bảo vệ quyền lợi. Trong trường hợp các đơn vị này không giải quyết được thì người tiêu dùng cũng có thể gửi đơn ra tòa và nhờ luật sư tư vấn.

“Chỉ cần kiểm tra ngay sản phẩm của doanh nghiệp vừa mua khăn phát hiện ra có tem mác made in China, đồng thời kiểm tra lại toàn bộ sổ sách, giấy tờ kinh doanh, nguồn gốc nhập hàng của Khaisilk trong các năm trước là có thể làm rõ được có vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm xuất xứ hàng hóa hay không”, Luật sư Truyền nói.

Cùng chung nhận định trên, luật Sư Hoàng Ngọc – Văn Phòng Luật sư Nhiệt tâm và Cộng sự phân tích: Chỉ với tem ghi xuất xứ made in China trên sản phẩm của mình thì Khaisilk có thể bị quy vào hành vi buôn bán hàng giả hoặc vi phạm chỉ dẫn xuất xứ. Bởi thực tế, Khaisilk cũng hoàn toàn có quyền đặt hàng ở bên Trung Quốc và ghi là made in China.

Luật sư Ngọc cũng cho rằng, điều quan trọng là Khaisilk từ trước đến giờ khi làm thương hiệu đều nói rằng sản phẩm của mình là của người Việt và có xuất xứ từ Việt Nam. Khi phát hiện ra sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc thì đó cũng chưa phải tội buôn bán hàng giả mà có thể là hành vi lừa đảo, gian dối khách hàng. 

Cũng theo Luật sư Ngọc, nếu trong trường hợp trên 1 sản phẩm có gắn 2 nhãn mác xuất xứ thì chắc chắn sản phẩm đã ghi sai nguồn gốc hàng hóa.

img

Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất cửa hàng của Khaisilk chiều 26.10, bước đầu thu giữ 55 mẫu sản phẩm. (Ảnh: IT)

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý. Đề nghị Cục khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28.10.2017.

Theo Bộ Công Thương, trong mấy ngày vừa qua, các phương tiện truyền thông, báo chí đã đưa tin và đề cập đến vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “KHAISILK – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”.  

Chiều 26.10, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ Công Thương, công an đã tới kiểm tra, làm việc tại cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk tại 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau khi có thông tin về việc Khaisilk bán sản phẩm của tập đoàn này nhưng lại có nhãn "Made in China"

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai đóng cửa. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat...

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, thành viên đoàn kiểm tra, cho biết sơ bộ dấu hiệu ban đầu cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại. Tại cửa hàng, lực lượng chức năng thu giữ 52 mẫu hàng hóa với tổng trị giá trên 30 triệu đồng.

Cũng theo ông Trần Hùng, sự việc của Khaisilk đã gây chấn động mạnh trong dư luận và ngay cả bản thân ông cũng thấy bất ngờ bởi rất nhiều người đã và đang tin tưởng thương hiệu Khaisilk. Khăn lụa Khaisilk thường được dùng làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh.

"Vụ việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của bạn bè quốc tế với những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam. Việc mất uy tín của thương hiệu chỉ là một phần nhưng tổn thất lớn nhất chính là đánh mất niềm tin của số đông người tiêu dùng Việt”, ông Trần Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem