Với quy mô thị trường hơn 96 triệu dân, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam luôn được coi là một miếng bánh cực kì màu mỡ cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Khi nói đến những cái tên đầu ngành thống lĩnh thị trường nhu yếu phẩm tại Việt Nam thì không thể không nhắc đến Masan Consumer với nước chấm/gia vị và đồ uống không cồn, Vinamilk với sữa hay Sabeco với bia…
Doanh thu và lợi nhuận của các ông lớn này hàng năm luôn đạt mức tương ứng hàng chục ngàn và ngàn tỷ đồng. Kết quả này không chỉ bởi họ có một lượng khách hàng khổng lồ với nhu cầu ngày càng cao mà còn bởi các mặt hàng như nước mắm, sữa hay bia luôn đem lại mức tỷ suất lợi nhuận rất cao, vượt trội hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh doanh khác.
Nước mắm là một trong những sản phẩm "làm mưa làm gió" trên thị trường nhu yếu phẩm Việt Nam.
Mỗi năm, Masan Consumer, Vinamilk hay Sabeco…đều có tỷ suất lãi gộp trên doanh thu trên 25%. Tức mỗi 100 đồng doanh thu bán sản phẩm thì các công ty này đạt được trên 25 đồng lãi gộp. Phần lãi gộp này khi trừ đi các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý thì sẽ ra lãi ròng thực tế của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm vừa công bố của Masan Consumer, công ty này đạt doanh thu 7.337 tỷ đồng, lãi ròng 1.539 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với cùng kì năm trước. Doanh thu riêng mảng gia vị của Masan Consumer đạt 3.133 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 1.619 tỷ đồng. Tức tỷ suất lợi nhuận gộp mảng gia vị của công ty này đạt tới 51,7% hay 100 đồng doanh thu bán ra thì Masan Consumer đạt được 51,7 đồng lãi gộp. Tỷ suất này trong năm 2017 của Masan Consumer cũng đạt 53%.
Mảng nước chấm/gia vị của Masan có 2 dòng sản phẩm chính rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam là nước mắm và nước tương với các nhãn hiệu như Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử. Báo cáo thường niên năm 2017 của Masan dẫn nguồn Niesel cho biết thị phần nước mắm của công ty này chiếm tới 66%, tương ớt chiếm 71% và nước tương chiếm 67% thị trường Việt Nam.
Tỷ suất lợi nhuận gộp các sản phẩm của một số “ông lớn” ngành tiêu dùng mặc dù cao nhưng cũng giảm dần qua các năm.
Các doanh nghiệp kinh doanh sữa điển hình như Vinamilk cũng có tỷ suất lợi nhuận gộp rất cao. 6 tháng đầu năm 2018, tỷ suất lợi nhuận của Vinamilk đạt 47,2%, còn trong cả năm 2017 là 47,5%.
Một số doanh nghiệp thực phẩm đồ uống khác như Sabeco cũng đạt được tỷ suất lợi nhuận khá cao. Sản phẩm bia của Sabeco đạt tỷ suất lợi nhuận 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2018, còn cả năm 2017 là 26%. Còn Habeco thì con số này là 26,2% trong 2017 và 24,9% trong nửa đầu 2018.
Như vậy, có thể thấy, Masan bán nước chấm/gia vị có tỷ lệ lãi gộp cao hơn nhiều so với Vinamilk bán sữa hay Sabeco, Habeco bán bia.
Doanh thu và lợi nhuận của ngành bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán nửa đầu 2018 ghi nhận những cái tên đột...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.