dd/mm/yyyy

Bánh đúc quê trong ký ức tuổi thơ

“Quê hương ta bánh đa bánh đúc, nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt. Nơi tuổi thơ lạc vào giấc mơ…”. Bánh đúc – Món ăn bình dân, mộc mạc, mang hơi thở của hương đồng gió nội, là món quà quê thân thương, ký ức của tuổi thơ xưa xa lắc lơ.

Thủa hàn vi ấy, dẫu nhà khó khăn thiếu thốn trăm bề, hay khi lúa gạo đủ đầy trên sân thì bánh đúc luôn là món ăn “đặc sản” của những đứa trẻ.  Bởi có khi miếng bánh đúc này được gói ghém trong tàu lá chuối, trở thành món quà cho những đứa trẻ đang mong mẹ đầu ngõ; có khi bánh đúc được ủ kỹ bên mâm cơm của bà ngày mưa, chờ những đứa cháu đi học về; …

Bánh đúc chấm tương bần - Món ăn dân dã, mộc mạc mang hơi thở của đồng quê thân thương. (Ảnh: Hạ Nguyên)
Bánh đúc chấm tương bần - Món ăn dân dã, mộc mạc mang hơi thở của đồng quê thân thương. (Ảnh: Hạ Nguyên)

Cách làm bánh đúc ở quê ngày ấy rất giản đơn, thô mộc, nhưng là hiện thân của tình làng, nghĩa xóm, trọn vẹn bên lũy tre của làng quê. Gạo ngâm độ nửa buổi rồi đem vo thật sạch mới cho vào cối xay ra thành bột; rồi bắc bột lên bếp, khuấy mạnh tay, liên tục để chín đều mà không bị cháy khét. Bột bánh đúc thường được trộn với nước vôi tôi để tạo độ giòn và dai.

Khi nồi bột quấy xong, để nguội rồi đổ dàn ra mẹt lót sẵn lá chuối, sau đó rắc lạc rang đã bỏ vỏ lên khau bột để làm nhân. Chỉ một lúc sau, bánh cứng lại và chuyển sang màu trắng đục, dùng miếng tre già vót cắt ra từng miếng rồi chấm với tương bần.

Mỗi miền quê thì cách làm bánh đúc khác nhau ít nhiều, có nơi kèm nước lá dứa trộn lẫn bột để tạo màu xanh mát mắc, thêm nước đường trắng để bánh có độ ngọt dịu. Có nơi nước chấm là gia vị tỏi ớt, mắm cái, đường, bột ngọt và đậu phộng thay cho tương bần.

Ngày nay, bánh đúc đã được cải biên khi nhân bánh được cho thêm tôm tép, thịt băm để hợp khẩu vị với người phố thị. Nhưng những người quê, những đứa trẻ sinh ra từ làng vẫn ưa chuộng món bánh đúc dân dã nhân lạc chấm với mắm cái, tương bần. 

Cuộc sống đổi thay từng ngày, những món ăn ngon sạch lạ xuất hiện nhiều hơn, nhưng từ phiên chợ quê cho đến phố thị vẫn chưa bao giờ thiếu vắng quầy bánh đúc của người quê dân dã.

 Có những đôi quang gánh trên vai người dân quê đi qua vài thập kỷ, đến với từng con ngõ, góc phố. Mỗi lần cất lên tiếng rao “Ai bánh đúc đây…bánh đúc đây”  thì  những đứa con xa quê lại bồi hồi đầy vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê… Có những quán nhỏ dưới tán bàng già nằm lọt thỏm một góc chợ mà những đứa trẻ đã ngồi ăn từ thủa bé xíu, cho đến khi xuôi ngược đầu hai thứ tóc mỗi lần về quê vẫn phải dừng chân ghé lại. Họ thưởng thức đĩa bánh đúc quê nhà, để được sống lại những kỷ niệm tuổi thơ.

Thủa hàn vi khốn khó, lũ con trẻ chỉ được ăn bánh đúc no nên vào ngày mùa bội thu, khi thóc gạo đầy bồ. Còn những năm hạn hán mất mùa, vụ giáp hạt thì bánh đúc là thứ xa xỉ, là niềm ước ao của con trẻ.

Giờ đây bánh đúc quê không còn là miếng đói miếng no, và thật may vẫn không bị rơi vào quên lãng, vẫn tồn tại trong ẩm thực của cả người ở làng quê và thành phố. Bởi món ăn dân dã này đã là một phần của ký ức tuổi thơ, là món quà quê nhắc nhớ mỗi người con nhớ làng, nhớ quê hương.

Nguyên Hạ