Mới qua rằm tháng 5 âm lịch nhưng chị Nguyễn Thị Yến tại Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết nhu cầu về các loại bánh trung thu handmade đã trở nên rất sôi động trên các chợ chung cư, hội nhóm, diễn đàn online.
Công đoạn nhào bột và chia nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định chất lượng của bánh trung thu
Tự nhận là một người có tài lẻ chế biến các món ăn, làm các loại bánh, nên 5 năm nay cứ mỗi dịp gần đến rằm tháng 8 âm lịch chị lại làm bánh trung thu để bán. Theo chị Yến, năm nay nhu cầu về các loại bánh trung thu của người dân đến sớm khi nhiều người đã đặt bánh để về cúng rằm và mùng 1 trong tháng 5. Theo đó, trong các dịp như mùng 1/5, 5/5 và 15/5 (âm lịch) vừa qua chị nhận được hàng chục đơn hàng, mỗi đơn từ 4 đến 8 cái các loại bánh trung thu từ những khách quen đã từng mua bánh nhà chị những năm trước.
Bà mẹ một con này cho biết, để trả bánh đúng hẹn với người đặt, chị thường gom đơn từ trước đó vài ngày bởi bánh nướng và bánh dẻo toàn là bánh tươi, không có chất bảo quản. Nếu có dư cũng chỉ vài cặp bánh để phòng phát sinh do khách đặt thêm. Chị thường làm bánh với các vị như đậu xanh, trà xanh, bánh nhân thập cẩm xá xíu, trứng muối.
Công đoạn làm vỏ bánh cần phải tỉ mỉ để khi bánh nướng lên không bị nứt
Theo chị Yến, dù bánh trung thu hiện có nhiều thương hiệu nổi tiếng, được sản xất theo kiểu công nghiệp, mẫu mã đa dạng. Nhưng vẫn có rất nhiều người tìm đến các loại bánh trung thu handmade làm theo kiểu truyền thống. Giá mỗi chiếc bánh loại 150gr đang được chị bán là 40.000đ, bánh có trứng muối thì thêm 5.000 đồng/chiếc.
Cũng theo người phụ nữ này, để bánh trung thu ngon chuẩn một trong những khâu quan trọng nhất là chọn nguyên liệu. Điều này sẽ quyết định đến chất lượng của bánh, chẳng hạn như mỡ phải là mỡ khổ, lá chanh bánh tẻ, lạp sườn mai quế lộ. Bột làm bánh là bột mì loại 1, nhân sên phải nhuyễn,... do đó thời gian sên nhân trung bình khoảng 1 giờ đồng hồ (không tính thời gian nấu/hấp và xay). Công đoạn làm vỏ bánh cũng mất rất nhiều thời gian, yêu cầu người làm phải tỉ mỉ để sau này bánh không bị khô hay nứt sau khi nướng,...
Mỗi chiếc bánh dẻo đang được nhiều người rao bán từ 25.000đ đến 45.000đ
Chị Yến bật mí, mỗi mùa bánh trung thu chính vụ, chị bán được cả trăm bánh/ngày và phần lớn là khách quen đặt. Tuy nhiên, để làm được như vậy chị cũng phải huy động cả chồng hỗ trợ. Thậm chí có năm chị phải dừng nhận đơn hàng từ trước tết Trung thu vài ngày bởi không có khả năng đáp ứng được nhu cầu của khách.
Theo người phụ nữ này ngày càng nhiều chị em công sở tìm đến các khóa học làm bánh trung thu để có thể tự làm bánh cho gia đình hay bạn bè, người thân trong dịp đặc biệt này. Do đó, việc dạy học cho các học viên trước thềm mỗi dịp Tết Trung thu cũng giúp chị, cũng như nhiều người dạy làm bánh trung thu handmade khác có thể thu được số tiền đáng kể để thêm vào nguồn thu nhập của gia đình.
Chị Vân Anh, chủ một cơ sở làm bánh tại Xuân Đỉnh (Hà Nội) cũng đã sớm rao bán các loại bánh trung thu ngay từ những ngày cuối tháng 4/2020. Chị cho biết giá bánh thập cẩm của gia đình mình là 35.000đ/chiếc, nướng dẻo nhân đậu xanh là 25.000đ/chiếc, bánh nướng đậu xanh trứng muối là 30.000đ/chiếc.
Thành quả bánh nướng sau khi ra lò của chị Yến
Do làm bánh với quy mô lớn ngoài bán lẻ còn bán buôn cho các đầu mối khác nên mỗi ngày gia đình chị có thể cung cấp ra thị trường cả trăm đến hàng nghìn cái bánh trung thu các loại. Tiểu thương này cũng tiết lộ, dù các loại nhân bánh trung thu hiện rất đa dạng nhưng nhân bánh thập cẩm vẫn bán chạy nhất vì được nhiều người ưa chuộng. Một phần là do nhân bánh thập cẩm mang tính cổ truyền, một phần loại nhân này có hương thơm đặc trưng của hạt bí, mứt bí, lá chanh, ngầy ngậy của mỡ.
Nhiều người đặt bánh trung thu về thưởng trà ngắm trăng ngay giữa mùa hè
Ngoài ra, tiểu thương này cũng cho biết bánh trung thu ngày xưa ngọt hơn nhiều nhưng giờ khách có xu hướng sợ đường do các căn bệnh liên quan đến đường huyết nên phải chú ý điều chỉnh bánh có độ ngọt nhất định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.