"Báo động" doanh nghiệp rời khỏi thị trường: Chuyên gia nói thẳng về cơ hội "thanh lọc"

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 09/02/2025 11:00 AM (GMT+7)
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng mạnh trong tháng 1/2025 một phần do yếu tố mùa vụ, nhưng đồng thời cũng phản ánh quá trình thanh lọc của thị trường trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt.
Bình luận 0

Số doanh nghiệp đang hoạt động thực thấp hơn số đăng ký, "báo động" số doanh nghiệp rời khỏi thị trường

Thông tin với Dân Việt, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2025 (tính đến ngày 31/01/2025), Sở đã cấp GCN ĐKDN cho 1.866 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 13.741 tỷ đồng (giảm 31% về số lượng doanh nghiệp và giảm 54% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

Trong thời gian này có 501 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể, tăng 2% so với cùng kỳ; 12.685 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 441 doanh nghiệp, giảm 5% so với cùng kỳ.

Một điểm đáng chú ý, tính đến thời điểm báo cáo, tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là 402.547 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chỉ là 212.251 doanh nghiệp, chiếm khoảng 52,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là gần 94,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 81,5 nghìn lao động, tăng 6,6% về số doanh nghiệp, giảm 2,4% về vốn đăng ký và giảm 14,8% về số lao động so với tháng 12/2024.

So với cùng kỳ năm trước, giảm 30,3% về số doanh nghiệp, giảm 39,3% về số vốn đăng ký và giảm 22,3% về số lao động.

Cũng trong tháng 1/2025, có hơn 52,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gấp hơn 12,6 lần tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2024; gần 3,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và có 2.021 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

img

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2025. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cơ hội thanh lọc doanh nghiệp yếu kém

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng, không nên đánh giá một cách vội vàng trước hiện tượng số doanh nghiệp rời thị trường tăng cao. Cùng đó, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng có thể bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Theo đó, những nguyên nhân có tác động mạnh nhất đến sự tồn vong của doanh nghiệp có thể nhắc đến như khó khăn tài chính bắt nguồn khâu quản lý dẫn đến thua lỗ và không thể tiếp tục hoạt động.

Nguyên nhân thứ hai là việc doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do không thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường, dẫn đến mất thị phần và phá sản.

Cùng đó, thách thức khách quan như sự phát triển của công nghệ có thể khiến một số ngành nghề, và doanh nghiệp trở nên lỗi thời, không còn phù hợp. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách của nhà nước cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt là vấn đề thiên tai, dịch bệnh cùng một số yếu tố bất khả kháng diễn ra trong thời gian qua khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

img

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Dù vậy, ông Lê Trung Hiếu cho rằng không nên quá bi quan, bởi cũng có thể coi đây là hình thức "cải tổ thị trường". Qua đó, doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải tái cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Đôi khi, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động có thể giúp "làm sạch" thị trường, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém, không hiệu quả, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh hơn phát triển. Trong một số trường hợp, việc doanh nghiệp ngừng hoạt động có thể là một phần của quá trình tái cơ cấu kinh tế, giúp chuyển dịch nguồn lực sang các ngành công nghiệp mới, tiềm năng hơn. Nếu việc doanh nghiệp ngừng hoạt động bắt nguồn từ lý do không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác. Họ buộc phải tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động để tồn tại và phát triển", ông Hiếu nói.

img

Biểu số liệu doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể theo ngành nghề.

Cũng theo nhận định của Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm trong khi số doanh nghiệp rút lui tăng cao là do tháng 1/2025 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Do đó, tình trạng nêu trên có tính mùa vụ, bởi nhiều doanh nghiệp không lựa chọn đăng ký thành lập vào thời điểm đầu năm tài chính và trước Tết Nguyên đán do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thời điểm này để tạm ngừng hoạt động và tiến hành sắp xếp, tổ chức lại hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác.

Theo quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản do tính cạnh tranh, sự đào thải, thanh lọc tất yếu trong thị trường. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam có nền kinh tế mở, nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt.

"Tình trạng rút lui này cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của các doanh nghiệp trong việc nhanh chóng thay đổi mô hình hoạt động để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển những ý tưởng kinh doanh mới chất lượng hơn, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển của thị trường", Tổng cục Thống kê đánh giá.

Trong tháng 1/2025, có gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp gần 2,6 lần tháng trước và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 01/2025 lên hơn 33,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại Hà Nội, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 2.726 doanh nghiệp, tăng 8% so với cùng kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem