Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19?

Diệu Linh Thứ năm, ngày 17/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Bộ Y tế đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất vắc xin Covid-19. Mục tiêu là 75% dân số được tiêm vắc xin (khoảng 150 triệu liều). Người dân đang khá sốt ruột mong muốn đến lượt tiêm vắc xin để cùng nhau đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bình luận 0

Phụ thuộc vào tiến độ vắc xin Covid-19 về Việt Nam

Chia sẻ về chiến dịch này, ngày 17/6, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 được thực hiện kết hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.

"Hiện Việt Nam có trên 14.000 điểm tiêm chủng bao gồm các điểm tiêm chủng mở rộng tại gần 12.000 xã, phường và khoảng 2.000 điểm tiêm chủng dịch vụ. Có thể thiết lập thêm các điểm tiêm chủng khác tại các cơ sở điều trị như thời gian qua đã làm", PGS Phu cho biết.

Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19? - Ảnh 1.

Lô vắc xin Covid-19 do Nhật Bản trao tặng "đặt chân" đến Việt Nam tối 16/6. Ảnh BYT

PGS Phu nhận định, Việt Nam sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này một cách thuận lợi vì chúng ta đã từng triển khai những chiến dịch tiêm chủng rất lớn. Gần đây nhất là chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella cho 23 triệu trẻ em.

Về các loại vắc xin Covid-19 được tiêm trong chiến dịch này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia chia sẻ, vắc xin Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng.

"Trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với tất cả các bộ, các ngành đã phối hợp tăng cường đàm phán với tất cả các hãng vắc xin, các quốc gia có sản xuất vắc xin, trao đổi với các hãng và những nhà cung ứng để có thể mua vắc xin, nhập vắc xin, tiếp nhận viện trợ về vắc xin.

Phấn đấu đến mục tiêu là có 150 triệu liều vắc xin Covid-19 theo nghị quyết 21/NQ-CP.

Với những nỗ lực như vậy, hy vọng trong thời gian sớm nhất Việt Nam sẽ có đủ vắc xin để tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng.

PGS Dương Thị Hồng

Về công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng, theo PGS Hồng, Bộ Y tế đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này. Tới đây sẽ tổ chức tiêm chủng theo hệ thống tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới quy mô xã / phường.

Hiện nay, theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 16/6, cả nước mới thực hiện được gần 1,8 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 (trong đó có hơn 72.200 người hoàn thành đủ 2 mũi tiêm), còn rất xa so với mục tiêu 150 triệu mũi tiêm.

Về tiến độ bao phủ vắc xin, hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, PGS Phu cho biết: "Chúng ta cố gắng tiêm nhanh và tiêm nhiều để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng còn phục thuộc vào vắc xin mà chúng ta có (nguồn nhập khẩu hoặc sản xuất).

Theo tôi, có thể từ giờ đến cuối năm chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải duy trì chiến lược: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông điệp 5K + Vắc xin".

Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19? - Ảnh 3.

Hiện tại vắc xin Covid-19 mới ưu tiên tiêm cho người tuyến đầu chống dịch. Tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh BVCC

Việt Nam đang có những loại vắc xin Covid-19 nào?

Để đạt miễn dịch cộng đồng (75% dân số được tiêm vắc xin), Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công được 120 triệu liều từ các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế COVAX. 

Bao gồm: 5 triệu liều vắc xin của Moderna; 20 triệu liều vắc xin Sputnik của Nga; 31 triệu liều vắc xin Pfizer/ BioNTech; 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca (Anh sản xuất) do Việt Nam mua và 38,9 triệu liều vắc xin AstraZeneca (do Covax tài trợ miễn phí).

Tính đến ngày 13/6, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vắc xin Covid-19, gồm AZD1222 (do AstraZeneca, Anh, sản xuất), Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, sản xuất), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc, sản xuất) và Comirnaty (Pfizer và BioNTech, Đức, điều chế). Nếu các loại vắc xin này được chuyển về Việt Nam là có thể tổ chức tiêm chủng mở rộng cho người dân.

Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19? - Ảnh 4.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân khu công nghiệp các vùng có dịch. Tiêm vắc xin cho công nhân ở Bắc Ninh. Ảnh BYT

Tối 16/6, Việt Nam cũng đón nhận gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 do Nhật Bản trao tặng. Đây là cũng là vắc xin AstraZenaca (hiện có tên là VAXZEVRIA), dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Số vắc xin này được chuyển cho TP HCM để tăng cường chống dịch tại điểm nóng này.

Cũng trong ngày 16/6, Bộ Y tế đã đàm phán mua vắc xin Covid-19 của Cuba sản xuất. Vắc xin Covid-19 Abdala của Cuba đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các kết quả thử nghiệm giai đoạn này cho thấy vắc xin Abdala có khả năng ngăn chặn các loại biến thể của virus SARS-CoV-2. 

Năng lực sản xuất vắc xin Abdala, khoảng 100 triệu liều/năm và Cuba chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước. Phía Cuba bày tỏ sẵn sàng  ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vắc xin Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin này. 

Nếu Việt Nam có nhu cầu về vắc xin lớn hơn số vắc xin hiện Cuba đang sản xuất, thì Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá: "Về khả năng mua vắc xin Covid-19 của Cuba, trên cơ sở trao đổi và khả năng và nhu cầu, Bộ Y tế sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để quyết định số lượng cần mua".

Vắc xin Covid-19 về chậm

Dù đã đàm phán thành công hơn 120 triệu liều vắc xin, tuy nhiên, vắc xin về Việt Nam vẫn khá chậm. Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam mới nhận gần 3 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó nhận 2 lô gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều từ Cơ chế COVAX vào ngày 16/5, đều là vắc xin của AstraZeneca) và 400.000 liều do Công ty VNVC đã đặt mua trực tiếp (chưa kể 1 triệu liều vắc xin do Nhật Bản về tối 16/6).

Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19? - Ảnh 5.

Vắc xin Covid-19 mới về Việt Nam gần 3 triệu liều, đều là vắc xin AstraZeneca. Bảo quản vắc xin Covid-19 tại kho lạnh của VNVC. Ảnh VNVC

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay để bao phủ tối thiểu 70-80% dân số, hình thành miễn dịch cộng đồng. Song đến nay mới có 4 lô vắc xin AstraZeneca về tới Việt Nam, với tổng số gần 3 triệu liều.

 "Thời gian và số lượng cụ thể cung ứng vắc xin Covid-19 về Việt Nam có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới vì họ cung ứng vắc xin cho cả thế giới", GS Đức Anh lý giải.

Về vắc xin Covid-19 sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, GS Đức Anh thông tin, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, chúng ta sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. 

Tiếp theo sang quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC. Ngoài ra, theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý 3 hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắc xin Covid-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4.

GS Đức Anh cũng nói thêm, vắc xin Covid-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm.

Bao giờ người dân được tiêm vắc xin Covid-19? - Ảnh 6.

Trước khi chờ vắc xin Covid-19, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch 5K. Ảnh BYT

"Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất", GS Đức Anh nói.

"Mong muốn của Việt Nam là phải tiêm được 60-70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, do lượng vắc xin chưa có nhiều nên trước mắt ưu tiên tiêm cho đối tượng tuyến đầu, đối tượng nguy cơ cao.

Thời gian tới khi có vắc xin về thêm, ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng. Khi đó, ngành y tế sẽ có hướng dẫn cách đăng ký tiêm theo các địa điểm tiêm phù hợp với địa bàn và thuận lợi nhất cho người đi tiêm, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin.

Trước khi đến lượt tiêm vắc xin người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch 5K của Bộ Y tế để chung tay đẩy lùi dịch bệnh".

PGS Trần Đắc Phu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem