Không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm
Vụ việc nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Phượng (lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh) bị bạn cùng lớp đánh dã man đang gây xôn xao dư luận. Xôn xao không hẳn vì chuyện một nhóm học sinh ứng xử với bạn học như dân côn đồ, xã hội đen mà còn xôn xao bởi có quá nhiều ý kiến xung quanh trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Ảnh minh họa
Sau vụ việc, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do thế hệ trẻ hiện đại chịu tác động quá lớn từ xã hội, phim ảnh bạo lực. Có ý kiến cho rằng lỗi lớn nhất là gia đình, thầy cô và đòi xử lý nghiêm những cá nhân này.
Thế nhưng, có lẽ, câu chuyện về việc ai sẽ chịu trách nhiệm không quan trọng bằng vấn đề: Người lớn hay các em nhận được gì sau bài học đau lòng này?
Các em phải làm sao để nói không với bạo lực, bảo vệ mình khỏi bạo lực. Còn gia đình, bố mẹ các em phải làm gì để bảo vệ giúp con mình không bạo lực bạn và cũng bảo vệ mình khỏi bạo lực?. Bảo vệ con thế nào để lúc sự việc xảy ra, cha mẹ không giật mình chia sẻ: "Tôi không thể tin được"?.
Hoang mang, lo sợ khi con bị đánh
Trái ngược với sự thờ ơ của nhiều gia đình có con bạo lực bạn, những gia đình có con bị bạo lực lại luôn sống trong sự hoang mang, lo sợ.
Chị Nguyễn Quỳnh Chiên (Từ Liêm, Hà Nội) hiện có con đang học lớp 8, tại một trường ở quận Từ Liêm. Từ nhỏ, con chị đã rất ngoan và học giỏi được bạn bè quý mến.
“Thằng bé từ nhỏ rất hiếu động, nên tôi chưa từng nghĩ con tôi có thể bị bạn bạo lực. Học kỳ 2 của năm lớp 7, cô giáo chủ nhiệm đã gọi tôi lên xin lỗi và thông báo sự việc vì có một nhóm học sinh trong lớp mâu thuẫn với con và đánh nhau. Kết quả thằng bé bị xô ngã, chật khớp tay, cơ thể tím tái.
Nghe vậy, tôi thương con đến ứa nước mắt, nhưng chuyện đã rồi. Dù đã được bố mẹ mấy học sinh cá biệt kia cùng nhà trường xin lỗi nhưng tôi quyết tìm hiểu rõ sự việc để bảo vệ con” – chị Chiên nhớ lại.
Những ngày sau đó, chị tìm hiểu qua bạn bè chơi thân với con về những câu chuyện diễn ra trên lớp. Chị biết con là đứa rất cừ, học giỏi, ngoan ngoãn nên hay bị nhóm bạn xấu trêu chọc, doạ nạt. Có lần vì con không cho bạn nhìn bài nên đã bị chúng "đánh hội đồng". Chị đã tìm hiểu về những học sinh cá biệt, về gia đình của các cháu. Chị thật sự bất ngờ khi bố mẹ các cháu không hề quan tâm nhiều tới việc học hành của con, họ còn cho rằng việc con trẻ đánh nhau là chuyện quá bình thường.
Chị Nguyễn Hương Liên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thì tỏ ra rất căng thẳng. Chị Liên cho biết ở nhà cháu Quang Anh – con trai đầu của chị rất ngoan và được cả nhà cưng chiều.
“Con tôi học lớp 3, cháu mập hơn các bạn trong lớp. Học lớp 3 nhưng cháu cao 1,3m và nặng 43 kg, chính vì vậy hay bị bạn bè trêu. Lúc đầu cháu tự ti, dần dần có tâm lý phản kháng rồi bị bạn đánh và đánh lại bạn” – chị Liên nói.
Chị Liên tâm sự, lúc đầu chị cũng cho là chuyện hiếu động của trẻ nhỏ, nhưng sau đó thấy con hay buồn không lo học hàn, đi học về lúc nào cũng mệt mỏi, thi thoảng lại có vết bầm trên người. “Những lúc như vậy vợ chồng tôi thấy rất lo lắng, có lỗi với con. Để xảy ra chuyện đó, gia đình là người có lỗi đầu tiên vì chính tôi đã không gần gũi, dạy con cách tự vệ và ứng xử cần thiết” – chị Liên ân hận.
“Con tôi bị các bạn bạo lực liên tục vì cháu ngoan, học giỏi nhưng lại không chịu làm theo lời của nhóm học sinh cá biệt. Vì bị bạn bè cô lập nên cháu chán nản, học chểnh mảng, rồi bị bạn xấu rủ rê chơi bời. Nếu không nhạy cảm, tinh tế chắc giờ này tôi đã mất con rồi” – tâm sự của phụ huynh Nguyễn Quỳnh Chiên (Từ Liêm, Hà Nội).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.