Báo Trung Quốc: Đừng mong các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc để "về nhà"
Báo Trung Quốc: Đừng mong các doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc để "về nhà"
Thứ tư, ngày 29/07/2020 15:14 PM (GMT+7)
Tờ báo Bưu điện Hoa Nam (Trung Quốc) hôm nay có bài bình luận về việc Mỹ tìm cách đưa các công ty rời Trung Quốc để bảo vệ chuỗi cung ứng sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Trên thực tế, chính quyền Donald Trump phải đối diện với một sự thực: Hầu hết doanh nghiệp không trở về Mỹ.
Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ hiện đang gây áp lực buộc các công ty Mỹ giảm tối đa hoạt động sản xuất và nguồn cung tại Trung Quốc để tránh sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Đông Á này. Bộ Ngoại giao Mỹ thì tăng cường hợp tác với chính phủ Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong nỗ lực tái định hình chuỗi cung ứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn ký một sắc lệnh hồi tháng 5, yêu cầu Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất Mỹ trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng như vậy.
“Mục tiêu của tôi là sản xuất mọi thứ mà người Mỹ cần, sau đó mới là xuất khẩu ra thế giới”, ông Donald Trump tuyên bố trong một chuyến thăm nhà máy ở Pennsylvania.
Không riêng Tổng thống Donald Trump, các nhà lập pháp Quốc hội Mỹ cũng đang thúc đẩy một số dự luật đẩy mạnh sản xuất và khôi phục các ngành công nghiệp ở Mỹ, từ việc sản xuất đất hiếm đến các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế, chip bán dẫn… Các dự luật này nhấn mạnh vấn đề trợ cấp, giảm thuế doanh nghiệp, thậm chí nhắm mục tiêu hạn chế đầu tư hoặc cấm các công ty Trung Quốc trên thị trường tài chính.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham còn thẳng thắn tuyên bố trước Quốc hội một nhận thức đầy “đau đớn” rằng Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia như Trung Quốc.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế và chính trị không phải lúc nào cũng song hành. Các doanh nghiệp muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc (hoặc Châu Á) sang Mỹ nhiều khả năng phải đối mặt với nhiều bất lợi trong cơ sở hạ tầng và mạng lưới nhà cung cấp cũng như lực lượng lao động.
Ví dụ, Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple, hồi năm 2016 đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất màn hình trị giá 10 tỷ USD tại Wisconsin, một dự án mà Tổng thống Donald Trump ví là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”, sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người Mỹ. Nhưng hơn 3 năm sau đó, cho đến giờ, trung tâm nghiên cứu đổi mới của Foxconn tại Mỹ gần như tê liệt. Không có hàng tỷ USD đầu tư, càng không có hàng ngàn việc làm như ông Trump kỳ vọng.
Hồi tháng 5/2020, TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đài Loan tiếp tục công bố kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona. Nhưng các nhà quan sát tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính kinh tế của dự án này cùng các khoản đầu tư khổng lồ trong bối cảnh TSMC gần như mất đi đối tác quan trọng là Huawei sau Bộ Quy tắc hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
“Anh có thể yêu cầu tôi chuyển dây chuyền sản xuất, tôi sẽ đồng ý chuyển chuỗi cung ứng vào ngày mai. Nhưng sau đó, khi nhìn lại, có chắc nó sẽ thành hiện thực?”, nhận định của ông Rafael Salmi, chủ tịch Richardson RFPD, một công ty kỹ thuật & công nghệ có trụ sở tại Geneva, Illinois.
David Collins, giám đốc điều hành Manufacturing Transformation Group (Thâm Quyến, Trung Quốc), đơn vị chuyên tư vấn cho các công ty sản xuất tại thị trường tỷ dân cho hay đại đa số các doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc do hàng loạt áp lực từ chính trị, thuế quan, sự gia tăng chi phí sản xuất, nguy cơ trộm cắp tài sản trí tuệ… Nhưng phần lớn trong đó dự kiến chuyển chuỗi cung ứng sang các thị trường như Mexico, Việt Nam thay vì về Mỹ.
Renaud Anjoran, giám đốc điều hành Sofeast có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc cũng tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển sang thị trường Việt Nam thay vì về Mỹ để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Sẽ mất từ hai đến ba thập kỷ để định hướng và hoàn tất dòng chuyển dịch như vậy, theo chuyên gia tư vấn Rafael Salmi. “Ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt, sẽ cần ít nhất 10 năm để các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng các trung tâm sản xuất khác ở Mexico, Costa Rica, Việt Nam, Malaysia…”, ông Salmi cho hay.
Clive Greenwood, một chuyên gia tư vấn tại công ty cố vấn sản xuất Moscioni & Greenwood dự báo khoảng 20-25% các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo; nhưng lưu ý rằng các công ty sẽ phải đối diện với một lỗ hổng trong hậu cần và nhiều yếu tố khác khi tái định cư tại các thị trường tiềm năng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.