Bất chấp đại dịch, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ ĐNA tăng mạnh

13/09/2021 16:12 GMT+7
Hai quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Đông Nam Á đang có kế hoạch tăng gấp đôi khoản đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ của khu vực do kỳ vọng ở tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Khi hàng loạt công ty khởi nghiệp thế hệ đầu của Đông Nam Á chuẩn bị cho các đợt IPO, các nhà đầu tư mạo hiểm đã sẵn sàng rót vốn vào thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp theo thông qua các quỹ mới.

Jungle Ventures, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lâu đời nhất Đông Nam Á vừa xác nhận với Nikkei Asian Review rằng đã huy động được 225 triệu USD cho quỹ đầu tư mạo hiểm thứ tư sau lần huy động 240 triệu USD cho quỹ thứ ba trước đó. Ông Amit Anand, đối tác sáng lập của quỹ này cho biết các nhà đầu tư đứng sau lần gây quỹ vừa qua bao gồm Temasek Holdings của Singapore và  Tập đoàn Tài chính Quốc tế trực thuộc Ngân hàng Thế giới World Bank cũng như một số công ty gia đình có tiếng trong khu vực.Theo ông Anand, Jungle có kế hoạch huy động tổng cộng 350 triệu USD cho quỹ thứ tư, qua đó rót tiền vào khoảng 15-20 công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu có tốc độ tăng trưởng cao.

500 Startups Southeast Asian, một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng khác cũng cam kết “tiếp tục tăng cường đầu tư và mở rộng hoạt động trên khắp Đông Nam Á”. Ông Vishal Harnal, đối tác quản lý tại 500 Startups Southeast Asian cho hay công ty tập trung vào thị trường Indonesia, Malaysia và Singapore, đồng thời xem xét mở rộng sang Việt Nam và Philippines.

Bất chấp đại dịch, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực công nghệ ĐNA tăng mạnh - Ảnh 1.

Các công ty đầu tư mạo hiểm 500 Startups và Jungle Ventures nhìn thấy một tương lai tươi sáng ở Đông Nam Á (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Theo một báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Co., quy mô nền kinh tế internet của Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc từ mức 32 tỷ USD vào năm 2015 lên 105 tỷ USD vào năm 2020. Đây cũng là nơi khai sinh ra nhiều kỳ lân công nghệ lớn và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong 5 năm tiếp theo. Ông Anand, đối tác sáng lập của Jungle Ventures tin rằng vào năm 2025, định giá của các công ty công nghệ Đông Nam Á đã niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ đạt tổng cộng 1 nghìn tỷ USD

Dân số trẻ và tích cực sử dụng internet tại Đông Nam Á từ lâu đã tạo ra một luồng gió mới cho lĩnh vực công nghệ của khu vực. Vào năm 2020, khu vực này có 40 triệu người dùng Internet mới, tăng mạnh so với 100 triệu người dùng mới trong giai đoạn 2015-2019. 70% trong số 583 triệu dân tại sáu quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia đã sử dụng internet. Thêm vào đó, kế hoạch IPO của hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á gần đây đã đưa khu vực này lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư toàn cầu.

Gã khổng lồ công nghệ Sea của Singapore, được biết đến với thương hiệu thương mại điện tử Shopee, đã trở thành công ty tiên phong trong việc niêm yết cổ phiếu ra công chúng thông qua thương vụ IPO tại Mỹ vào năm 2017. Giá cổ phiếu hiện tại của Sea hiện cao hơn 22 lần so với mức giá ở thời điểm IPO là 15 USD/cp. Tính đến chiều 13/9 (giờ Việt Nam), cổ phiếu Sea giao dịch ở mức 325,5 USD/cp trên sàn New York. Đợt IPO của nền tảng thương mại điện tử Indonesia Bukalapak vào tháng 8 là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Hay Grab, siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore đang thảo luận về thương vụ sáp nhập với một SPAC để IPO tại Mỹ. Thương vụ có giá trị ước tính khoảng 40 tỷ USD. Công ty Fintech FinAccel cũng sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC với một thỏa thuận trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Nhà sáng lập Harnal tại 500 Startups Southeast Asian nhận định: “Có rất nhiều động lực để rót vốn vào hệ sinh thái… Những gì chúng tôi đã làm trong bảy năm qua chỉ là bước khởi đầu, và chúng tôi rất hào hứng với việc tiếp tục tăng gấp đôi hoạt động tại Đông Nam Á”.

Làn sóng đầu tư vào ngành khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á tiếp tục tăng nhiệt ngay cả khi đại dịch Covid-19 càn quét khu vực này. Cả hai quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle và 500 Startups Southeast Asian đều cho rằng đại dịch là yếu tố thúc đẩy quá trình số hóa các nền kinh tế khi ngày càng nhiều người dân sử dụng các ứng dụng dịch vụ internet trong cuộc sống hàng ngày.


NTTD
Cùng chuyên mục