Bất chấp rủi ro thuế Tối thiểu toàn cầu, vốn ngoại vẫn đổ gần 9 tỷ USD vào Việt Nam

24/04/2023 19:29 GMT+7
Theo Bộ KH&ĐT, 4 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 8,88 tỷ USD, giải ngân hơn 5,85 tỷ USD. Số vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn giữ ổn định, bất chấp bối cảnh nhiều nước đang lên phương án thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.

Tính lũy kế đến hết ngày 20/4/2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt 445,9 tỷ USD, gấp khoảng 1,1 lần GDP của Việt Nam. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Như vậy, bất chấp lo ngại bị các nước sở hữu các tập đoàn xuyên quốc gia, các nhà đầu tư lớn nhưu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đánh thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu/ năm tương đương 750 triệu Euro (tương đương 800 triệu USD), làn sóng đầu tư của các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam vẫn không suy giảm.

Bất chấp rủi ro thuế Tối thiểu toàn cầu, vốn ngoại vẫn đổ gần 9 tỷ USD vào Việt Nam - Ảnh 1.

Gần 9 tỷ USD đầu tư vốn FDI cam kết vào Việt Nam trong 3 tháng qua (ảnh minh hoạ)

Về vốn đầu tư mới, hiện có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ).

Có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,7% so với 03 tháng và tăng 16,5% so với 02 tháng đầu năm.

Vốn góp mua cổ phần, mua phần vốn góp có 1.044 giao dịch của nhà ĐTNN (tăng 1,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 17% so với cùng kỳ. 

Hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. 

Kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 972 triệu USD (giảm 65,5%) và gần 372 triệu USD (giảm 44,3%).

Về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 29,9%) và điều chỉnh vốn (chiếm 56,7%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 40,8%).

Theo Bộ KH&ĐT, hiện có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 04 tháng đầu 2023, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 24,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 29,5% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 22,1% tổng vốn đầu tư, gấp 2,63 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư, giảm 30% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc,..

Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và GVMCP (chiếm 28,2%).

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Giang xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 11,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…

Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN giảm so với cùng kỳ song đã có cải thiện so với các tháng đầu năm 2023, giảm 1,2% so với cùng kỳ, tăng 1 điểm phần trăm so với 3 tháng và tăng 3,7 điểm phần trăm so với 02 tháng năm 2023.

An Linh
Cùng chuyên mục