Bật mí 5 nữ danh tướng nổi tiếng nhất lịch sử thế giới

Chủ nhật, ngày 12/03/2017 19:00 PM (GMT+7)
Jeanne d'Arc của Pháp hay Triệu Thị Trinh của Việt Nam đều là những nữ tướng nổi danh với thành tích cầm quân không thua kém gì nam giới.
Bình luận 0

 img

Nữ tướng Jeanne d'Arc trên lưng ngựa. Ảnh: Wikipedia.

Có nhiều tấm gương nữ giới cầm quân đánh bại đối phương áp đảo cả về số lượng và uy lực. Mỗi người trong số đó đều để lại dấu ấn riêng trong lịch sử quân sự thế giới, theo Mentalfloss.

Jeanne d'Arc

Jeanne d'Arc sinh ngày 06/01/1412, là nữ anh hùng người Pháp trong Chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh.  Không chỉ là nữ chiến binh huyền thoại, Jeanne d'Arc còn là một vị thánh của Công giáo La Mã.

Cô tìm đến quân đội của vua Pháp Charles VII khi chỉ mới 17 tuổi và đề nghị giúp đỡ họ trong nỗ lực đánh đuổi quân Anh trong giai đoạn cuối của Chiến tranh trăm năm. Dù liên tục bị cánh đàn ông mỉa mai, khả năng cầm quân của Jeanne d'Arc đã được công nhận sau khi chỉ huy binh sĩ chấm dứt cuộc vây hãm Orleans của quân Anh trong 9 ngày.

Dù chỉ là một thiếu nữ, Jeanne d'Arc đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ huy quân đội Pháp. Điểm mạnh của cô là sử dụng chiến lược thông minh thay vì giết chóc bừa bãi. Quân Pháp dựa vào Jeanne d'Arc để giành chiến thắng. Nhưng chính những người Burgundy, lực lượng Pháp thân Anh, lại khiến cô thiệt mạng.

Jeanne d'Arc bị bắt vào năm 1430. Bất chấp nhiều nỗ lực bỏ trốn và giải cứu, cô bị đưa ra xét xử tại tòa án ở Anh vì tội dị giáo. Jeanne d'Arc bị kết án tử hình bằng cách thiêu sống.

Sau này, những chiến thuật của Jeanne d'Arc đã tạo ảnh hưởng lớn đến chiến thuật tác chiến của quân đội Pháp. Hơn 25 năm sau khi bà qua đời, nhà thờ Công giáo xét lại bản án về tội dị giáo và bác bỏ cáo buộc chống lại bà. Tới năm 1920, Giáo hoàng Benedict XV mới phong thánh cho Jeanne d'Arc.

Triệu Thị Trinh

Dù được mô tả như Jeanne d'Arc người Việt, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) sống và chiến đấu trước nữ tướng người Pháp đến hơn 1.200 năm. Triệu Thị Trinh sinh năm 226 tại miền núi Quân Yên, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Khi mới 20 tuổi, Bà Triệu đã thành lập đội quân 1.000 tráng sĩ để khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Đông Ngô.

Ban đầu, anh trai Triệu Quốc Đạt của bà không tán thành với cuộc khởi nghĩa. Nhưng trước phản ứng mãnh liệt của bà, Triệu Quốc Đạt cũng chấp nhận đứng lên đánh đuổi quân Đông Ngô.

Bà Triệu tạo ra hình tượng một nữ tướng dũng mãnh trên chiến trường. Khi ra trận, bà luôn mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Phong trào khởi nghĩa lan nhanh, đánh đuổi quân Đông Ngô khỏi nhiều vùng trên đất nước.

Tuy nhiên, vua Ngô đã điều 8.000 quân sang để đàn áp đội quân Bà Triệu. Sau nhiều tháng giao tranh, do chênh lệch về lực lượng, căn cứ nghĩa quân bị thất thủ, Bà Triệu tuẫn tiết ở tuổi 23.

Mặc dù có kết thúc bi thảm, câu chuyện về bà vẫn sống mãi. Giới sử gia phương Tây gọi Bà Triệu là người phụ nữ đáng kinh ngạc, có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, cả trong hiện tại và tương lai. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của bà là: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người".

Tomoe Gozen

Tomoe Gozen là một trong số ít nữ samurai (onna-bugeisha) trong lịch sử Nhật Bản. Người ta chỉ biết tên thật của bà là Tomoe, trong khi "Gozen" là danh hiệu do đại tướng quân Minamoto Yoshinaka phong tặng.

img

Tomoe Gozen trong một trận đánh. Ảnh: Mentalfloss.

Bà đã chiến đấu cùng các samurai nam trong Cuộc chiến Genpei, diễn ra từ năm 1180 đến 1185. Việc phụ nữ chiến đấu cùng đàn ông là điều cực kỳ hiếm gặp, nhưng tướng quân Minamoto Yoshinaka tỏ ra rất tin tưởng vào kỹ năng chiến đấu của Tomoe Gozen.

Bà được miêu tả như "một cung thủ mạnh hiếm có, đồng thời là một kiếm sĩ mạnh bằng nghìn người, có thể sẵn sàng đối đầu với một con quỷ hay một vị thần". Tomoe Gozen cũng nổi tiếng vì sắc đẹp, sự quả cảm và được nhiều người kính trọng.

Sở  thích của bà là cưỡi ngựa lao xuống sườn những ngọn đồi dốc. Bà thường dẫn đầu quân lính trong trận chiến để giành chiến thắng. Trận đánh cuối cùng của bà diễn ra ở Awazu, nơi tướng quân Minamoto Yoshinaka bị giết. Tomoe Gozen trốn thoát khỏi vòng vây kẻ thù, nhưng cũng từ bỏ ý chí chiến đấu.

Kể từ đó, một số nguồn tin cho rằng bà đã kết hôn. Nhiều năm sau, khi chồng bà qua đời, người ta đồn rằng Tomoe Gozen đã trở thành tu sĩ.

Zenobia

img

Nữ hoàng Zenobia khi vừa lên ngôi. Ảnh: Mentalfloss.

Sau khi chồng và con riêng của chồng bị ám sát năm 267, Zenobia trở thành người trị vì đế chế Palmyrene, ngày nay là đất nước Syria. Trong vòng hai năm sau khi lên ngôi, bà đã chỉ huy cuộc chiến chống La Mã, mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, xâm chiếm Ai Cập và Anatolia. Dù giữ cương vị chỉ huy, bà đã thể hiện sự gắn bó với quân lính bằng việc hành quân bộ nhiều cây số cùng họ.

Zenobia tiếp tục chiếm giữ các tuyến giao thương, trước khi người La Mã vây hãm Emesa, nơi bà cất giấu kho báu. Bà và con trai Vaballathus thoát khỏi cuộc bao vây nhưng bị bắt ngay sau đó trên sông Euphrates. Họ trở thành con tin, nhưng Vaballathus đã biến mất trên đường bị giải đến Rome. Nhiều khả năng anh ta đã chết trên hành trình này.

Triều đại Zenobia rất hùng mạnh nhưng không kéo dài được lâu. Người La Mã đã ăn mừng ở Rome vào năm 274 sau khi đánh bại được đội quân của Zenobia. Bà bị trói bởi dây xích bằng vàng và dẫn qua các con phố ở Rome trong cuộc diễu hành chiến thắng. Từ đó, không ai biết rõ về số phận bà.

Một vài sử gia cho rằng Zenobia đã chết ở Rome vì bệnh tật, tuyệt thực hay bị chặt đầu. Nhưng các ý kiến tích cực khẳng định hoàng đế La Mã Aurelian nể phục sự chính trực và duyên dáng của bà nên đã tha tội, trả tự do cho Zenobia. Sau đó, bà kết hôn với một chính trị gia La Mã và trở thành một triết gia.

Artemisia I

Artemisia là nữ hoàng Halicarnassus, một quốc gia tồn tại từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Bà được biết đến với vai trò chỉ huy quân sự và đồng minh của Xerxes, vua Ba Tư, trong cuộc xâm lược các thành phố Hy Lạp.

Artemisia ghi dấu vào lịch sử trong trận chiến với Salamis, nơi đội quân do bà lãnh đạo đã giành chiến thắng. Sử gia Herodotus viết về trận chiến trên biển, mô tả Artemisia là người phụ nữ vô cùng thông minh và quyết đoán với các chiến thuật của mình.

Khi phát hiện một tàu Hy Lạp tiến tới nhằm đè nát tàu của mình, Artemisia đã cố tình tấn công một tàu Ba Tư, khiến những người Hy Lạp tin rằng bà là một trong số họ. Kế hoạch đó thành công, những người Hy Lạp đã bỏ qua bà, trong khi tàu Ba Tư bị đánh chìm. Vua Xerxes nhìn thấy vụ va chạm, tin rằng Artemisia đã đánh chìm chiến hạm kẻ thù chứ không phải một trong những chiếc thuyền của mình.

Các câu chuyện cho rằng cái chết của Artemisia không diễn ra trong một trận đánh, mà lại là cái chết vì tình yêu. Bà yêu một người đến mức điên cuồng và lựa chọn nhảy từ một vách đá ở Leucas, Hy Lạp, nơi được cho là có thể làm tan vỡ tình yêu. Cú rơi khiến Artemisia gãy cổ và bà được chôn cất gần đó.

Hạ Vy (VnEpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem