Sáng 26.12, Lễ hội làng nghề truyền thống làng bún Phú Đô (Hà Nội) đã diễn ra với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Bún Phú Đô nổi tiếng khắp Hà thành bởi độ thơm, ngon, dẻo. Đặc biệt, bún ở đây có thể để trong thời gian từ 5-7 ngày mà không bị chua hay ôi thiu như bún nơi khác. Đó là nhờ những “bí kíp” sản xuất riêng mà chỉ có người dân ở Phú Đô mới có được.
Tại ngày hội, quy trình sản xuất bún cổ truyền đã được chính người dân trong làng biểu diễn để phục vụ người xem. Với những dụng cụ rất thô sơ, qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, từng sợi bún trắng tinh, thơm, giòn ra đời.
Theo những người làm bún, gạo để làm bún phải là thứ gạo tẻ dẻo cơm (gạo mùa). Mùa hè thì ngâm gạo già nửa buổi còn mùa đông phải ngâm non một ngày.
Gạo ngâm xong, đem đãi sạch bằng nước rồi cho vào cối xay nhuyễn.
Đổ nước bột qua một màng lọc bằng vải sẽ được thứ bột gạo dẻo mịn.
Sau khi lọc hết cặn, dùng tay để nhào bột cho thật mịn.
Tiếp tục giã bột cho thật nhuyễn giúp sợi bún được dai hơn.
Bột được đưa lên bếp than đun cho đến khi sôi.
Khi bột chín, người thợ dùng khuôn bún dạng ống dài, phía đầu khuôn có một miếng kim loại đục các lỗ tròn để ép bột. Dùng tay vắt mạnh bột cho chảy thành dòng qua khuôn xuống nồi nước đang sôi réo.
Những sợi bún theo đà xoáy tròn ấy mà chảy không dứt cho đến khi hết cả mẻ bột mà không đứt gãy. Sợi bún đưuọc ngâm trong nồi luộc vài ba phút rồi vớt ra, tráng qua nước lọc cho khỏi bết dính.
Người làm bún dùng tay vắt thành con bún, lá bún hoặc bún rối tùy theo yêu cầu của người ăn và phù hợp với các món ăn truyền thống.
Sợi bún Phú Đô tròn, mềm, trắng trong chứ không trắng đục. Khi ăn, sợi bún mát mát, ngậy chứ không dai, không chua, không nát như bún khác.
Bún được sử dụng rất nhiều trong các món ăn như: bún ngan, bún đậu, bún bò…
Những bát bún thơm ngon phục vụ người dân tới ngày hội làng bún Phú Đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.