Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây là những biệt thự có giá hàng chục tỷ đồng nhưng đang ở giai đoạn xây thô chưa hoàn thiện, được chủ nhiều nhóm thợ thuê luôn cho công nhân từ các địa phương về đây ăn, ở. Vậy là những công nhân này "sáng đi làm, tối về ngủ... biệt thự".
Khu vực "biệt thự công nhân" này có số lượng công nhân lên tới gần 100 người. Họ đến từ các tỉnh như Sơn La, Lào Cai... và kể cả các huyện ngoại thành Hà Nội.
Đan xen giữa các biệt thự sang trọng có giá hàng chục tỷ đồng là các “biệt thự công nhân” tạm bợ, không đảm bảo an toàn. Ảnh: HN.
17h, vừa nghỉ tay nhấp chén nước chè, ông Đào Văn Tám (53 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) vừa tranh thủ băng lại vết thương chỗ ngón tay cái bị máy cưa chém đứt hồi tháng trước.
Ông Tám bảo, hạn 53 không tránh trước, cái ngón tay này mà nối hết 30 triệu đồng, làm bao nhiêu cho đủ.
Quê ở Mỹ Đức, Hà Nội, vì mưu sinh nên ông Tám cùng hàng xóm nhận công trình rồi rong ruổi nay đây mai đó. Công trình nhóm thợ này nhận thường là các biệt thự lớn nên chỗ ở mỗi nơi khác nhau.
Ông Đào Văn Tám (53 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ về những ngày tháng ở biệt thự. Ảnh: HN.
"Cứ quanh khu vực Hà Nội, chúng tôi thường xuyên được ở biệt thự. Nói là biệt thự cũng đúng, tại nó có giá hàng chục tỷ đồng nhưng chưa được hoàn thiện thôi. Với lại ở trong này, chỉ cần chỗ nấu ăn, chỗ ngủ rồi gần nơi mình làm thì tiện lắm.
Còn về cái tay, dù còn hơi đau tí nhưng tôi vẫn phải gắng đi làm, thời buổi dịch dã không đi thì lấy cái gì mà ăn. Lúc đầu, tay còn đau nhưng sau dần cũng ổn rồi, nếu bê nặng quá thì anh em giúp đỡ, còn lại cầm gạch, trét hồ thì tôi làm thoải mái", ông Tám cười tươi và nói.
Ghi nhận của PV Dân Việt, quanh Khu đô thị thành phố Giao lưu có khoảng hơn 10 căn nhà bỏ không, trong đó có từ 3-5 đội công nhân sinh sống. Vì chỉ ở nhờ trong khoảng thời gian ngắn nên khu nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi cũng như vệ sinh được bố trí tạm bợ. Lối di chuyển giữa các tòa nhà rất nhỏ, người đi lại có thể rơi xuống dưới bất cứ lúc nào.
Lối di chuyển giữa các tòa nhà rất nhỏ, người đi lại có thể rơi xuống dưới bất cứ lúc nào. Ảnh: HN.
Chỉ cần 1 - 2 tấm phản lót tạm đã trở thành giường ngủ "hạng sang" của những công nhân nơi đây. Căn bếp cũng tềnh toàng, vài viên gạch, bếp ga đã có chỗ nấu nướng.
Một thợ khác, ông Đỗ Văn Thuần (55 tuổi, quê Mỹ Đức) cho biết, ở thế này chỉ cần có chỗ ăn, và chỗ ngả lưng là được.
"Mọi người ở đây ngày đi làm tối về thì mỗi người tự tìm một niềm vui khác, người thì tranh thủ gọi cho gia đình, người thì chắt bóp mua cái loa cầm tay, hát karaoke cho khuây khỏa.
Xung quanh đây còn ba bốn nhóm thợ khác từ Tây Bắc xuống, lâu lâu chúng tôi vẫn gọi nhau uống tí rượu, nói chuyện để hiểu nhau hơn", ông Thuần nói.
Mỗi ngày làm, thợ xây sẽ được trả 300.000 đồng, một tháng trừ những ngày phải nghỉ vì mưa gió, trung bình đạt 20-25 công, tính ra mỗi người dư ra được 7-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: HN.
Mới chỉ gia nhập đội và là người chuyên nấu nướng, cô Nguyễn Thị Vỹ kể cho chúng tôi về những ngày đầu sống tại "biệt thự".
"Lúc đầu thì sợ lắm, tại mới đi làm, được mọi người giới thiệu ở biệt thự to oạch. Nhưng ai ngờ lên mới thấy, nhà thì tường chưa xây xong, tối om om, chỗ ngủ thì mấy tấm phản, bếp không ra bếp, thiếu điện, thiếu nước. Tôi định bỏ về từ mấy ngày đầu, nhưng vì thương các chú đi làm về không ai nấu nướng nên ở lại, đến nay đã 4 tháng trôi qua, giờ thì quen hơn. Gọi về nhà tôi vẫn khoe cho đứa con gái bảo mẹ đang ở "biệt thự" mấy chục tỷ.
Bất ngờ nơi ở của công nhân tại Thủ đô là "biệt thự tiền tỷ". Clip: Vĩnh Hoàng.
Mỗi ngày làm, thợ xây sẽ được trả 300.000 đồng, một tháng trừ những ngày phải nghỉ vì mưa gió, trung bình đạt 20-25 công, tính ra mỗi người dư ra được 7-8 triệu đồng/tháng. Sau mỗi công trình, chủ thầu mới trả tiền một lần. Cho nên những người làm công ở đây cũng không sợ trộm cắp, phòng ngủ không cần cửa chắc chắn vì cũng không có tài sản gì có giá trị để cất.
Một số hình ảnh phóng viên Dân Việt ghi lại vào tháng 3/2022:
Lối đi lại giữa các phòng rất nhỏ, nhóm công nhân phải bám tường để di chuyển qua lại.
Chỉ cần 1-2 tấm phản lót tạm đã trở thành giường ngủ "hạng sang" của những công nhân nơi đây.
Mảnh bạt rách nát trở thành chiếc "rèm xịn" của nhóm công nhân nơi đây để che nắng, mưa, gió, rét.
Khoảng khắc thư giãn của công nhân, uống chén trà sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Bên ly trà, những câu chuyện về gia đình, xã hội được mọi người chia sẻ với nhau.
Khu vực buồng tắm được quây bạt, giàn phơi quần áo là giàn giáo.
Ông Đỗ Văn Thuần chuẩn bị bữa tối cho nhóm công nhân.
Thực đơn thay đổi liên tục, hôm nay nhóm công nhân ăn thịt vịt nấu măng.
Bữa cơm của 7 người trong đội công nhân chỉ đơn giản với vài món canh, mặn, nhưng họ đều thấy vui vẻ, ngon miệng.