"Bắt rễ sâu" tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp điện tử trì trệ vì virus Corona

10/02/2020 12:08 GMT+7
Tính đến sáng 10/2, đã có 40.554 ca nhiễm virus Corona và 910 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu. Trong đó tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm virus Corona lên đến 40.171 và số ca tử vong được báo cáo là 908.

Khi Trung Quốc - "trái tim ngành điện tử toàn cầu" lao đao

"Bắt rễ sâu" tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp điện tử trì trệ vì virus Corona - Ảnh 1.

Trung Quốc là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử toàn cầu

Đa số các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là các nhà máy sản xuất công nghiệp điện tử dự định sẽ mở cửa làm việc trở lại vào 10/2 hôm nay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài vì dịch virus Corona. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định hoạt động kiểm dịch và những biện pháp hạn chế khác nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch virus Corona có thể sẽ tiếp tục tạo thành lực cản cho hoạt động sản xuất thiết bị điện tử quý I/2020, ngay cả khi các nhà máy mở cửa trở lại.

Andre Neumann-Loreck, nhà sáng lập công ty tư vấn On-Tap Consulting chp hay các khách hàng của công ty này đang có nhu cầu tư vấn lớn về những biện pháp dự phòng và đối phó với trường hợp chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu bị gián đoạn vì dịch virus Corona tại Trung Quốc. Đáng lưu ý, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà xuất khẩu - nhập khẩu lớn bậc nhất thế giới. Riêng ở mảng điện tử, Trung Quốc sản xuất 70% smartphone và 55% màn hình toàn cầu. Đa số các ông lớn công nghệ điện tử ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...đặt nhà máy sản xuất và chuỗi phân phối rộng khắp thị trường Trung Quốc. 

Chỉ tính riêng tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ là thành phố Vũ Hán hiện nằm trong tâm chấn dịch virus Corona đã chiếm khoảng 5% sản lượng sản xuất chip nhớ flash trên toàn cầu, theo báo cáo của tập đoàn Susquehanna (Mỹ). Tỉnh Hồ Bắc cũng nắm giữ 1/3 sản lượng màn hình OLED smartphone, máy tính bảng và TV của toàn Trung Quốc.

“Hiện tại, hầu hết các công ty sản xuất và kinh doanh phần cứng, thiết bị điện tử đang ở trong tình trạng quan ngại dù họ nhập hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc hay hợp tác với các đối tác lắp ráp linh kiện phụ tùng Trung Quốc” - ông Andre Neumann-Loreck cho hay. 

Một ví dụ cụ thể là Facebook mới đây đã cảnh báo rằng họ quan ngại dịch virus Corona có thể ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất sản phẩm tai nghe thực tế ảo Oculus Quest. Còn Apple, gã khổng lồ công nghệ với phần lớn chuỗi dây chuyền sản xuất lắp ráp đặt tại Trung Quốc thì quan ngại việc sản xuất dòng iPhone giá rẻ dự kiến lên kệ vào cuối tháng 3/2020 nhiều khả năng chậm lại. Hay Tesla của ông trùm Elon Musk cũng dự báo trì hoãn giao các lô hàng xe điện Model 3 mới nhất từ 1-2 tuần do các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc ngừng hoạt động tạm thời tuần qua vì dịch virus Corona.

“Hiệu ứng virus Corona” và sự trì hoãn chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu

Việc các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thêm hơn một tuần trong nỗ lực kiểm soát dịch Corona của chính phủ Bắc Kinh đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng các sản phẩm điện tử nói riêng, Ông Sherina Kamal, nhà phân tích rủi ro tại Resillience 360 nhận định: “Hiệu ứng gợn đến từ Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại là hoàn toàn chưa từng có tiền lệ. Chúng ta chưa từng thấy bất kỳ điều gì tương tự như thế”. Ngay cả khi đại dịch SARS hoành hành và giết chết gần 800 người trên toàn cầu năm 2002-2003, chính phủ Trung Quốc cũng chưa bao giờ tiến hành các biện pháp “cách ly” hàng chục triệu người dân hay “đóng cửa” 24/31 tỉnh thành như thời điểm virus Corona bùng phát những ngày qua. Đó là phản ứng chưa từng thấy.

Jayashankar Swaminathan, giáo sư trường UNC Kenan-Flagler Business School nhận định: “Có rất nhiều công nhân đã đến thành phố làm ăn, rồi trở về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Trong tình huống bệnh dịch bùng phát hiện tại, họ nhiều khả năng sẽ cân nhắc việc có nên quay lại làm việc ngay lúc này hay không. Thiếu nhân lực có thể là một vấn đề lớn với các công ty Trung Quốc trong thời điểm hiện tại”.

Đáng quan ngại hơn, quá trình sản xuất thiết bị có thể được đảm bảo dù với tốc độ chậm hơn thông thường, nhưng sự chậm trễ trong khâu thiết kế và tạo mẫu sản phẩm có thể gây ra những trì hoãn nghiêm trọng, theo ông Jayashankar Swaminathan. “Đó là vì để sản xuất một số lượng lớn thiết bị điện tử, các công ty trước hết phải hoàn thành khâu thiết kế cấu trúc, hoặc các bản dựng. Đầu tiên là việc xây dựng một số sản phẩm thử nghiệm về kỹ thuật, qua đó kiểm tra, phát triển và khắc phục những tính năng cũng như thành phần chính. Sau đó là thử nghiệm thiết kế để đảm bảo thiết bị được sản xuất với số lượng lớn và chi phí sản xuất tối ưu nhất. Sau đó là khâu thử nghiệm sản xuất và cuối cùng mới là sản xuất hàng loạt, trước khi tung ra sản phẩm cuối cùng đến với công chúng. Quá trình thử nghiệm và thiết kế thường mất nhiều tháng và sự chậm trễ trong bản dựng có thể làm chậm toàn bộ quá trình.”

“Đó là chưa kể những bản dựng này đòi hỏi sự phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật từ một đội ngũ phát triển. Tại nhiều công ty, họ sử dụng các nhóm thiết kế là chuyên gia nước ngoài từ Mỹ, Nhật… đến Trung Quốc công tác. Nhưng trong thời điểm các quốc gia đang khuyến cáo hay cấm người dân đến Trung Quốc như hiện tại, những trì hoãn về thời gian là hoàn toàn dễ hiểu. Chẳng hạn, CEO Tim Cook hồi tháng trước đã khuyến cáo nhân viên Apple không đến Trung Quốc công tác trong lúc dịch virus Corona diễn biến phức tạp như hiện tại. Nhiều hãng sản xuất thiết bị điện tử cũng có những khuyến cáo tương tự” - ông Jayashankar Swaminathan nói thêm.

Apple thiệt hại lớn nhất?

"Bắt rễ sâu" tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp điện tử trì trệ vì virus Corona - Ảnh 3.

CEO Apple Tim Cook

Một số chuyên gia dự đoán rằng Apple sẽ là kẻ chịu tác động lớn nhất từ dịch virus Corona và những biện pháp kiểm dịch tại Trung Quốc. Đặc biệt là sự chậm trễ trong quá trình sản xuất iPhone, sản phẩm quan trọng bậc nhất của Apple mà gần như toàn bộ chuỗi sản xuất và lắp ráp đều nằm ở Trung Quốc.

“Điều gì sẽ xảy ra với những chiếc iPhone? Tôi dám cá về một sự trì hoãn thời gian ra mắt dòng iPhone tiếp theo” - ông Jayashankar Swaminathan nhận định.

Cùng chung quan điểm với giáo sư Jayashankar Swaminathan, nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF Securities cho hay: “Cuộc khảo sát mới nhất của chúng tôi cho thấy nguồn cung iPhone đang chịu tác động rõ rệt của dịch virus Corona. Chúng tôi đã hạ 10% dự báo sản lượng iPhone trong quý này.” Ông Ming-Chi Kuo cũng tiết lộ chưa để dự đoán sản lượng iPhone quý II do những biến động khó đoán của dịch virus Corona cũng như niềm tin tiêu dùng.

Tuần trước, Apple đã xác nhận các cửa hàng của hãng tại Trung Quốc sẽ không mở cửa vào ngày 10/2 hôm nay như thông báo trước đó do dịch virus Corona hiện vẫn chưa được kiểm soát. Còn Foxconn, một trong những đối tác lắp ráp iPhone chính của Apple thì không xác nhận các nhà máy của hãng sẽ sản xuất trở lại vào cùng ngày. “Lịch trình hoạt động các nhà máy sản xuất của chúng tôi tại Trung Quốc hoàn toàn tuân theo những khuyến nghị của chính quyền địa phương, và chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ khách hàng hối thúc việc tiếp tục sản xuất” - đại diện Foxconn cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục