Bệnh dại: Người dân vẫn thờ ơ, chủ quan

Diệu Linh Thứ tư, ngày 07/08/2019 05:57 AM (GMT+7)
Khi lên cơn dại, một bé (trú tại Cao Phong, Hòa Bình) đã ôm chân bác sĩ nức nở: “Bác ơi! Con không muốn chết đâu!”, khiến nhiều người chứng kiến quặn thắt đau đớn. Nhưng không có nỗ lực nào cứu được bé. Trong khi đó, những nỗi đau này có thể chấm dứt nhờ việc tiêm phòng cho đàn chó.
Bình luận 0

Đa số nạn nhân là trẻ em, thanh niên

Ngày 6/8, thảo luận trong hội nghị tăng cường các biên pháp liên ngành phòng chống bệnh dại tại các tỉnh trọng điểm miền Bắc, nhiều câu chuyện về bệnh nhân bị dại đã được chia sẻ gây xót xa cho các đại biểu.

Như tại Hòa Bình năm 2018 và đầu năm 2019 có 6 trường hợp bị bệnh dại thì có 4 ca đều là trẻ em. Khi lên cơn dại, các em đều vật vã, đau đớn, kinh sợ cho đến lúc tử vong. Có em nhỏ ở Cao Phong khi biết mình bị dại và sắp chết đã ôm chân bác sĩ khóc: “Bác ơi! Con không muốn chết đâu!”... Có bà mẹ ở Đà Bắc khi con chết lại nghĩ rằng con khát nước mà chết, vì trong quá trình lên cơn dại, cháu rất khát nước mà không thể uống được.

img

Người dân bị chó cắn đi tư vấn và tiêm phòng tại Trung tâm Y tế huyện Đại Từ (Thái Nguyên).  D.L

2 trường hợp trẻ nhỏ khác đã không nói với gia đình việc bị chó cắn, cho đến khi lên cơn dại thì vô phương cứu chữa.

Mới đây, tháng 4/1019, có  2 ca tử vong vì bệnh dại tại Hòa Bình là hai cha con. Người cha là anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn) lên cơn dại vào ngày 31/3 với các triệu chứng nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, tinh thần hoảng loạn. Theo bệnh nhân, trước đó 3 tháng, anh đã bị chó nhà cắn. Dù đã chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bác sĩ cũng bó tay. Đến ngày 4/2 thì anh Tuấn tử vong.

Ngoài anh Tuấn thì mẹ, vợ và 2 đứa con anh cũng bị chó cắn. Mọi người đã đi tiêm phòng sau khi anh Tuấn chết. Tuy nhiên, vào thời điểm tiêm phòng, cháu Bùi Văn Tùng bị sốt nên không tiêm. 2 tháng sau, ngày 3/4 cháu Tùng (7 tuổi) đã tử vong khi đang  chữa bệnh dại tại nhà thầy lang.  Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong năm 2018, số ca tử vong bệnh dại đã tăng cao 39% so với năm 2017, lên 104 ca (tăng 29 ca). Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước có 46 ca tử vong bệnh dại (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 4 ca). Điều đáng tiếc, đa số các ca bệnh dại đều là trẻ em. Trong số 46 ca bệnh dại năm 2019 có 15 ca là trẻ em dưới 15 tuổi, 3 ca từ 15-24 tuổi...

Một nguyên nhân khiến bệnh dại còn nhiều là do việc tiếp cận vaccine của người dân còn hạn chế. Vaccine phòng dại hiện nay đều nhập khẩu với chi phí trung bình 1,5-2 triệu đồng/người. Đây là số tiền khá cao nên nhiều người tiếc tiền không tiêm”.

Ông Ngũ Duy Nghĩa

Ông Ngũ Duy Nghĩa – Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) dự báo, với tình hình này, số ca tử vong vì bệnh dại năm 2019 cũng sẽ tương đương năm 2018.

Dù ngành y tế, ngành thú y đã nhiều năm tích cực tuyên truyền dự nguy hiểm của bệnh dại, rằng bệnh dại cứ mắc là chết..., tuy nhiên, người dân vẫn rất chủ quan với bệnh dại, với những niềm tin “khó lay chuyển” như: “Chó nhà cắn không nguy hiểm”, “chó đang khỏe mạnh không có bệnh” hay tin vào các bài thuốc nam, các thầy lang chữa bằng mẹo...

Theo điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong số các ca tử vong do bệnh dại thì đến 97% không đi tiêm phòng vaccine dại (1 trường hợp tử vong do không có vaccine dại tại điểm tiêm và bệnh nhân ngại không lên tuyến trên để tiêm). Có đến 70% trường hợp tử vong là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó còn khỏe; 11% dùng thuốc nam; 8% không hiểu biết; 6% trẻ nhỏ bị chó cắn và không nói với gia đình; 3% không có tiền tiêm vaccine; 1% không có vaccine và 1% do điểm tiêm xa.

Tỷ lệ đàn chó được tiêm quá thấp

Theo ông Ngũ Duy Nghĩa, hiện tổng số chó nuôi trên cả nước ước tính khoảng 8-10 triệu con. Chỉ có 3-5% số chó được nuôi nhốt, còn lại thả rông, không rọ mõm. Ngoài hàng trăm nghìn ca bị chó cắn mỗi năm, gần đây đã có rất nhiều trẻ em bị chó cắn nát mặt, nát người, gây thương tích cực kỳ nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều em nhỏ đã bị chó cắn tử vong. Tháng 4/2019, một bé trai 7 tuổi ở thị trấn Lương Băng (huyện Kim Động) bị đàn chó cắn chết. Gần đây nhất, ngày 10/7, một bé gái 22 tháng tuổi ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đang chơi ở cổng thì bị chó bécgiê hàng xóm cắn chết.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có tới hơn 526.000 con chó với hơn 381.000 hộ nuôi (2018). Năm 2017, toàn tỉnh có 6 ca tử vong vì bệnh dại, năm 2018 là 7 ca, 6 tháng năm 2019 là 6 ca. Các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine khi bị chó cắn. Đặc biệt, số người bị chó cắn đi tiêm phòng đã gia tăng rõ rệt. Nếu năm 2017 có 7.472 trường hợp tiêm thì năm 2018 có 10.367 ca tiêm và 5 tháng đầu năm 2019 gần 6.700 trường hợp.

Cũng tại Nghệ An, đáng lo là tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trên chó mèo rất thấp. Năm 2018 chỉ đạt 29%, năm 2019 đạt 25,1% (tính đến 25/6). “Địa bàn Nghệ An rộng, nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, tổng đàn chó lớn, đại đa số thả rông nên khó bắt để tiêm, khó xử lý khi phát hiện động vật bị dại. Ngoài ra, ý thức của người dân hạn chế nên không đưa chó mèo đi tiêm, khi bị chó mèo cắn cũng không đi tiêm phòng” – đại diện Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết.

Tiến sĩ, bác sĩ thú y Pawin Padungtod – Cố vấn kỹ thuật cao cấp  - Trung tâm Khẩn cấp kiểm soát bệnh dại động vật lây truyền qua biên giới (Tổ chưc FAO) nhận định, hiện nay tỷ lệ tiêm phòng ở đàn chó tại Việt Nam còn rất thấp, mới được hơn 50%. “Tỷ lệ này về mặt kỹ thuật không đạt bao phủ an toàn miễn dịch cho tổng đàn chó. Ít nhất Việt Nam cần đạt 70-80% mới đủ độ miễn dịch, từ đó hạn chế lây lan bệnh dại trong đàn chó và giảm thiểu nguy cơ lây sang người” – TS Pawin Padungtod chia sẻ.

Theo TS Pawin Padungtod, kinh nghiệm của Thái Lan, để việc tiêm phòng đàn chó hiệu quả, Thái Lan đã giao trực tiếp trách nhiệm cho chính quyền địa phương cấp huyện. Họ phải đảm bảo 2 nhiệm vụ là có đủ vaccine và quản lý chặt chẽ được đàn chó, xem có bao nhiêu con, bao nhiêu con được tiêm. Các địa phương đã coi đây là mục tiêu cạnh tranh, là thành tích phấn đấu. Luật của Thái Lan cũng có quy định bắt buộc chủ nuôi phải đưa chó đi tiêm phòng và xử phạt nghiêm khắc nếu phát hiện ra ai không thực hiện.

“Ở Việt Nam, đa phần chó chưa được tiêm phòng ở vùng nông thôn, vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Do đó, việc yêu cầu người dân đưa chó đi đến các điểm tiêm xa là rất khó thực hiện. Do đó, Việt Nam cần tổ chức các điểm tiêm gần với nơi ở của dân hoặc tổ chức các đội tiêm phòng đến tận nơi” – TS Pawin Padungtod khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem