Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình

Việt Sáng Thứ năm, ngày 26/05/2022 14:45 PM (GMT+7)
Do người thân vay tiền qua app nhưng không thể trả, nhiều người bị các app vay tiền nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần, bêu rếu trên mạng xã hội với những thông tin sai sự thật.
Bình luận 0

Chiêu trò cho vay và đòi nợ của các app vay tiền online

Cho vay online qua mạng từ các ứng dụng (app) nở rộ trong thời gian qua. Đáng nói, các ứng dụng này kết nối "mạng nhện" với nhau để "bẫy" người vay. Chưa trả xong nợ ở ứng dụng này lại xuất hiện ứng dụng khác mời vay tiền.

Nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần, liên tục bị khủng bố tinh thần, hành hung, đe dọa tính mạng.

Chưa dừng lại ở đó, gia đình, người thân và đồng nghiệp của nạn nhân bị gọi đích danh, dọa giết, bị bêu rếu trên mạng xã hội dù không liên quan đến việc vay tiền.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 1.

Chị L.T.A (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội) kể trong nhiều tháng gần đây chị luôn trong tâm trạng hoảng loạn khi liên tục bị đe dọa, đòi nợ.

Chưa hết bàng hoàng, chị L.T.A (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội) kể trong nhiều tháng gần đây chị luôn trong tâm trạng hoảng loạn khi liên tục bị đe dọa, đòi nợ.

Hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ kiểu "xã hội đen" kèm hình ảnh gia đình chị T.A được gửi đến nhiều bạn bè trên facebook. Quá sợ hãi, chị T.A phải thường xuyên tắt điện thoại, đổi sim, đóng facebook, zalo...

Chị T.A cho biết: "Nhà tôi có cậu em vay tiền qua app, ban đầu gia đình không biết, đến khi phát hiện thì số tiền đã quá nhiều, lên đến cả trăm triệu đồng.

Theo lời nó kể, ban đầu chỉ vay 5 triệu đồng qua app Monneyveo, trong thời hạn 7 ngày phải trả số tiền hơn 6,4 triệu đồng kể các khoản chi phí... nếu không trả, mỗi ngày phát sinh 10% tiền lãi.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 2.

Hàng dài các app em trai chị T.A vay.

Nạn nhân vay uy tín, sẽ được cho vay với số tiền lớn hơn từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng và lãi suất cứ thế mà nhân lên.

Nếu không trả được app này, sẽ có gợi ý nhiều app cho vay khác để trả app cũ, cứ thế một lúc nó vay hàng chục app như V đồng, Vay tiêu dùng, Wiki đồng...".

Vừa trò chuyện, chị T.A cho chúng tôi xem danh sách các app cho vay mà chị phải vay hết chỗ này, chỗ kia để trả nợ cho cậu em. Đồng thời, danh sách số điện thoại gọi điện, nhắn tin dài cũng không kém.

"Lúc đầu chỉ có một số điện thoại gọi, nhắn tin đòi trả nợ 20 triệu đồng, tôi đành trả cho xong. Nhưng sau đó lại có nhiều app khác với tin nhắn tương tự. Khi không biết xoay ở đâu vì lãi quá nhiều, tôi nhắn hết khả năng trả nợ thì lúc đó bị "khủng bố" tinh thần.

Không chỉ tôi, mà bố mẹ nay đã hơn 70 tuổi cũng bị chúng gọi điện dọa, đe nẹt, ông bà tâm lý yếu nên nhập viện liên tục.

Trước đây, một ngày phải có cả trăm cuộc điện thoại, chặn số này lại có số khác, khiến tôi phải vứt sim, tắt mạng xã hội", chị T.A cho biết.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 3.

Danh sách dài tin nhắn đòi nợ.

Bàng hoàng hơn, một ngày nọ, chị T.A phát hiện cả gia đình, bạn bè, người thân bị "lập bàn thờ" trên facebook. Hình ảnh này nhanh chóng tràn ngập trên facebook, thu hút hàng trăm bình luận khiến cuộc sống chị T.A đảo lộn.

"Chúng cắt ghép, bôi nhọ, "lập bàn thờ" cả thằng cháu mới 10 tuổi. Tôi quá sợ hãi, suy sụp và lo lắng”, chị T.A nói.

Trao đổi với phóng viên, anh L.L (em trai chị T.A) cho biết, khi làm thủ tục vay tiền, nhiều app bắt buộc người vay phải cho phép truy cập danh bạ điện thoại.

Vì vậy, phát sinh những tình huống người vay không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu app sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ.

"Ngẫm lại mới thấy mình bị rơi vào vòng xoáy vay nợ app hồi nào không hay. Từ những khoản vay nhỏ hình thành nên khoản lớn, lên đến hàng chục app theo gợi ý của nhóm nhân viên tư vấn trong trường hợp không có tiền để trả.

Khi tôi chưa kịp trả app này thì có app khác cho vay khoản lớn hơn. Đang lúc cần tiền trả nợ để tránh bị khủng bố, nên tôi đã rơi vào cái bẫy đã giăng sẵn và biến thành con mồi của app", anh L.L bộc bạch.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, anh T.V.P (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng lo lắng khi gia đình có người bị cắt ghép ảnh, gọi điện khủng bố.

"Họa tự nhiên rơi vào đầu, chúng tôi không hề vay mượn, nợ nần gì ai, thế nhưng hình ảnh của chúng tôi lại bị đưa đầy rẫy trên mạng xã hội", anh P nói.

Vay app "dễ như ăn kẹo"

Chỉ cần gõ tìm app vay tiền trên ứng dụng điện thoại, người vay có thể tìm thấy hàng chục app cho vay đủ thể loại trong đó có những app mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền nhanh chóng, giải ngân nhanh, vay tiền lấy liền, cho vay nhanh…

Lần theo dấu vết các địa chỉ cho vay online, phóng viên thực hiện một giao dịch vay trên app VĐồng. Chỉ cần nhập số điện thoại, một mã số được gửi về, phóng viên đã vào được trang này.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 4.

Chỉ cần nhập số điện thoại, một mã số được gửi về, phóng viên đã vào được trang VĐồng.

Ngay trên màn hình chính khi mở có thông tin "Chúng tôi đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn" và yêu cầu người dùng cho phép truy cập vị trí theo định vị với lời mời chào hấp dẫn: "Sau khi cho phép quyền này, tỉ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%".

Ngay sau đó, app này yêu cầu người vay cung cấp một loạt thông tin như tên tuổi, chứng minh nhân dân, số điện thoại người thân, nơi làm việc...

Cụ thể, app VĐồng có 5 bước thủ tục và yêu cầu người vay nhập thông tin cá nhân.

Để người vay yên tâm, tin tưởng,  app này cam kết không sử dụng những thông tin của người dùng cho mục đích khác.

Theo từng bước, chúng tôi nhập thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, số con, địa chỉ thường trú, địa chỉ số nhà, chứng minh nhân dân.

Tiếp theo là nhập thông tin tình trạng việc làm. Bước ba, nhập thông tin liên lạc chỉ được sử dụng để xác định mối quan hệ xã hội của người vay, gồm thông tin về anh em, bạn bè và người thân.

 Bước bốn, điền thông tin ngân hàng nhận khoản vay.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 5.

Phóng viên được app cho vay 8 triệu đồng, chia làm ba kỳ hạn để trả nợ.

Cuối cùng, chúng tôi phải chụp mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân và chụp hình ảnh của mình để gửi đi.

Và cuối cùng, để tiến hành vay thành công, xác nhận khuôn mặt trên app cho vay.

Kết quả app đưa ra hạn mức chúng tôi được vay là 8 triệu đồng.

Khi chúng tôi bấm nút đồng ý vay, app thông tin người vay sẽ chia khoản vay làm ba đợt, tổng phải thanh toán là gần 9 triệu đồng.

Toàn bộ các bước từ tải app đến khi được duyệt tiền chúng tôi chỉ mất 10 phút thao tác.

Theo thông tin từ người tư vấn của app VĐồng, nếu người vay không có khả năng trả nợ, hồ sơ sẽ được chuyển cho một bộ phận khác, đồng thời người vay cũng bị một khoản phạt do chậm trả nợ.

Triệt phá hàng loạt cơ sở của nhóm cho vay lãi nặng, ghép ảnh bôi xấu con nợ

Cụ thể, ngày 24/5, đồng loạt các mũi trinh sát đã triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức "tín dụng đen" ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.

Cơ quan điều tra đã bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở. Bước đầu xác định, đường dây này liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng người nước ngoài.

Về quá trình phá án, theo cơ quan công an, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện hiện tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức "tín dụng đen".

vay tiền 6.jpg

Cơ quan điều tra đã bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở.

Người cần vay tiền được mời chào chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 đến 30 triệu đồng mà không cần ký kết giấy tờ vay nợ hay gặp mặt.

Nếu người vay không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ "lãi mẹ đẻ lãi con" lên tới 1.570% - 2.190%/năm.

Với người vay không thanh toán được, nhóm đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ, thậm chí là toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà người vay cung cấp khi vay tiền.

Đáng chú ý hơn, nhóm này còn cắt ghép hình ảnh của người vay tiền, sau đó tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, danh dự của họ để thúc ép người vay tiền hoặc người nhà trả tiền.

Bị đe dọa, "lập bàn thờ" trên mạng với khoản nợ không phải của mình - Ảnh 7.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, hành vi của các đối tượng là manh động, táo tợn, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, hành vi của các đối tượng là manh động, táo tợn, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

"Những người cầm đầu đường dây này có thể bị xử lý về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015. Với mức lãi suất cao khủng khiếp như vậy, các đối tượng có thể phải chịu hình phạt cao nhất của điều luật".

Vị luật sư cho rằng, việc cắt ghép ảnh, tung lên mạng xã hội đe dọa để gây áp lực cho con nợ cũng như người thân, bạn bè của họ là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô đạo đức, xâm hại đến đời sống tinh thần của các bị hại.

Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần  tiếp tục phân loại, điều tra, làm rõ để đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật, góp phần răn đe chung, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Với hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống, các đối tượng đã có dấu hiệu cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, hành vi này đã có dấu hiệu cấu thành tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức không vay tiền của chúng thì (người thân con nợ) thì có dấu hiệu cấu thành tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015.

Từ phân tích trên, luật sư Bình cho biết, đây là một vụ việc chấn động và theo thông thông tin ban đầu, thấy các đối tượng đã có dấu hiệu vi phạm nhiều tội danh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem