Giả mạo sản phẩm, rao bán trên Facebook
Theo tìm hiểu của NTNN, bưởi hồ lô là loại trái cây được tạo hình độc đáo do ND ông Võ Trung Thành (ngụ ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nghiên cứu, tạo ra thành công vào năm 2011. Khi ra thị trường, loại bưởi chỉ bán trong dịp Tết Nguyên đán này rất hút hàng. Thậm chí có những ngày không đủ hàng để bán dù giá gấp 2-3 lần bưởi không tạo hình. Cũng từ đó, những năm tiếp theo, ông Thành tiếp tục tung ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm bưởi hồ lô, gây tiếng vang khắp cả nước.
Bưởi hồ lô nông sản “độc” bị nhều nơi sao chép kiểu dáng. HUỲNH XÂY
Để đảm bảo quyền lợi là người nghiên cứu, tạo ra bưởi hồ lô, ông Thành đã gửi thông tin đến Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” nhưng đơn vị này cho rằng sản phẩm này đã bán nhiều nơi trên thị trường và chỉ chấp thuận cho ông Thành đăng ký nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” (đã công bố vào tháng 4.2012).
Ông Thành cho biết: “Mặc dù mình đã có chứng nhận về nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” nhưng hiện nay, nhiều cá nhân, tập thể in khuôn, tạo hình giống “Bưởi hồ lô Thành Huy”, khiến tôi rất bức xúc. Nhiều cá nhân, tập thể còn thông tin trên các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, rao bán khuôn, bán sản phẩm bưởi. Có trang thì ghi rõ địa chỉ, có nơi không. Tôi đã làm đơn gửi thư đến tất cả những nơi trên và yêu cầu họ ngừng ngay việc giả mạo khuôn mẫu của tôi để trục lợi”.
Theo ông Thành, sở dĩ ông bức xúc việc người khác giả mạo khuôn tạo hình bưởi hồ lô là vì người dân sẽ bị lừa, chất lượng sản phẩm sẽ không đạt như “Bưởi hồ lô Thành Huy”. Trong năm 2014, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã xử lý 2 trường hợp làm giả nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy”.
Kiện ngược...
Ông Trần Thanh Liêm (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cũng nhiều năm học hỏi, tạo hình thành công dưa hấu vuông (năm 2008). Thế nhưng, chưa kịp đi đăng ký bảo hộ đã bị người khác nộp đơn thưa kiện. Ông Liêm nhớ lại: “Vài năm sau khi xuất bán ra thị trường sản phẩm dưa hấu vuông thì có người nộp đơn kiện tôi xâm phạm độc quyền kiểu dáng sản phẩm mà họ đã nghiên cứu, khiến sản phẩm tôi làm ra không bán được. Thực sự thì khi ấy tôi cũng chưa biết gì đến việc bảo hộ sản phẩm, là người nông dân ít kiến thức nên tôi không thể làm gì được, đành chấp nhận”.
Thay vì tạo ra sản phẩm trái cây tạo hình thì ông Phạm Văn Hiếu (khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) nghiên cứu thành công loại thuốc có thể giữ những cánh hoa mai không rụng (năm 1993) trong thời gian dài (từ 10 - 15 ngày thay vì 3-4 ngày như trước đây), đặc biệt hơn nữa là loại thuốc này vẫn giữ nguyên được sắc màu và làm cánh hoa to, bung đều rất đẹp mắt. Sản phẩm thuốc của ông Hiếu nhanh chóng được nhiều người biết đến, tìm đến tận nhà mua với giá cao.
Lợi dụng sự hiểu biết của dân còn hạn chế, một số cá nhân đã mua thuốc do ông Hiếu sáng chế rồi đem về TP.HCM, các tỉnh miền Đông để bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần và không cho người dân biết nguồn gốc thực sự của loại thuốc này.
Chia sẻ với NTNN, ông Hiếu nói: “Khoảng 6 năm trước tôi cũng tính đăng ký bản quyền nhưng thời gian này phí thu cao quá, tôi bán thuốc chưa lời nhiều. Với lại, thủ tục đăng ký cũng phức tạp lắm. Thấy vậy, tôi cũng nản mà bỏ luôn. Đây cũng là lý do vì sao hiện nay có nhiều người bán loại thuốc này, cũng có một số nơi họ nghiên cứu ra thành phần thuốc và tạo ra sản phẩm giống y như vậy bán ra thị trường”.
Ông Châu Minh Tiến – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đối với các sáng tạo của người dân, chúng tôi rất khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, khi có khó khăn, vướng mắc, đa số ND chưa có ý định tìm đến Hội ND. Muốn giúp đỡ những người nông dân này thì cần sự vào cuộc của nhiều ngành”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.