“Bị vây” ở thôn Bàn Mạch

Thứ hai, ngày 24/03/2014 11:02 AM (GMT+7)
Lên đê, bất ngờ một nhóm người mặt mũi bặm trợn với dao, kéo, dùi cui chặn xe, chửi tục, dọa giết...
Bình luận 0
Một bà lão đi đường nói nhỏ với lái xe: “Vào ngay nhà ông Lạc!”. 3 chúng tôi vào nhà ông Lạc. Lái xe ở lại coi xe và phải chứng kiến một trận đập phá xe. Chúng tôi đã bị bao vây...

Chuyện không ngờ

Vì lý do sức khỏe (tai biến mạch máu não 2 lần) nên đã 17 năm tôi chưa có dịp viết tin, bài nào. Nhân Báo NTNN chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ra số báo đầu tiên, tôi xin phép được góp nhặt một số ký ức không thể quên trong nghề làm báo của mình những năm 1986-1994 - khi tôi công tác tại cơ quan báo. Đó là chuyến công tác tại thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú (cũ).

Nhà báo Đào Hóa.
Nhà báo Đào Hóa.

Vụ việc diễn biến rất phức tạp. Sau đó, đã được đăng tải trên báo Nông Dân Việt Nam (tiền thân của Báo NTNN) số 17, ra ngày 5.9.1990 với nhan đề: “Chúng tôi bị vây hãm, đe dọa, hành hung như thế nào?”.

Và rất vinh dự cho tôi là bài báo đó đã được tác giả Đức Dũng biên soạn cùng với một số bài viết khác, ra một cuốn sách có tên “Ký báo chí” được Nhà xuất bản Thông tin ấn hành năm 1992 và được Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền), khoa Báo chí đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Vừa viết xong vụ cái chết của cháu Nguyễn Văn Thanh ở Hiền Lương, Sông Thao, lại đến vụ Đào Trọng Quyền ở Sơn Vi, Cao Mại, Vĩnh Phú… Tưởng xong, tôi về tòa soạn Báo Nông Dân Việt Nam ở 13 Thụy Khuê (Hà Nội) thì gặp quyền Tổng Biên tập Nguyễn Văn Phú với một ông khách lạ. Ông Phú mời tôi vào phòng làm việc... Và sau đó, tôi theo ông Phùng Văn Lạc - người vừa quen - đi bằng xe đạp, qua đò sông Hồng về thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú. Chiều ấy là 15.8.1990...

Xế chiều, tôi cùng anh Xuân - người dân thôn Bàn Mạch ra thăm đầm sen. Hồ rộng, sen vẫn nở, ngay bờ sông Hồng phía sau đê hiu hiu gió mát. Người đi, người về... im lặng.

Xẩm tối, tôi về nhà ông Lạc ăn cơm. Thôn Bàn Mạch như có bão? Đột nhiên, 1 giờ sáng, ông Phùng Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã cùng 4 người nữa ập vào nhà ông Lạc để kiểm tra thẻ nhà báo của tôi! Ông Tự quay sang tôi: “Tôi thu thẻ nhà báo của anh!”. Tôi hỏi vì sao? Ông Tự không nói, cho thẻ nhà báo của tôi vào túi áo. Ông Lạc vốn tính nóng nảy, đứng bật dậy, nét mặt hầm hầm...

Tôi vội kéo ông Lạc ngồi xuống, quay về phía ông Tự: “Anh là Trưởng Công an xã biết luật?! Anh thu thẻ nhà báo của tôi, mời anh lập biên bản, ký vào 2 bản - anh bản, tôi bản!”. Ông Tự nhìn tôi ngần ngừ... “Thế thì thôi!” và ông Tự móc túi áo, trả lại thẻ nhà báo rồi cùng 4 người thất thểu ra ngõ, không chào. Ông Lạc ôm lấy tôi cười tủm tỉm...

Tấm lòng của dân

Thôn Bàn Mạch có nghề dao kéo, nhà nhà làm dao, kéo, chính từ đó một số người nắm chính quyền tham ô nhiều lần số than (từ Quảng Ninh) chở về cho bếp lò làm dao, kéo của bà con xã viên hợp tác xã. Điều ấy buộc lòng ban kiểm tra nhân dân vào cuộc. Giấy tờ, hồ sơ... tham ô đầy đủ cả. Tưởng rằng, huyện, tỉnh biết rồi vì dân lành viết đơn tố cáo hàng đống. Nhưng không. Bặt vô âm tín. Đành lòng, người dân nhờ nhà báo.

Một anh bộ đội đặc công đã phục viên của thôn gọi tôi ra sân nói: “Tôi sẵn sàng đưa các anh ra khỏi vòng vây, vượt sông Hồng, sang Sơn Tây ngay trong đêm nay!”.

Tôi ôm lấy ông mãi mới nói nghẹn ngào: “Cảm ơn sự lo lắng, không ngại nguy hiểm của các anh! Nhưng chúng tôi đi làm việc công, vì công bằng. Anh - tôi đều là người lính!”...

8 giờ sáng, ông Lạc với tôi ăn lót dạ. Vừa lúc đó, 1 xe U-oát đỗ lại, xuống xe là Nguyên Bảng, Mạnh Việt - 2 nhà báo của Báo Tiền Phong, bạn thân của tôi và Đỗ Hà lái xe... nên chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng hỉ hả.

Chiều, bàn bạc với chính quyền ở trụ sở UBND xã xong, 3 chúng tôi lên xe xuôi về Hà Nội. Lên đê, bất ngờ một nhóm người mặt mũi bặm trợn với dao, với kéo, với dùi cui chặn xe, chửi tục, dọa giết Mạnh Việt!...

Một bà lão đi đường nói nhỏ với lái xe: “Vào ngay nhà ông Lạc!”. Đỗ Hà vòng xe... 3 chúng tôi vào nhà ông Lạc. Lái xe ở lại coi xe và chứng kiến một trận đập phá xe. Chúng tôi đã bị bao vây bởi nhóm người hung hăng. Cuộc đời làm báo, bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu đói no... nhưng tôi nhớ như in những con người làng quê Bàn Mạch! Quên ăn, quên ngủ để bảo vệ nhà báo!

Nhớ mãi... đêm khuya, một bà cụ ốm yếu, áo vá nhiều miếng, đem đến một thúng đầy bao tải, vừa khóc vừa lấy ra từ giữa đống bao tải... non hai bát gạo nhờ chủ nhà nấu cơm nuôi chúng tôi! Cụ bảo, cụ không dám cầm gạo công khai vì “sợ chúng nó đánh!”. Chúng tôi ứa nước mắt.

Cầm đôi tay gầy guộc của cụ không ai nói nổi một lời cảm ơn. Chúng tôi thấm đẫm lòng dân thương chúng tôi đến nghẹn lòng... Chúng tôi mới biết bà con cô bác đã góp từng mớ rau, con cá, bát gạo... Có người mang bơ đậu xanh, nấu cháo nuôi chúng tôi. Trong tình trạng căng thẳng tột độ này, biết lòng dân đến đỉnh, nhưng chúng tôi đâu còn đủ sức để nuốt nổi lưng cơm?

Lại nhớ một anh bộ đội đặc công đã phục viên của thôn gọi tôi ra sân nói: “Tôi sẵn sàng đưa các anh ra khỏi vòng vây, vượt sông Hồng, sang Sơn Tây ngay trong đêm nay!”. Tôi ôm lấy anh mãi mới nói nghẹn ngào: “Cảm ơn sự lo lắng, không ngại nguy hiểm của các anh! Nhưng chúng tôi đi làm việc công, vì công bằng! Anh - tôi là người lính!”...

Ngoài kia tiếng chửi trong đêm rờn rợn. Tiếng chửi đến trưa đột nhiên im bặt! Gia đình ông Lạc và những người bảo vệ chúng tôi bỗng reo lên: “Các anh nhà báo ơi, có đoàn cán bộ Hà Nội về!”. Chúng tôi sững sờ, tiếng khóc, tiếng cười, những giọt nước mắt mừng - lo lẫn lộn. 3 nhà báo chúng tôi, cả Đỗ Hà lái xe, không nói được, chỉ ôm bà con cô bác mà khóc.

Tạm biệt thôn Bàn Mạch, xe chạy trong bụi đỏ trung du và nắng chiều oi ả. Bốn chúng tôi không ai nói một lời. Trong lòng nhói lên nỗi đau và nỗi buồn vô hạn. Phải, chúng mình không ai có thể nghĩ rằng, giữa thanh thiên bạch nhật và trong những tháng năm này, ở một miền quê, mà như người ta nói “đã bình yên”, vẫn còn những người, bằng mọi thủ đoạn, nhẫn tâm trấn áp nhà báo, hòng bưng bít, bóp méo, xuyên tạc sự thật.

Thực tế một vùng quê... phũ phàng là vậy, chắc những người ở Bàn Mạch này còn khổ hơn nhiều chúng tôi trong mấy ngày “bị vây” không thể nào quên ấy.
Đào Hóa (Đào Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem