Biến mới trên thị trường trái phiếu: Ngành xây dựng vượt mặt ngân hàng, tăng vay mạnh

19/02/2022 10:57 GMT+7
Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu, trong nửa tháng 2/2022 không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào. Tính từ đầu năm, có 7 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng và 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 26.627 tỷ đồng trong tháng 1/2022.

Xây dựng "vượt mặt" ngân hàng trong nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu

Trong đó, 7 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 6.423 tỷ đồng của 5 tổ chức phát hành gồm: CTCP Du Lịch Thành Thành Công (500 tỷ đồng), CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova (1.300 tỷ đồng), CTCP Xây Dựng Coteccons (500 tỷ đồng), CTCP Bamboo Capital (500 tỷ đồng) và NHTMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (3.623 tỷ đồng).

16 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ có tổng giá trị 20.205 tỷ đồng tỷ đồng.

Biến mới trên thị trường trái phiếu: Ngân hàng "lép vế", lãi suất cao nhất 11% - Ảnh 1.

Báo cáo phát hành trái phiếu. (Nguồn: VBMA)

Đáng chú ý, Bất động sản và Xây dựng hiện là 2 nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Trong nhóm ngành Bất động sản, CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, CTCP Phát Triển Đất Việt đứng ở vị trí thứ hai với 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Trong nhóm ngành Xây dựng, CTCP Xây Dựng Minh Trường Phú và CTCP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả 2 mã trái phiếu đều có kỳ hạn 1 năm.

Nhóm ngành Ngân hàng cũng đáng chú ý với 3 đợt phát hành ra công chúng của BIDV (3.623 tỷ đồng), các trái phiếu này đều có lãi suất thả nổi (tham chiếu trung bình lãi siết tiết kiệm 12 tháng 4 Ngân hàng (Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV) + biên độ 0.5-1%), kỳ hạn từ 7 đến 10 năm và nhằm mục đích tăng vốn cấp 2.

Với kết quả này, ngành ngân hàng bị "lép vế" trong nhóm dẫn đầu về phát hành trái phiếu tính từ đầu năm đến nay. Diễn biến này có sự khác biệt lớn so với bức tranh thị trường trái phiếu trong tháng cuối cùng năm 2021.

Trong tháng 12/2021, nhóm ngân hàng chiếm ưu thế vượt trội trong phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành lên tới 46.926 tỷ đồng, chiếm 71,36% toàn thị trường. Tỷ lệ này vượt xa nhóm thứ hai là bất động sản với giá trị phát hành tháng 12/2021 là 9.538 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Bất động sản tiếp tục trả lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường

Trong báo cáo thị trường trái phiếu vừa công bố, Chứng khoán KBSV dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hoạt động tích cực hơn trong các tháng tới khi các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế ''bình thường hóa". 

Bên cạnh đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất huy động đang duy trì ở mức thấp.

Biến mới trên thị trường trái phiếu: Ngân hàng "lép vế", lãi suất cao nhất 11% - Ảnh 3.

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục trả lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường. (Ảnh: VGP)

Các doanh nghiệp có xu hướng phát hành với kỳ hạn không có nhiều sự phân hóa trong tháng 01 với kỳ hạn phát hành bình quân 4,3 năm.

Nhóm sản xuất là nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 5,5 năm.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản lại là nhóm có kỳ phát hạn thấp nhất trong tháng với bình quân đạt 3 năm.

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục trả lãi suất trái phiếu cao nhất thị trường. Các doanh nghiệp bất động sản thường trả lãi suất cao nhất thị trường quanh ức 10%-11%, đặc biệt Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11%.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục