Big Tech Mỹ vung tiền chèo chống trước 2 bộ luật mới của EU

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 03/09/2021 08:33 AM (GMT+7)
Hàng loạt Big Tech Mỹ vung tiền mạnh tay nhằm vận động hành lang chống lại những bộ luật mới gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU.
Bình luận 0

Trước giờ, các công ty công nghệ thường có thói quen vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại các bộ luật "khắt nghiệt", mà họ cho là có thể làm thay đổi đáng kể hoạt động kinh doanh của mình, nếu các luật đó được ban hành.  

Ở châu Âu, các công ty từng chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết, thuê các cựu quan chức chính phủ, các công ty luật và công ty tư vấn có mối quan hệ tốt. Họ đã tài trợ cho hàng chục tổ chức tư vấn và hiệp hội thương mại, trao các vị trí học thuật tại các trường đại học hàng đầu trên khắp lục địa, và giúp xuất bản các nghiên cứu thân thiện với ngành của các công ty khác thuộc Châu Âu.

Những nỗ lực vận động hành lang để giúp các nhà làm luật soạn thảo dự luật có lợi cho bản thân là điều thường thấy ở phương Tây. Ảnh: @AFP.

Vận động hành lang của nhóm Big Tech tập trung vào hai phần chính là : Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), điều chỉnh các chính sách mà những gã khổng lồ công nghệ phải làm hoặc không được phép làm. Ảnh: @AFP.

Mới đây, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi hai tổ chức gồm Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory và tổ chức vận động hành lang LobbyControl, sau khi thực hiện nghiên cứu bằng cách tổng hợp dữ liệu do các công ty gửi tới kho cơ sở dữ liệu Đăng ký minh bạch của Liên minh châu Âu (EU) đến giữa tháng 6/2021, thì Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook và Microsoft đang được xem ba công ty chi tiêu nhiều tiền nhất để vận động hành lang tại Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc chiến chống lại những bộ luật mới đang nhằm vào các hãng công nghệ khổng lồ (Big Tech) của Mỹ.

Các nhà nghiên cứu Châu Âu cho rằng, việc các Big Tech đang tăng tốc nỗ lực vận động hàng lang nên được giới lập pháp EU nhìn lại, cẩn trọng và cũng cố hơn nữa các dự thảo luật, cũng như những quy định về vận động hành lang trước các bộ luật quan trọng mang tính sống còn của khu vực.

Cũng theo Tổ chức phi lợi nhuận Corporate Europe Observatory và tổ chức vận động hành lang LobbyControl, tính tới thời điểm hiện tại thì lĩnh vực công nghệ thậm chí vượt qua lĩnh vực dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, hóa chất trở thành ngành thống trị về mức chi tiêu cho việc vận động hành lang ở Liên minh Châu Âu EU.

"Sức mạnh vận động hành lang ngày một tăng của các Big Tech và ngành công nghệ số nói chung phản ánh mức độ phát triển và vai trò ngày càng gia tăng của nhóm ngành này với xã hội", trích từ báo cáo.

Có một số ý kiến bên lề cho rằng, việc mạnh tay chi tiền vận động hành lang của các đại gia công nghệ rất đáng lưu tâm và gây lo ngại rằng, các nền tảng công nghệ có thể sử dụng sức mạnh này để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, thay vì sẽ bị các nhà lập pháp phản biện hoặc đẩy tới đường cùng, trong hành trình thảo luận, xây dựng cũng như áp dụng những quy định mới nhằm chỉnh đốn lại cấu trúc thị trường công nghệ tại EU.

Cũng theo nghiên cứu này, 612 công ty, tổ chức và hiệp hội chi hơn 97 triệu Euro (tương đương hơn 114 triệu USD) một năm để vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế số ở châu Âu. Con số này được đưa ra dựa trên dữ liệu do các công ty nộp lên cơ quan Đăng ký Minh bạch do Ủy ban Liên minh Châu Âu vận hành trong 12 tháng tính tới giữa tháng 6/2021.

Tất cả Big Tech nước Mỹ đều nằm trong Top 10 vận động hành lang nhiều nhất châu Âu. Ảnh: @AFP.

Tất cả Big Tech nước Mỹ đều nằm trong Top 10 vận động hành lang nhiều nhất châu Âu. Ảnh: @AFP.

Trong đó, Google dẫn đầu với mức chi 5,8 triệu Euro, theo sau là Facebook và Microsoft với lần lượt 5,5 triệu Euro và 5,3 triệu Euro. Apple đứng vị trí thứ 4 với 3,5 triệu Euro, tiếp đến là hãng công nghệ Trung Quốc Huawei với 3 triệu Euro. Còn hãng thương mại điện tử Amazon chi 2,8 triệu Euro để vận động hành lang, đứng vị trí thứ 6.

Google và Huawei đã xác thực số liệu này trên Bản đăng ký minh bạch châu Âu. "Chúng tôi có những chính sách rõ ràng để bảo vệ sự độc lập của các tổ chức cá nhân mà chúng tôi tài trợ, bao gồm yêu cầu tiết lộ kinh phí", Google trả lời trong một email gửi cho tờ Reuters.

Trong khi đó, Microsoft khẳng định: "đang cố gắng trở thành một đối tác mang tính xây dựng và minh bạch với các nhà hoạch định chính sách châu Âu". Còn Facebook, Apple và Amazon hiện vẫn từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo nghiên cứu trên, hoạt động vận động hành lang của các hãng công nghệ tập trung vào 2 dự thảo luật chính: Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

Đi sâu một chút thì trên thực tế Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) đang nhắm đến các hãng công nghệ có doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ Euro tại châu Âu trong 3 năm gần nhất, có giá trị thị trường trên 65 tỷ USD và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất 3 quốc gia EU, cùng một số tiêu chí khác.

Big Tech vung tiền để chèo chống trước 2 bộ luật "quyền trượng" của EU. Ảnh: @AFP.

Big Tech vung tiền để chèo chống trước 2 bộ luật "quyền trượng" của EU. Ảnh: @AFP.

Dự thảo luật yêu cầu các công ty công nghệ khổng lồ phải chia sẻ một số dữ liệu nhất định với đối thủ và cơ quan quản lý, và phải chủ động báo cáo các thương vụ sáp nhập, và cũng phải chịu bị hạn chế một số điều như không ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình. Nếu không tuân theo có thể bị áp mức phạt tới 10% doanh thu toàn cầu, hoặc thậm chí phải chia tách hoạt động kinh doanh.

Còn lại Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) thì nhắm đến các nền tảng trực tuyến có trên 45 triệu người dùng. Theo dự thảo luật này, các nền tảng phải tìm cách xử lý những nội dung bất hợp pháp, kiểm soát hành vi thao túng trên nền tảng gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, lan truyền tin giả...Ngược lại, nếu vi phạm các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.

Nói tóm lại, các nhà nghiên cứu của Corporate Europe Observatory và LobbyControl cảnh báo về việc giới Big Tech đang tiếp cận sâu trong quá trình xây dựng DMA và DSA, các nhà vận động hành lang đã tiếp cận 3/4 trên tổng số 270 cuộc họp của quan chức châu Âu về việc soạn thảo hai dự luật nói trên. Thậm chí, chưa kể vai trò của các hiệp hội, tổ chức tư vấn chính sách (think tank) cũng đang giúp sức cho các Big Tech.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem