Bình Dương: Học sinh tăng, giáo viên giảm, nỗi lo thiếu người dạy trong năm học mới

Trần Khánh Thứ hai, ngày 05/09/2022 18:30 PM (GMT+7)
Hơn 527.000 học sinh ở các bậc học của tỉnh Bình Dương đã chính thức bước vào năm học 2022-2023. Thực trạng thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nổi cộm của năm học mới.
Bình luận 0

Thiếu giáo viên là thách thức lớn mà ngành giáo dục Bình Dương đang gặp phải từ nhiều năm qua.

Nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Bình Dương là tỉnh tập trung đông công nhân lao động từ khắp các nơi cả nước đến sinh sống và làm việc. Hàng năm số học sinh tăng nhanh chủ yếu là do sự dịch chuyển dân số.

Bình Dương đã rất nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất để tất cả trẻ em được đến trường, có chỗ học thuận lợi. Số lượng trường lớp trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Bình Dương cũng không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.

Phụ huynh đón rước học sinh ở trường mầm non Ánh Ban Mai, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Phụ huynh đón rước học sinh ở trường mầm non Ánh Ban Mai, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Năm học 2022-2023, TP.Thuận An đã sửa chữa trường Tiểu học Bình Nhâm, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, 60 cơ sở giáo dục trên địa bàn được sửa chữa, với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Thế nhưng vấn đề lực lượng cán bộ, giáo viên đáp ứng cho năm học mới vẫn là vấn đề mà ngành giáo dục đào tạo (GDĐT) lo lắng.

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Ngân - Trưởng phòng GDĐT TP.Thuận An, học sinh tăng kéo theo nhu cầu giáo viên tăng. Trong năm học này, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường công lập trên địa bàn là 3.714 người.

TP.Thuận An cũng đang thiếu khoảng 700 giáo viên cho tất cả các cấp học. Bà Ngân cho biết, Phòng GDĐT đang tham mưu UBND TP.Thuận An tổ chức tuyển dụng 225 biên chế, và tiếp tục hợp đồng số giáo viên, nhân viên còn thiếu.

Để năm học mới 2022-2023 diễn ra thuận lợi, TP.Thuận An đã phân công giáo viên dạy tăng tiết, tăng giờ; đảm bảo cho học sinh thực hiện ngay chương trình của Bộ GDĐT đề ra.

Cần chính sách đặc thù giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Bình Dương có 742 trường học, với 527.102 học sinh. Năm nay, Bình Dương tăng 11 trường và tăng khoảng 29.922 học sinh so với năm học 2021-2022.

Số học sinh tăng tập trung tại TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát.

Một tiết học của cô và trò ở trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến - Cơ sở Bình Dương ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.L

Một tiết học của cô và trò ở trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến - Cơ sở Bình Dương ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.L

Sở GDĐT Bình Dương cho biết, tình trạng thiếu giáo viên là khó khăn lớn của ngành hiện nay.

Tính đến cuối năm học 2021-2022, ngành giáo dục Bình Dương có hơn 20.000 công chức, viên chức, nhân viên, trong đó có trên 15.000 giáo viên. 

Dự kiến năm học 2022-2023, tỉnh Bình Dương sẽ thiếu 3.102 giáo viên. Trong đó, bậc học mầm non thiếu 465 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 1.207 giáo viên; bậc trung học cơ sở thiếu 1.305 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu 118 giáo viên; và trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thiếu 7 giáo viên.

Đáng lo hơn, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có có 527 giáo viên xin nghỉ việc. Tình trạng giáo viên nghỉ việc gia tăng khiến cho nguy cơ thiếu giáo viên ở tỉnh Bình Dương ngày càng trầm trọng hơn.  

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương cho biết, tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, và thiếu giáo viên hầu như chỉ diễn ra ở các trường thuộc hệ công lập của tỉnh.

Nguyên nhân là sự phát triển của Bình Dương theo hướng dịch vụ, đô thị. Số trường tư thục trên địa bàn được vận động xã hội hóa ngày càng tăng.

"Việc dịch chuyển giáo viên qua hệ tư thục gia tăng gây ra những khó khăn nhất định cho các trường công lập", bà Hằng cho biết.

Phụ huynh đưa rước học sinh ở trường mầm non Hoa Cúc 7, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Phụ huynh đưa rước học sinh ở trường mầm non Hoa Cúc 7, TP.Thuận An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Cụ thể, năm học học 2022-2023, toàn tỉnh có 742 trường thì gần 50% là trường học ngoài công lập. So với năm học trước, Bình Dương tăng 11 trường, gồm 10 trường ngoài công lập, và chỉ có một trường công lập.

Bà Hằng cho rằng, Bình Dương cần có một giải pháp căn cơ để hạn chế sự dịch chuyển nhân lực từ trường công sang trường tư. Trên cơ sở đó, Sở GDĐT sẽ tham mưu các chính sách đặc thù, nhất là ở khối mầm non và tiểu học, để có biện pháp phù hợp giữ chân giáo viên, giúp giáo viên an tâm công tác.

Trước mắt, từng địa phương trong tỉnh có cách làm riêng để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chấp thuận chủ trương cho ngành GDĐT tuyển dụng 154 chỉ tiêu viên chức. Đồng thời, tỉnh xem xét tiếp tục cho chủ trương các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng.

"Tuy nhiên, việc ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn mới là giải pháp mấu chốt để giáo dục Bình Dương phát triển bền vững", bà Hằng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem