dd/mm/yyyy

Bình Phước: Nhiều hộ nông dân lâm cảnh nợ nần vì “bán điều non”, cầm cố rẫy

Thực trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao... trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Bình Phước là chuyện không mới, nhưng hiện vẫn tiếp diễn. Nhẹ dạ, cả tin, nhiều hộ vay tiền để mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi... rồi phải bán điều non để trả, từ đó lâm cảnh nợ nần, nghèo khó.

1.001 kiểu bán điều non, cầm cố đất ở Bình Phước

Ông Điểu Xum (ở thôn Bình Hà, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) có 1,5ha điều. Do không trả được khoản nợ vay "nóng" trước đó nên ông Xum mới phải mang 1,5ha rẫy điều để bán non cho người khác, lấy tiền trả nợ.

Tương tự, gia đình anh Điểu Lương (ở cùng thôn với ông Xum) cũng rơi vào cảnh trắng tay. Do cần tiền mua xe gắn máy và tiêu xài, nên anh Điểu Lương phải đi vay nóng với lãi suất "cắt cổ". Anh Lương chờ đến mùa thu hoạch điều để bán trả nợ. 

Nào ngờ cây điều bị ảnh hưởng thời tiết, liên tục mất mùa, dẫn đến anh Lương không có tiền trả nợ. Anh Điểu Lương phải cắn răng bán non gần 1,5ha điều hơn chục năm tuổi cho chủ nợ.

Ngăn chặn nạn “bán điều non”, cầm cố rẫy - Ảnh 1.

Đa số đồng bào DTTS ở tỉnh Bình Phước đều sinh sống nhờ vào thu hoạch điều hàng năm. Ảnh: Thanh Trúc

Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Phước, hiện có 485 hộ đồng bào DTTS bán điều non với diện tích trên 873ha, trị giá hơn 56,3 tỷ đồng; 107 hộ cầm cố, sang nhượng đất ở, đất sản xuất với diện tích 118,62ha, số tiền hơn 27,5 tỷ đồng; 76 hộ vay tiền lãi suất cao, số tiền hơn 6,5 tỷ đồng, lãi suất 25% đến 50%/năm.

Không còn đất đai, vườn tược, ông Điểu Xum và anh Điểu Lương phải đi nhặt điều thuê cho những hộ trong vùng để kiếm sống.

Tại thôn 5, xã Đường 10, huyện Bù Đăng có hơn 30 hộ đồng bào dân tộc S'tiêng, do vay tiền xây nhà, mua xe gắn máy, chi tiêu, tổ chức cưới hỏi… nên hầu hết diện tích điều của các hộ nơi đây đã được bán non, san nhượng, hoặc cầm cố.

Bên cạnh việc bán điều non, tình trạng cho vay với lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS cũng diễn ra tràn lan ở tỉnh Bình Phước. Ông Điểu Huỳnh (ngụ thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) vay 60 triệu đồng của ông Bùi Đức Dương ngụ cùng xã, thời hạn 20 ngày. Ông Điểu Huỳnh mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của người anh em cột chèo Điểu Mum để thế chấp. 

Đến hẹn không thể trả nợ, ông Dương mời ông Huỳnh lên "giải quyết" bằng cách ký vay nợ số tiền 280 triệu đồng (?). Nhận thấy không đủ khả năng trả nợ, ông Huỳnh đã làm đơn tố cáo ông Dương lên cơ quan chức năng về hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì không có cơ sở để giải quyết.

Gần đây, còn xảy ra 11 trường hợp là người dân các thôn: Bù Nga, Bù La, Đăk Á, Bù Rên (thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) vay tiền lãi suất 3.000 đồng/ngày của bà T.N (ở thôn Bù Nga). Hiện nay, bà N đã ủy quyền cho ông N.M.T (ngụ tại TP.Đồng Xoài) để đi đòi nợ các hộ dân nói trên.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, người ta phát hiện giấy ủy quyền của bà T.N không đủ giá trị pháp lý, vì không ghi rõ thời gian, chưa có xác nhận của chính quyền địa phương. Phía địa phương cũng đã nhiều lần mời bà N lên để làm rõ vụ việc, nhưng bà N không chấp hành. Và hiện tại, bà này không có mặt tại địa phương, nên việc xử lý vụ việc trên rối như canh hẹ.

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, bà Thị Ché (thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) cho biết, trước đây, bà ủy quyền cho một người khác đi vay nợ ngân hàng để có tiền trồng tiêu và chi tiêu hàng ngày. 

Do không biết tính toán làm ăn, nên để có tiền trả lãi, bà đã phải vay "nóng" thêm bên ngoài. Thời gian trôi qua, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ, nên bà đành phải sang nhượng 11ha rẫy điều của gia đình để gán nợ.

Tài sản duy nhất còn lại của gia đình bà Thị Ché là mảnh đất và căn nhà đang ở, nhưng cũng đang bị cầm cố ngân hàng để vay 300 triệu đồng.

Làm gì để không còn bán điều non?

Ông Lý Trọng Nhân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước - cho biết: Do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn đơn giản và hạn chế; đời sống khó khăn, không có thu nhập ổn định nên liều vay nợ chỉ nhằm mục đích mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe máy mới, tổ chức cưới hỏi linh đình... Sau đó, bà con không có tiền để trả nợ, buộc phải cầm cố đất, vườn để trả nợ hoặc bị chủ nợ lấy đất, siết nhà cửa để trừ nợ.

Ông Nhân cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, trong một bộ phận nhân dân chưa được thường xuyên, sâu sát. Có không ít hộ dân khi tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, lại sử dụng không đúng mục đích cho vay, tiêu xài phung phí. Đến thời hạn trả nợ thì không có tiền, cùng đường, họ phải vay tiền lãi suất cao để trả nợ, dẫn đến phải bán điều non, thế chấp, cầm cố, sang nhượng đất đai.

Theo ông Nhân, để ngăn chặn tình trạng trên, giải pháp hữu hiệu nhất là "tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non… để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức. Cơ quan chức năng sớm thực hiện điều tra truy tố, khởi tố xét xử công khai vụ án và đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự nhằm răn đe các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người DTTS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Tuy nhiên, giải pháp bền vững nhất vẫn là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng hộ DTTS; động viên, kích thích đồng bào có khát vọng vươn lên" - ông Nhân nói.


Hoàng Hưng - Thanh Trúc