Bitcoin “sập” xuống mức thấp nhất 2022, nhà đầu tư có hoảng?

Thứ ba, ngày 10/05/2022 15:20 PM (GMT+7)
Liên tục những sự kiện tiêu cực xảy ra trong tuần qua với các dự án blockchain, không dừng ở việc Bitcoin chạm đáy.
Bình luận 0

Giá Bitcoin giảm mạnh trong tuần qua, kéo theo sắc đỏ trên toàn thị trường tiền số sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,5%. Đồng thời, rắc rối còn xảy ra với các dự án chuỗi khối hàng đầu bởi quá tải hệ thống, nền tảng không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng cao.

Bitcoin “sập” xuống mức thấp nhất 2022

Hai ngày sau khi FED công bố tăng lãi suất thêm 50 điểm (0,5%), đồng tiền số lớn nhất thế giới đã giảm khoảng 8%, rơi xuống dưới 36.000 USD. Trong ngày 5/5, dữ liệu từ Coinglass cho thấy hơn 497 triệu USD vị thế hợp đồng tương lai đã bị thanh lý. Trong đó, khoảng 120.000 nhà đầu tư bị cháy tài khoản với lượng lớn đến từ vị thế dự đoán tăng (Long).

Tin xấu bủa vây Bitcoin và thị trường tiền mã hóa - Ảnh 1.

Bitcoin giảm khoảng 14% trong tuần qua. Ảnh: Coinmarketcap.

Đến ngày 8/5, Bitcoin lại tiếp tục điều chỉnh, rơi về mức 34.500 USD/đồng, thấp nhất kể từ đầu năm. Đà giảm của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đến sáng 9/5, giá BTC chỉ còn 33.500 USD/đồng. Trong một tuần qua, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã giảm khoảng 14%. So với đỉnh 68.000 USD từ tháng 11/2021, giá Bitcoin đã giảm gần một nửa.

Bitcoin giảm giá kéo theo sắc đỏ bao trùm toàn bộ thị trường tiền số. Những dự án thuộc nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất (không tính stablecoin) đều sụt giảm mạnh. Ethereum (ETH) giảm 15%, còn 2.400 USD/đồng, BNB giảm 11% còn 346 USD/đồng, Solana (SOL) giảm 17% còn 74 USD/đồng, LUNA giảm 25%, còn 61 USD/đồng.

Việc thị trường đi xuống còn kéo theo một cá voi của dự án Fantom vỡ nợ. Tài sản thế chấp của người này bị thanh lý khiến hệ sinh thái Fantom đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong danh sách các dự án lớn, NEAR và TRON là hai đồng tiền số ít bị ảnh hưởng bởi việc vừa công bố stablecoin cho hệ sinh thái với mức lãi suất cho vay cao.

Trong tuần qua, chỉ số cảm xúc của thị trường cũng diễn biến tiêu cực. Từ mức khoảng 28 điểm, ở vùng sợ hãi, dữ liệu từ Alternative trong ngày 9/5 cho thấy thị trường đang ở mốc 11 điểm, sợ hãi tột độ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân thị trường tiền số biến động mạnh là do ảnh hưởng kinh tế vĩ mô trên toàn cầu. Lạm phát tăng cao, chính phủ của các nước phải tăng lãi suất nhằm cải thiện tình trạng này.

Hạ tầng lỗi thời khiến Solana, Ethereum sập mạng

Trước khi thị trường tiền số giảm sâu, Ethereum và Solana đã bị sập mạng. Điều này cho thấy điểm yếu của các dự án blockchain có lượng người dùng lớn. Nếu không tính stablecoin, ETH là đồng coin lớn thứ hai, Solana đứng thứ 5 trong nhóm 10 dự án tiền mã hóa lớn nhất.

Tin xấu bủa vây Bitcoin và thị trường tiền mã hóa - Ảnh 2.

Ethereum, Solana quá tải bởi các giao dịch NFT. Ảnh: Cointelegraph.

Ngày 1/5, dự án metaverse Otherside mở bán NFT đất đai trong thế giới ảo của mình. Otherside là một phần của hệ sinh thái bộ sưu tập NFT Bored Ape Yatch Club (BAYC) và token Apecoin. Chính lượng giao dịch quá lớn bị dồn vào một thời điểm khiến phí gas (phí giao dịch) trên mạng lưới bị đẩy lên mức 4.800 USD, làm cho Ethereum gần như tê liệt.

Phí giao dịch cao và tốc độ chậm là vấn đề tồn tại trên mạng lưới Ethereum suốt thời gian qua. Axie Infinity, dự án mở ra trào lưu GameFi vốn được xây dựng trên ETH. Tuy nhiên, vì phí và tốc độ giao dịch, đội ngũ dự án phải làm thêm sidechain (blockchain phụ) Ronin để cải thiện tình hình.

Phí giao dịch tăng cao khiến chính người sáng lập ETH phải lên tiếng. “Phí giao dịch cần xuống dưới 0,05 USD mới chấp nhận được”, Vitalik Buterin viết trên Twitter. Ethereum cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ phương thức xác thực Bằng chứng Công việc (Proof-of-Work) sang Bằng chứng Cổ phần (Proof-of-Stake) để cải thiện tốc độ, phí. Tuy nhiên sự kiện The Merge (Hợp nhất) đã bị lùi lịch so với dự kiến.

Trong khi đó, sự cố trên Solana còn nghiêm trọng hơn khi mạng lưới tê liệt hoàn toàn, người dùng không thể giao dịch trong hơn 8,5 giờ. Nguyên nhân sự cố bắt nguồn từ việc OpenSea mở bán NFT hỗ trợ Solana. Từ đó, những máy giao dịch tự động (bot) gửi lượng lớn lệnh lên hệ thống gây nghẽn mạng. Theo Solana Status, có tới 4 triệu giao dịch mỗi giây được gửi lên, làm cho hệ thống quá tải.

Đây không phải lần đầu Solana sập mạng. Nhiều sự cố tương tự đã diễn ra từ tháng 8/2021, nhưng đến nay mạng lưới vẫn chưa đưa ra phương án khắc phục triệt để.

Xuân Sang (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem